/ 20
3.537

Liễu Phàm Tứ Huấn

Tập 5

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 17.04.2001

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng

Thâm Quyến_Trung Quốc

 

  Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Thiền sư Vân Cốc nói tiếp rằng: “Chí tu thân dĩ sĩ chi, nãi tích đức kỳ thiên chi sự. Viết tu, tắc thân hữu quá ác, giai đương trị nhi khứ chi. Viết sĩ, tắc nhất hào kí du, nhất hào tương nghênh, giai đương trảm tuyệt chi hỉ. Đáo thử địa vị, trực tạo tiên thiên chi cảnh, tức thử tiện thị thực học”.

Đoạn này là nói đến tu thân. Mạnh tử nói câu “tu thân dĩ sĩ chi”, là nói mình phải tu dưỡng đức hạnh từng giờ từng phút. Cho đến “tích đức kỳ thiên chi sự”. “Tu” nghĩa là tu sửa, đây thuộc về công phu tu dưỡng. “Thân” có lỗi lầm, có hành vi ác, cần phải đoạn tận nó vĩnh viễn. “Sĩ” là chờ đợi, gọi là “nước chảy thành sông”. Trong này cấm kỵ nhất là không được có tâm cầu may và suy nghĩ vượt giới hạn, cũng không được để cho ý niệm trong tâm loạn khởi loạn động. “Tương nghênh” nghĩa là khởi diệt của ý niệm, đều phải đoạn tuyệt nó: “Giai đương trảm tuyệt”, đây là công phu thật sự. Đến địa vị này, là hoàn toàn khôi phục tánh đức. Cảnh giới này trong nhà Phật gọi là cảnh giới của đại Bồ Tát. “Tức thử tiện thị thực học”, là học vấn thực thụ. Mạnh tử nói rất hay: “học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hỷ”. “Phóng tâm” là gì? Là vọng tưởng, tạp niệm, phân biệt, chấp trước, học vấn thật sự là gì? Là có thể đoạn tất cả những điều này, đây là học vấn thực thụ. Đây hoàn toàn có thể khôi phục tự tánh, khôi phục bản tâm. Tự tánh vốn đầy đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo. Đây là có cầu tất ứng, nguyên lý thật sự có cầu sẽ được, nguyên lý thật sự tức là chúng ta nhất định phải có niềm tin. Thật sự nương theo lý luận phương pháp này để tu, có gì mà không cầu được? Pháp thế xuất thế gian không có gì không cầu được.

Đoạn văn bên dưới lại nói: “Nhữ vị năng vô tâm, đản năng trì Chuẩn Đề chú, vô ký vô số, bất linh gián đoạn, trì đắc thuần thục, ư trì trung bất trì, ư bất trì trung trì, đáo đắc niệm đầu bất động, tắc linh nghiệm hỉ”. Đạo lý này là “thành tức linh, thành tức minh”, chúng ta là phàm phu, phàm phu không thể đạt được vô tâm, nghĩa là vô niệm, phàm phu đều có niệm. Làm sao khống chế ý niệm này? Làm sao tiêu diệt ý niệm này? Như vậy phải dùng phương pháp, Thiền sư Vân Cốc dạy Liễu Phàm phương pháp trì chú.

Có người đọc cuốn sách này, nghe tôi nói những lời này, quay lại hỏi tôi, thầy ơi! Chúng con có cần niệm chú Chuẩn Đề chăng? Hay là tiếp tục niệm Phật A Di Đà? Có không ít người hỏi câu này. Do đây có thể biết, học tập mà không dụng tâm, quý vị nghe không hiểu ý nghĩa. Không phải ở trước đã nói với quý vị rồi sao? Họa phù, tham thiền, trì chú, niệm Phật có hiệu quả như nhau. Phương pháp kỹ xảo không giống nhau, nhưng mục đích và nguyên lý hoàn toàn tương đồng. Họ niệm chú Chuẩn Đề, chúng ta niệm Phật A Di Đà, nhưng phải nhớ mấy câu bên dưới, đây là nguyên tắc chung: “vô ký vô số”. Điều này phải xem người như thế nào, hàng trung thượng căn tánh có thể dùng phương pháp này, hàng trung hạ căn tánh tốt nhất là nhớ số. Cho nên chúng ta dùng chuỗi, dùng chuỗi để làm gì? Để nhớ số lượng, một ngày nhất định phải nhớ số lượng bao nhiêu, như vậy có thể tiêu trừ vọng niệm. Công phu có thể đạt được tinh tấn mà không giải đãi, đây là công phu sơ bộ. Chư vị nên nhớ, dùng khoảng mấy mươi năm sau, vọng niệm ít đi, tâm địa ngày càng thanh tịnh, lúc này không cần nhớ số nữa. Vì sao vậy? Vì nhớ số vẫn là phân tâm, đây là phương pháp bất đắc dĩ lúc sơ học. Nhớ số lượng, là một ngày nhất định phải niệm mấy vạn câu Phật hiệu, niệm năm vạn câu, niệm mười vạn câu. Đây là công phu sơ bộ, công phu thuần thục không nhớ số lượng, nghĩa là không bị phân tâm. Niệm Phật hiệu câu này tiếp câu kia, không nhớ không đếm, như vậy tâm quý vị, niệm niệm trú trong Phật hiệu, vọng niệm tự nhiên không sanh. Công phu niệm Phật quý ở chỗ không hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp. Khi công phu thuần thục, đến “trì trung bất trì, bất trì trung trì”, nghĩa là niệm và không niệm hợp thành một, niệm và không niệm là một không phải hai, quý vị nhập vào pháp môn bất nhị, công phu niệm Phật đạt đến cứu cánh. Cho nên chúng ta dùng phương pháp niệm Phật hay trì chú đều giống nhau, công phu có rất nhiều tầng lớp, bản thân nhất định phải biết.

/ 20