/ 29
631

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 28

THỌ BỒ ĐỀ KÝ ĐỆ TỨ THẬP TỨ

PHẨM BỐN MƯƠI BỐN: THỌ KÝ BỒ ĐỀ

Nhược ư lai thế, nãi chí Chánh pháp diệt thời, đương hữu chúng sanh, thực chư thiện bổn, dĩ tằng cúng dường vô lượng chư Phật. Do bỉ Như Lai, gia uy lực cố, năng đắc như thị quảng đại pháp môn”.

(Về đời sau, đến khi chánh pháp diệt tận, nếu chúng sanh nào trồng các căn lành, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, nhờ vào uy lực của chư Phật kia gia bị mới gặp được pháp môn quảng đại này).

Phật pháp tại thế gian này có bốn thời kỳ, đây là sau khi Phật diệt độ. Pháp vận của Phật tổng cộng có một vạn hai ngàn năm, chánh pháp một ngàn năm. Trong kinh văn nói “nhược ư lai thế”, ý nghĩa của câu này là sau khi Phật diệt độ. “Nãi chí Chánh pháp diệt thời”, đây tức là sau khi Phật diệt độ một ngàn năm, vậy đây là thời kỳ tượng pháp và thời kỳ mạt pháp. Thời kỳ mạt pháp là một vạn năm, nói một cách khác, chúng ta hiện nay đang ở trong thời kỳ này. Cũng tức là bảo kinh này chính là vì chúng ta mà nói. “Đương hữu chúng sanh”, đây là nói chúng sanh có duyên, nhân duyên gì vậy? Cái nhân duyên này thật là sâu rộng vô hạn! “Thực chư thiện bổn”, trong đây quan trọng nhất tức là xưng niệm danh hiệu Di-đà. “Dĩ tằng cúng dường vô lượng chư Phật”, ở chỗ này chúng ta thấy được cái sâu, cái rộng của duyên, “vô lượng chư Phật” tức là không có phương pháp tính ra được số lượng. Đây là thiện căn phước đức trong đời quá khứ của họ sâu dày, trong kinh có nói “bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc” (không thể với ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước ấy), đây là thiện căn phước đức sâu dày.

“Do bỉ Như Lai gia uy lực cố”, chữ “bỉ” này không chỉ là A-di-đà Phật ở thế giới Tây Phương, mà là bạn đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, những vị Phật Như Lai đó đều lấy bổn nguyện oai thần gia trì cho bạn. Bạn ngày nay tiếp xúc đến bộ kinh này, tiếp xúc đến pháp môn này, bạn nghe rồi mới có thể sanh tâm hoan hỷ, mới có thể hưng khởi Tín, Nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Nói một cách khác, nếu không có nền tảng thâm hậu như vậy thì cho dù có gặp được pháp môn này bạn cũng rất khó tin tưởng, không dễ tiếp nhận, đây tức là chỗ chư Phật gọi là “nan tín chi pháp”, tại sao khó? Chúng ta xem đoạn kinh văn này thì biết được nguyên nhân của cái khó ấy, là thiện căn phước đức của họ trong đời quá khứ không đủ, phải nên bồi dưỡng thiện căn phước đức này cho thật sâu. “Năng đắc như thị quảng đại pháp môn”, Thích-ca Mâu-ni Phật tự xưng tán pháp môn này là pháp môn rộng lớn nhất trong tất cả pháp môn, rộng thế nào, lớn thế nào? Chúng ta đều đọc qua hai phẩm phía trước rồi, đều thấy được sự thật này.

Nhiếp thủ thọ trì”.

(Giữ gìn thọ trì).

“Nhiếp thủ” tức là A-di-đà Phật tiếp dẫn chúng ta, Ngài đến nghênh tiếp chúng ta, còn “thọ trì” là công việc của chính chúng ta, chúng ta phải tiếp nhận, chúng ta phải giữ gìn, không thể đánh mất nó thì tự nhiên sẽ có được công đức lợi ích thù thắng này.

Đương hoạch quảng đại Nhất Thiết Trí trí”.

(Sẽ được trí huệ quảng đại Nhất Thiết Trí).

Đây là nói bạn chắc chắn có được, có được cái gì? Được cái trí huệ trên quả địa của Như Lai, “Nhất Thiết Trí trí”, tức là Nhất Thiết Chủng Trí. Hai chữ “trí”, một chữ là nói Căn Bản Trí, một chữ là Hậu Đắc Trí, phía trước có chữ “nhất thiết”, đây tức là hai thứ trí huệ viên mãn trên quả địa của Như Lai.

Ư bỉ pháp trung, quảng đại thắng giải”.

(Ở trong pháp đó hiểu rõ cặn kẽ).

Chữ “bỉ pháp” này là chỉ cho pháp môn Tịnh Độ. Pháp môn Tịnh Độ, Thích-ca Mâu-ni Phật trong đại kinh thường nói: “Duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh” (chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột), chỉ có những người thành Phật rồi mới thật sự hiểu rõ triệt để, Đẳng Giác Bồ-tát nếu không được sự oai thần gia trì cũng không thể cứu cánh viên mãn. Có thể thấy rằng pháp môn này quả là rất sâu, rất rộng! Chúng ta ngày nay tiếp xúc đến kinh điển này, đọc tụng, nghe giảng dường như là không khó. Chúng ta cũng có thể lý giải được, đây là nguyên nhân gì vậy? Là “do bỉ Như Lai gia uy lực cố”, bạn mới hiểu rõ được. Cùng một đạo lý, tôi đang ngồi giảng tại đây cũng là được oai thần của chư Phật Như Lai gia trì. Nếu không gia trì thì tôi không thể nói được, quí vị cũng nghe không hiểu. Bây giờ tôi có thể nói được một chút, quí vị cũng nghe hiểu được một chút, cả thảy đều là hiệu quả của trong đời quá khứ đã cúng dường vô lượng chư Phật, bốn mươi tám nguyện của A-di-đà Phật gia trì, cho nên chúng ta “năng giải”, không những “năng giải” mà còn “thắng giải”, “thắng” là thù thắng, cũng tức là nói chúng ta lý giải có trình độ thấu triệt, không phải là cái trí cạn cợt tầm thường.

/ 29