Liễu Phàm Tứ Huấn
Tập 3
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 16.04.2001
Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng
Thâm Quyến_Trung Quốc
Chư vị đồng học, xin chào mọi người!
Ở trước nói đến có cầu tất ứng, thiền sư Vân Cốc đặc biệt nhấn mạnh, nói vọng ngữ là đại giới của nhà Phật, chư Phật Bồ Tát sao có thể gạt người? Những lời này đều giúp Liễu Phàm tăng trưởng tín tâm.
Sau khi Liễu Phàm tiên sinh nghe xong, “dư tấn viết: Mạnh tử ngôn, cầu tắc đắc chi, thị cầu tại ngã giả dã. Đạo đức nhân nghĩa, khả dĩ lực cầu, công danh phú quý, như hà cầu đắc”. Tiến thêm một bước, Liễu Phàm thỉnh giáo thiền sư Vân Cốc, Mạnh tử thường nói rằng: Cầu sẽ được, cầu là do ta mà thôi, đạo đức nhân nghĩa, cho rằng đây là ta, ta có thể cầu được. Công danh phú quý là vật ngoài thân, làm sao có thể cầu được?
“Vân Cốc viết: Mạnh tử chi ngôn bất thác, nhữ tự thác giải liễu. Nhữ bất kiến Lục tổ thuyết: Nhất thiết phước điền, bất ly phương thốn, tùng tâm nhi mịch, cảm vô bất thông. Cầu tại ngã, bất độc đắc đạo đức nhân nghĩa, diệc đắc công danh phú quý, nội ngoại song đắc, thị cầu hữu ích ư đắc dã”. Đoạn này rất quan trọng, thiền sư Vân Cốc là một người tu hành lâu năm, Liễu Phàm gặp ngài, Liễu Phàm 35 tuổi, lúc này thiền sư Vân Cốc 69 tuổi, mà còn là một người tu hành đắc đạo. Tục ngữ gọi đắc đạo, là người thật sự khai ngộ, thật sự khế nhập vào cảnh giới của chư Phật Bồ Tát.
Lời Mạnh tử nói không sai, là ông hiểu sai. Lời Mạnh tử không sai chỗ nào, ông hiểu sai chỗ nào? Ở đây không nói nhiều. Bài học trước tôi có nói, nếu quý vị lãnh hội tường tận, tự nhiên hiểu rõ hai câu nói của thiền sư Vân Cốc.
Bên dưới ngài đưa ra câu nói của Lục tổ Thiền tông, câu này trong Lục Tổ Đàn Kinh. “Tất cả phước điền, không rời phương thốn”. “Phương thốn” là chỉ tâm địa của chúng ta, lành dữ họa phước đều do ý niệm biến hiện ra, không rời tâm. “Tùng tâm nhi mịch, cảm vô bất thông”. Chúng ta cầu cảm ứng, cầu từ đâu? Cầu từ trong chân tâm. Cho nên cầu giàu sang được giàu sang, cầu nam nữ được nam nữ, cầu sống lâu được sống lâu. Phải hiểu được đạo lý cầu, như lý như pháp đâu có chuyện không cầu được? Thế xuất thế gian khó nhất là thành Phật, thành Phật còn có thể cầu được, huống gì công danh phú quý của thế gian? Đó chỉ là chuyện nhỏ nhặt, chẳng đáng là gì, làm gì có chuyện không cầu được! Ngày nay chúng ta cầu, quan trọng nhất là thông. Thế nào gọi là thông? Thông nghĩa là quán thông tầng không gian, tôi nói như thế người thời nay dễ lý giải hơn. Dùng phương pháp gì để quán thông? Dùng tâm chân thành. Thành là gì? Chân là gì? Chân nghĩa là không có vọng, không phải hư vọng, không có chút hư vọng nào. Thành là gì? Cuối thời nhà Thanh, ông Tăng Quốc Phiên nói rất hay, trong Độc Thư Bút Ký của ông có định nghĩa về chữ “thành” này: “một niệm không sanh gọi là thành”, định nghĩa này vô cùng chính xác. Trong Phật pháp nói, không có vọng niệm nào, đây gọi là chân thành. Tâm chân thành chính là bản tánh của mình, là chân tâm của mình. Tất cả pháp của thế xuất thế gian, đều từ trong chân tâm bản tánh biến hiện ra. Ta tìm được chân tâm bản tánh, đâu có đạo lý không cầu được? Những lý và sự này, trong kinh điển đại thừa Đức Phật nói rất nhiều. Tìm hiểu sơ sơ về đại thừa, đều biết những giáo huấn này của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ai được lợi ích? Người y giáo phụng hành được lợi ích, được thọ dụng. Nếu quý vị đọc kinh mà chỉ biết đọc, không hiểu được đạo lý trong kinh, không hiểu được ý của kinh điển, không thể thực hành những phương pháp đạo lý này vào trong hành vi cuộc sống của mình, như vậy là không được lợi ích, vẫn là không thông. Không thông, tuy có cầu nhưng không có cảm ứng.
Trước đây, tôi đưa ra vấn đề này, khoảng 30 năm trước. Tôi giảng Kinh Địa Tạng ở Chùa Pháp Hoa Tây Môn Đỉnh Đài Bắc. Tôi nhớ lúc đó tôi giảng kinh, pháp sư Quảng Khâm đến nghe một lần, ông ngồi trên bồ đoàn ở dưới. Một hôm tôi vừa giảng kinh xong, có một vị pháp sư ở Cơ Long, nghe tôi nói về vấn đề cảm ứng, sư hỏi tôi: Thưa thầy, thầy nói về cảm ứng này không đáng tin. Tôi hỏi vì sao không đáng tin? Sư nói: tôi ngày nào cũng cầu xin Phật Bồ Tát một cái tủ lạnh, cầu suốt ba năm mà không có. Tôi nghe xong liền mỉm cười hỏi: Đạo tràng của thầy có bao nhiêu người ở? Chỉ mình tôi ở. Tôi nói chỉ mình thầy ở, không cần thiết có tủ lạnh, cho nên cầu không được. Tôi nói trong những năm này tôi có cầu tất ứng. Sư hỏi tôi cầu gì? Tôi nói tôi giảng kinh, cần tài liệu tham khảo, lúc đó ở Đài Loan, tìm những kinh sách điển tịch này rất khó khăn. Thật may mắn có người giới thiệu cho tôi pháp sư Trí Khai ở HongKong. Tôi chưa từng gặp pháp sư Trí Khai, tưởng rằng đây là một pháp sư lớn tuổi, mỗi lần viết thư đều cung kính xưng “lão pháp sư”, về sau gặp mặt, mới biết hai chúng tôi cùng tuổi. Pháp sư Trí Khai giúp đỡ tôi rất nhiều, tất cả những sách tịch mà tôi cần, pháp sư đều ra sức sưu tập, rồi gởi đến Đài Loan giúp tôi. Khi nào tôi có tiền mới trả cho pháp sư, chưa có tiền thì nợ đó, điều này giúp ích cho tôi rất nhiều. Hầu như sách nào tôi cần đến, những thứ tôi cần đều là sách cổ, pháp sư đều tìm giúp tôi. Trong đó chỉ có một bộ, thời gian dài nhất là nửa năm, đó là Trung Quán Luận Sớ. Bộ sách này, sáu tháng sau pháp sư mới gởi đến cho tôi, không dễ tìm. Tôi nói với vị pháp sư ở Cơ Long, tôi có cầu tất ứng. Những gì tôi cần là cầu đạo, sư cầu cái tủ lạnh, điều này không cần thiết. Người xuất gia về phương diện vật chất, thanh bần một chút không sao, không nên xa hoa. Sư cầu không như pháp, tôi cầu như pháp, như pháp như lý quả thật là có cầu tất ứng. Tôi đối với giáo huấn của thầy và những gì kinh điển dạy, thâm tín không nghi. “Tùng tâm nhi mịch, cảm vô bất thông”, tám chữ này chính là lý luận và phương pháp có cầu tất ứng. Cầu ở ta, không chỉ có thể đạt được đạo đức nhân nghĩa, mà vật ngoài thân như công danh phú quý cũng có thể đạt được. Nội ngoại đều được, tức là cầu được lợi ích. Chúng ta cần phát tâm cầu điều thiện, không cầu điều ác, như vậy mới tốt.