/ 20
3.216

Liễu Phàm Tứ Huấn

Tập 4

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 16.04.2001

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng

Thâm Quyến_Trung Quốc

 

  Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Hôm qua nói đến thiền sư Vân Cốc dạy Liễu Phàm tiên sinh phải sửa đổi chính mình, đây chính là nói về thân nghĩa lý.

Hôm nay chúng ta xem tiếp: “Phu huyết nhục chi thân, thượng nhiên hữu số, nghĩa lý chi thân, khởi bất năng cách thiên”. “Huyết nhục chi thân” là thân thể của chúng ta, vì thân thể này không thể tách rời vọng tưởng phân biệt chấp trước, bởi vậy đều rơi vào số mệnh. Cho nên dùng thuật số có thể suy đoán chuyện lành dữ họa phước của cuộc đời mình. Nếu con người muốn vượt thoát số mệnh, cần phải thay đổi từ mặt tâm lý. Những quan niệm và hành vi bất thiện trước đây, đều có thể thay đổi, tương ưng với nghĩa lý. Thân này gọi là “thân nghĩa lý”, trong Phật pháp gọi là nguyện lực, thân huyết nhục là nghiệp lực, do nghiệp lực biến hiện. Nếu nguyện lực chúng ta mạnh hơn nghiệp lực, trong Phật pháp gọi là thừa nguyện tái sanh. Trong này chúng ta cần phải hiểu, thân huyết nhục không tách rời tự tư tự lợi, thân nghĩa lý đại công vô tư, không nghĩ đến lợi ích cho riêng mình. Sống trong thế gian này, thân thể này là công cụ vì xã hội, vì nhân dân, vì chúng sanh phục vụ tạo phước, hoàn toàn thoát ly quan hệ nghiệp lực của mình, thân này gọi là thân nghĩa lý, thân này gọi là thừa nguyện tái sanh. Chúng sanh có phước, thân này sẽ thường trụ ở thế gian. Chúng sanh không có phước báo, thân này tự nhiên xả bỏ. Nói cách khác, nhà Phật thường nói, liễu sanh tử xuất luân hồi, chính là ý này.

Bên dưới trích dẫn sách cổ làm chứng: “Thái giáp viết: Thiên tác nghiệt, do khả vi”. Đây là giả thiết, là tai họa thiên nhiên. “Do khả vi” là có thể tránh. Ngày nay chúng ta nói thiên tai tự nhiên là có thể tránh, có thể cứu vãn, đạo lý này rất thâm sâu. “Tự tác nghiệt, bất khả hoạt”, là không thể cứu vãn, không thể tránh khỏi, ý câu này rất sâu sắc. Vì sao nói có thể tránh thiên tai tự nhiên? Hiện nay người hiểu đạo lý này không nhiều.

Thánh nhân nói với chúng ta, trong kinh điển Phật Bồ Tát nói với chúng ta: “y báo chuyển theo chánh báo”. Y báo là hoàn cảnh tự nhiên, hoàn cảnh tự nhiên cũng chuyển theo tâm người. Nếu xã hội này, tâm người lương thiện, thuần hậu, hoàn cảnh sống của chúng ta sẽ chuyển thành tốt. Gọi là phong điều vũ thuận, quốc thái dân an. Không chỉ là thiên tai do người làm, là nhân tạo, thiên tai tự nhiên cũng là con người tạo.

Trong Phật pháp nói, một loại là cộng nghiệp, một loại nữa là biệt nghiệp. Cộng nghiệp là mọi người cùng tạo, nó biến thành thiên tai tự nhiên. Do cá nhân tạo ra, liền trở thành lành dữ họa phước của cá nhân. Cho nên cá nhân mình tạo nghiệp, đây là điều không thể tránh khỏi. Nghiệp do đại chúng xã hội tạo ra, tôi có thể tránh, tôi có thể cứu vãn. Đây là chân lý, là chân tướng sự thật.

Lại trích dẫn hai câu trong Thi Kinh: “Thi vân: Vĩnh ngôn phối mệnh, tự cầu đa phước”. Hai câu này, “vĩnh ngôn” nghĩa là thường nói, các bậc thánh hiền thường nói. “Phối mệnh” nghĩa là nói tâm tương ưng với trời cao, tâm người đồng tâm trời, trời là tâm gì? Rốt cuộc trời ở đâu? Đây không phải một thứ hữu hình, nói thật là một thứ vô hình, là một khái niệm trừu tượng, gọi là: “trời có đức hiếu sinh”. Tâm trời là tâm yêu thương, yêu thương vô tư. Tâm trời là yêu thương bình đẳng, yêu thương bình đẳng. Nếu bản thân có thể tu dưỡng, nâng tâm nguyện của mình đến đại công vô tư, đối đãi bình đẳng với mọi người, mọi việc, mọi vật. Đây chính là “vĩnh ngôn phối mệnh”. Đương nhiên phước ở trong đó, không cầu phước báo cũng hiện tiền. Quý vị suy nghĩ tường tận về ý nghĩa này.

Bên dưới thiền sư Vân Cốc nói: “Khổng tiên sinh toán nhữ, bất đăng khoa đệ, bất sanh tử giả, thử thiên tác chi nghiệt, do khả đắc nhi vi dã”. “Thiên tác chi nghiệt”, là tội ông tạo trong quá khứ, ông tạo nghiệp bất thiện, nên đời này không có phần công danh, cũng không có con. Đây là do trong đời quá khứ ông tạo, có thể tránh, có thể cứu vãn, cứu vãn như thế nào? “Nhữ kim khuếch sung đức tánh”, phải sửa đổi chính mình. “Lực hành thiện sự, đa tích âm đức”. Âm đức là gì? Làm việc tốt mà không để cho người khác biết, đây gọi là âm đức, âm đức quả báo dày. Làm một chút việc tốt, mọi người đều biết. Như hiện nay tin tức báo chí đứng ra biểu dương, khen ngợi, giới thiệu quý vị trước quần chúng xã hội. Đây cũng là phước, nhưng phước này lập tức tiêu hết, rất đáng tiếc! Bởi vậy người làm việc tốt thật sự, không cần để người khác biết. Nếu làm việc tốt nhất định phải có giới truyền thông đưa tin, phải lên báo lên đài, đây không phải việc tốt thật sự. Tâm này chưa rời danh văn lợi dưỡng, không phải chân tâm. Thiện này là giả thiện, là ngụy thiện, không phải chân thiện. Chân thiện, cần gì để người khác biết? Tuyệt đối tránh tình trạng truyền thông đưa tin, như vậy mới tốt.

/ 20