/ 20
1.406

Liễu Phàm Tứ Huấn

Tập 14

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 19.04.2001

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng

Thâm Quyến_Trung Quốc


  Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Mời xem tiếp đoạn kinh văn này, đây là trường hợp thứ tám: “Gia hưng đồ khang hi công, sơ vi hình bộ chủ sự, tức ngục trung, tế tuần chư tù tình trạng, đắc vô cô giả nhược can nhân, công bất tự dĩ vi công, mật sớ kỳ sự, dĩ bạch đường quan. Hậu triều thẩm, đường quan trích kỳ ngữ, dĩ tấn chư tù, vô bất phục giả, thích oan ức thập dư nhân, nhất thời liễn hạ, hàm tụng thượng thư chi minh”. Chúng ta xem đoạn này.

“Gia Hưng” ở tỉnh Triết Giang, những trường hợp mà Liễu Phàm tiên sinh đưa ra, đại đa số đều là những câu chuyện tại khu vực Triết Giang. Do đây có thể biết, nguyên tắc đưa ra ví dụ nhất định phải ở chỗ gần nhất. Khi nghe mọi người đều biết, như vậy sức tin mới mạnh. Còn về thời đại, càng gần càng tốt. Đồ Khang Hi làm quan trong hình bộ. “Chủ sự” là tên chức quan đương thời. Một hôm ông ngủ trong giám ngục, cùng một nơi với các phạm nhân, đi nghe ngóng tình trạng của những phạm nhân này, vì vậy biết được trong số phạm nhân có không ít người bị oan, bị người hãm hại. Đồ tiên sinh không phải muốn lập công, ông đem tình hình này bí mật viết vào giấy đưa lên cho đường quan, đường quan là cấp trên của ông, cũng chính là hình bộ thượng thư, hình bộ thượng thư tương đương với bộ trưởng hiện nay.

“Hậu triều thẩm”, mấy ngày sau tra hỏi lại những phạm nhân này, đường quan trích lục mấy tình tiết của Đồ Khang Hi để tra hỏi những phạm nhân này, phạm nhân không ai không phục, nhờ vậy đã giải oan cho khoảng mười mấy người. “Nhất thời”, đương thời chuyện này được truyền ra. “Liễn hạ”, liễn là xe hoàng đế ngồi, liễn hạ nghĩa là nói thủ đô, kinh thành, nơi hoàng đế ở. “Liễn hạ hàm tụng thượng thư chi minh”. Mọi người không ai không khen ngợi đối với sự công chánh liêm minh của hình bộ thượng thư.

Đồ tiên sinh lại nghĩ đến một vấn đề, bên dưới nói: “Công phục bẩm viết, liễn cốc chi hạ, thượng đa oan dân, tứ hải chi quảng, triệu dân chi chúng, khởi vô uổng giả. Nghi ngũ niên, sai nhất giảm hình quan, hạch thật nhi bình phản chi”. Đây là kiến nghị của ông, kiến nghị lên thượng thư. Ông nói ở kinh thành này còn có nhiều người hàm oan đến thế, vậy ngoài kinh thành, trên toàn quốc dân chúng rất nhiều, sao có chuyện không hàm oan được? Chắc chắn rất nhiều người bị hàm oan. “Nghi” là cần, cần phải phái một vị giảm hình quan năm năm điều tra lại những vụ án này, đây là việc tốt.

“Thượng thư vi tấu”, trưởng quan của ông, hình bộ thượng thư chấp nhận ý kiến đó, đưa ý kiến này tấu lên hoàng đế. “Duẫn kỳ nghị”, hoàng đế bằng lòng. “Thời, công diệc sai giảm hình chi liệt”, Đồ Khang Hi Công cũng bị phái làm một trong các vị quan giảm hình, giải oan cho rất nhiều người bị oan khuất. “Mộng nhất thần cáo chi viết, nhữ mệnh vô tử, kim giảm hình chi nghị, thâm hợp thiên tâm”. Đây là cảm ứng, bản thân tu đức tích thiện, trên hợp ý trời, thượng đế thương yêu tất cả chúng sanh, gọi là “trời có đức hiếu sinh”. Cách làm của ông, kiến nghị của ông, rất tương ưng với ý trời.

 Số mệnh ông không có con trai, hiện nay “thượng đế tư nhữ tam tử”, ông không cầu con trai, không cầu con trai, nhưng ông được cảm ứng này. “Giai y tử yêu kim, thị tịch phu nhân hữu thần. Hậu sanh Ứng Huân, Ứng Khôn, Ứng Tuấn, giai hiển quan”. Đây là thiện nhân thiện quả. Trong đoạn văn “y tử yêu kim”, là nói mặc quan phục màu tím, thắt đai lưng bằng vàng, đây là quan cao. Chúng ta biết lễ phục ngày xưa, hoàng tộc mặc long bào màu vàng, chỉ giới hạn trong hoàng tộc. Văn võ bá quan, trong quan văn “tử bào” là tước vị cao nhất. Đại khái là thượng thư trở lên, bộ trưởng trở lên quan phục mới là màu tím, đây là một trường hợp.

Tiếp theo là trường hợp thứ chín là Bao Bằng, người này thường bỏ tiền của tu sửa chùa chiền, cũng được cảm ứng. “Gia Hưng Bao Bằng, tự Tín chi. Kỳ phụ chi trì dương thái thủ, sanh thất tử, Bằng tối thiếu. Chuế bình hồ viên thị, dữ ngô phụ vãng lai thâm hậu, bác học cao tài, lũy cử bất đệ, lưu tâm nhị thị chi học”. Chúng ta xem đoạn này. “Gia Hưng nhân Bao Bằng”, ở đây đến tự của ông là Tín Chi cũng viết ra. Do đây có thể biết, Bao Bằng và Liễu Phàm tiên sinh khá thân. Phụ thân của Bao Bằng làm Thái thú Trì Châu. Thái thú cao hơn Tri huyện một bậc, cùng một cấp quan với Tri phủ. Trì Châu là ở huyện Quý Trì tỉnh An Huy. Ông sinh bảy người con trai, Bao Bằng nhỏ nhất. Đại khái là ông nhiều con cái, cho nên đứa trẻ này ở rể trong nhà họ Viên tại Bình Hồ, làm người một nhà với Viên Liễu Phàm, ở rể trong nhà họ.

/ 20