/ 29
1.255

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 29

CẦN TU KIÊN TRÌ ĐỆ TỨ THẬP LỤC

PHẨM BỐN MƯƠI SÁU: CẦN TU KIÊN TRÌ

Phẩm kinh này là phó chúc lưu thông, xin xem kinh văn:

Phật cáo Di-lặc: “Chư Phật Như Lai vô thượng chi pháp, thập lực vô úy, vô ngại vô trước, thậm thâm chi pháp, cập Ba-la-mật đẳng Bồ-tát chi pháp, phi dị khả ngộ. Năng thuyết pháp nhân, diệc nan khai thị. Kiên cố thâm tín, thời diệc nan tao. Ngã kim như lý tuyên thuyết như thị quảng đại vi diệu pháp môn, nhất thiết chư Phật chi sở xưng tán, phó chúc nhữ đẳng, tác đại thủ hộ””.

(Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc: “Các pháp vô thượng của Như Lai như Thập Lực, Vô Úy, pháp vô ngại vô trước thậm thâm cùng với các pháp của Bồ-tát như Ba-la-mật v.v… không dễ gặp được. Người có khả năng thuyết pháp cũng khó khai thị. Cũng khó gặp được người có lòng tin sâu vững chắc kinh pháp này. Ta nay như lý tuyên nói pháp môn vi diệu, rộng lớn, được hết thảy chư Phật khen ngợi này đem giao phó cho các ông, các ông phải cẩn thận thủ hộ”).

Đoạn này là Thế Tôn phó chúc Di-lặc cùng với nhóm Đại Bồ-tát dự hội phải nên hộ pháp, hộ niệm tất cả chúng sanh. Trước tiên Phật tuyên bố, “Chư Phật Như Lai vô thượng chi pháp”, là chỉ cho pháp Đại Thừa. “Thập lực vô úy, vô ngại vô trước”, đều là quả địa chứng đắc của Như Lai cùng với nhóm Đại Bồ-tát. “Ba-la-mật” là chỉ chung sự tu học của Bồ-tát, như Lục Ba-la-mật, Thập Ba-la-mật. Ba-la-mật là tiếng Phạn, ý nghĩa là cứu cánh viên mãn. Vậy thì Phật pháp Đại Thừa rất không dễ gặp được, “phi dị khả ngộ”, không phải dễ dàng gặp được! “Năng thuyết pháp nhân, diệc nan khai thị” (người có khả năng thuyết pháp cũng khó khai thị), người biết nói pháp cũng rất khó giảng rõ ràng minh bạch Phật pháp Đại Thừa, tại vì sao?

Thứ nhất là tự mình chưa chứng đến cảnh giới này, nên nói không ra, không những nói không ra mà ngay cả lĩnh hội cũng khó.

Thứ hai là pháp Đại Thừa sâu rộng vô tận, cho dù chư Phật và Đại Bồ-tát tuyên giảng nhưng nghiệp chướng tập khí của chúng sanh rất nặng nên họ rất khó lý giải. Có nhiều sự thật như vậy, cho nên nói là “diệc nan khai thị”.

Kiên cố thâm tín, thời diệc nan tao” (cũng khó gặp được người có lòng tin sâu vững chắc kinh pháp này). Đây là nói rất không dễ gặp được người nghe pháp, người thọ trì có được lòng tin kiên cố, vô cùng hy hữu! Đây là “thời diệc nan tao”. Nãy giờ là chỉ cho pháp môn Đại Thừa, còn dưới đây là nói đến kinh này, đây là cái khó nhất trong các cái khó.

Ngã kim như lý tuyên thuyết như thị quảng đại vi diệu pháp môn” (Ta nay như lý tuyên nói pháp môn vi diệu, rộng lớn này). Đây là chỉ Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ cùng Kinh A-di-đà. Ba bộ kinh này là “quảng đại vi diệu pháp môn”, vượt qua pháp môn Đại Thừa đã nói phía trước. Không những như vậy, pháp môn này, ba bộ kinh này là “nhất thiết chư Phật chi sở xưng tán” (được hết thảy chư Phật khen ngợi). Câu này quan trọng, bạn nên hiểu rõ sự thật này, những người y theo bộ kinh điển này mà tu hành nhất định cũng được “nhất thiết chư Phật chi sở xưng tán”. Phật đem kinh này “phó chúc nhữ đẳng” (giao phó cho các ông), giao phó cho các ông, truyền thọ cho các ông. “Tác đại thủ hộ” (các ông phải cẩn thận thủ hộ), hộ trì kinh pháp, hộ trì người tu hành theo kinh pháp này, Phật dặn dò nhóm Đại Bồ-tát này phải bảo hộ họ, đây là Thế Tôn ở trong pháp hội này khai thị một cách rõ ràng. Chúng ta ngày nay y theo lý luận phương pháp của bộ kinh này để tu hành thì nhất định được tất cả chư Phật hộ niệm, chư Đại Bồ-tát hộ trì. Thế Tôn phó chúc cho họ, họ nhất định là y giáo phụng hành.

Vị chư hữu tình trường dạ lợi ích, mạc linh chúng sanh luân đọa ngũ thú, bị thọ nguy khổ. Ưng cần tu hành, tùy thuận Ngã giáo”.

(Làm lợi ích cho các hữu tình chìm đắm trong đêm dài, chớ để cho chúng đọa lạc trong ngũ thú, chịu các khổ ách. Nên siêng tu hành, thuận theo giáo pháp của ta).

/ 29