/ 20
1.697

Liễu Phàm Tứ Huấn

Tập 15

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 19.04.2001

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng

Thâm Quyến_Trung Quốc


  Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Chúng ta xem tiếp đoạn văn bên dưới: “Phàm dục tích thiện, quyết bất khả tuẫn nhĩ mục, duy tùng tâm nguyện ẩn vi xứ, mặc mặc tẩy địch. Thuần thị tế thế chi tâm, tắc vi đoan. Cẩu hữu nhất hào, mị thế chi tâm, tức vi khúc. Thuần thị ái nhân chi tâm, tắc vi đoan. Hữu nhất hào phẫn thế chi tâm, tức vi khúc. Thuần thị kính nhân chi tâm, tắc vi đoan. Hữu nhất hào ngoan thế chi tâm, tức vi khúc, giai đương tế biện”.

Đoạn này nói với chúng ta về sự phân biệt giữa “đoan” và “khúc”. Chúng ta phát tâm muốn tu thiện, phát tâm muốn tích đức, tuyệt đối không để bị mắt và tai lừa gạt. Mắt thích nhìn, tai thích nghe, nếu tùy thuận tham tâm này, như vậy là sai. Cần phải từ chỗ ẩn mật vi tế của khởi tâm động niệm, đem tâm mình rửa sạch sẽ. Hay nói cách khác, tuyệt đối không để cho ý niệm tà ác làm ô nhiễm tâm thanh tịnh.

Trong kinh Phật thường nói, trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Đức Phật dạy cho chúng ta cương lĩnh tu học. Phật dạy ngày đêm thường nghĩ đến thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không dung nạp chút bất thiện nào xen tạp vào, ý nghĩa hoàn toàn tương đồng với ở đây nói. Như vậy mới có thể khiến tâm mình hoàn toàn thanh tịnh, toàn là tâm tế thế cứu nhân, đây gọi là trực. Trong này tuyệt đối không xen tạp chút uyển chuyển nào, uyển chuyển này chính là tự tư tự lợi.

Bên dưới có ví dụ rất hay, nếu có tâm nịnh hót của thế tục, đó là khúc, không phải trực. “Đoan” là đoan trực, nhà Phật nói: “trực tâm là đạo tràng”. Ở đây Liễu Phàm tiên sinh dùng đoan, đoan chính là trực, đoan tâm tức là trực tâm. Phản diện của đoan là “khúc”, trong tâm còn một chút tâm nịnh bợ của thế tục, như vậy là sai. Toàn là tâm thương người, thương người trong nhà Phật gọi là đại từ đại bi. Trong thương yêu này không có tình, nếu có cảm tình là sai. Yêu này là tâm yêu thương của thanh tịnh, yêu thương của bình đẳng, yêu thương của chân thành, đây là đoan. Nếu trong này còn có chút oán hận bất bình, những điều này vô cùng vi tế, chúng ta cần phải khảo nghiệm trong cuộc sống hằng ngày. Ta xử sự đối nhân tiếp vật, còn có sự ghét bỏ chăng? Còn có điều gì không thích hay chán ghét chăng? Nếu như còn những ý niệm này, tâm chúng ta phát là khúc, tâm này không đoan, nghĩa là không phải trực tâm. Tâm thể của tâm bồ đề là trực tâm, trong Khởi Tín Luận nói: “trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm”, đây gọi là tâm bồ đề. Bồ đề nghĩa là giác ngộ, người thật sự giác ngộ tâm họ là trực tâm. Tự thọ dụng là thâm tâm, thâm tâm là háo thiện háo đức.

Thiện này ở trước có nói, như thế nào gọi là háo thiện? Niệm niệm lợi ích người khác, niệm niệm lợi ích chúng sanh, đây là thiện. Nếu trong đó xen vào ý niệm tự lợi, đây là bất thiện. Nếu như không hiểu rõ ràng minh bạch tiêu chuẩn này, quả thật như cổ nhân nói, quý vị tưởng rằng là tu thiện, đâu ngờ là đang tạo ác! Cho nên ta tu hành bao nhiêu năm, đều không thể thay đổi được vận mệnh, đều không đạt được thành tích tốt. Rốt cuộc khuyết điểm phát sinh ở đâu, bản thân không hề hay biết. Liễu Phàm Tứ Huấn là một cuốn sách hay, đọc tường tận. Sau khi đọc xong, suy nghĩ tường tận, nỗ lực tự kiểm điểm mình. Do đó bản thân hiểu rõ, biết được làm sao tu thiện, làm sao tích đức.

Toàn là tâm cung kính người khác_hai ba năm lại đây chúng ta đề xướng sống trong thế giới biết ơn. Bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên, đều không để nó trong tâm. Để trong tâm chỉ có lòng yêu thương, chỉ có lòng biết ơn, đây là đoan. Nếu như có một chút tâm bỡn cợt thế nhân, đó chính là khúc. Những điều này cần phải phân biệt tỉ mỉ.

Bên dưới nói với chúng ta như thế nào gọi là âm dương. “Hà vị âm dương”. Thiện có “âm thiện” có “dương thiện”. “Phàm vi thiện nhi nhân tri chi, tắc vi dương thiện, vi thiện nhi nhân bất tri, tắc vi âm đức. Âm đức thiên báo chi, dương thiện hưởng thế danh, danh diệc phước dã”. Bây giờ quý vị tu, bây giờ đã hưởng hết phước. “Danh giả, tạo vật sở kỵ, thế chi hưởng thịnh danh, nhi thật bất phó giả, danh hữu kỳ họa. Nhân chi vô quá cửu, nhi hoành bị ác danh giả, tử tôn vãng vãng sậu phát, âm dương chi tế vi hĩ tai”, đoạn này nói rất hay! Dương thiện và âm thiện dễ hiểu, dễ hiểu hơn nhiều so với “đoan khúc” ở trước.

/ 20