615

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 24

NHƯ BẦN ĐẮC BẢO ĐỆ TAM THẬP THẤT

PHẨM BA MƯƠI BẢY: NHƯ NGHÈO ĐƯỢC CỦA BÁU

Trong phẩm kinh này Phật muốn nói với chúng ta thiện nhân, thiện quả, khuyến khích chúng ta tinh tấn, nỗ lực tu thiện đoạn ác. Ở chỗ này chúng ta có thể thấy được lòng từ bi khuyên lơn của Phật.

Nhữ đẳng quảng thực đức bổn, vật phạm đạo cấm, nhẫn nhục tinh tấn, từ tâm chuyên nhất”.

(Các ông đã trồng nhiều gốc đức, đừng phạm đạo cấm, phải nhẫn nhục tinh tấn, từ tâm chuyên nhất).

Đoạn nhỏ này là nói chung. Chữ “quảng” này nghĩa là nhiều. “Đức bổn” theo cách nói của bổn Tông tức là Tín, Nguyện, Trì Danh, đây là cái gốc của đại đức chân thật. Nếu tu hành mà không đặt mục tiêu là thành Phật thì sự tu hành này không rốt ráo, không viên mãn, điều này nhất định phải biết. Mục tiêu đặt tại việc thành Phật, theo những kinh luận thông thường mà nói, “thành Phật phải ba đại a-tăng-kỳ kiếp”, trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Thành Phật phải vô lượng kiếp”. Dường như muốn đạt được cái mục tiêu này là quá xa vời. Cách nghĩ cách nói này đều không phải là vô lý. Tuy nhiên nơi pháp môn này thì có khác, trong một đời này nhất định có thể đạt được nguyện vọng cứu cánh viên mãn. Cho nên Tín, Nguyện, Trì Danh là cái gốc của đại đức chân thật. “Vật phạm đạo cấm”, câu này rất quan trọng, chúng ta quyết tâm chọn lấy Tịnh Độ, đời này có thể thật sự vãng sanh được hay không?

Phải xem cách tu trì của bạn. Trong việc tu trì, chướng ngại lớn nhất là tạo ác nghiệp. Ở chỗ này gọi là “đạo cấm”, nói một cách rốt ráo tức là phía trước nói về “ngũ giới thập thiện”, nhất định không thể trái ngược. Cũng tức là nhất định phải lấy tâm thanh tịnh để thọ trì, trì giới niệm Phật. Đây là nghĩa hẹp, còn nói theo nghĩa rộng, chúng ta cũng không cần nói quá rộng, tức là những gì Thế Tôn nói trong bổn kinh, thậm chí nói đến trong Tịnh Độ tam kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh và A-di-đà Kinh. Nếu mở rộng thêm một chút, hiện nay chúng ta thấy Tịnh Độ Ngũ Kinh bao gồm Phổ Hiền Bồ-tát Hạnh Nguyện Phẩm, Đại Thế Chí Bồ-tát Niệm Phật Viên Thông Chương, chúng ta không thể trái ngược những lời giáo huấn ở trong hai kinh này. Kỳ thật những gì Phật nói ở trong Tịnh Độ Ngũ Kinh Nhất Luận, trong Kinh Vô Lượng Thọ thảy đều đầy đủ cả. Phần mở đầu của kinh, phẩm thứ hai Đức Tuân Phổ Hiền đã đem tinh yếu của Hạnh Nguyện Phẩm vào trong bổn kinh rồi. Do đây có thể biết nền giáo học của Kinh Vô Lượng Thọ là vô cùng viên mãn, đây là lời giáo huấn trong kinh điển, chúng ta đều phải hết lòng nỗ lực.

✓ Điều thứ nhất là phải ghi nhớ, phải học thuộc.

✓ Điều thứ hai là phải cầu giải, chúng ta phải thật sự hiểu rõ ý nghĩa lời Phật giảng, không thể hiểu sai nghĩa kinh, không thể hiểu lầm, việc này rất nguy hại.

✓ Tiến thêm một bước, phải làm được những lời giáo huấn này trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, đây mới gọi là học Phật, học làm giống như Phật, cái này gọi là học Phật.

Nếu làm không được, chỉ niệm kinh, chỉ giảng giải, nghiên cứu thảo luận mà không nghiêm túc đi làm, cho dù một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng rất khó vãng sanh. Tại sao vậy? Bạn đã vi phạm “đạo cấm” rồi. Ba điều dưới đây đều là phá trừ chướng ngại vãng sanh của chúng ta, đây thật là khẩn yếu.

✓ Quan trọng nhất là phải trì giới, phải làm cho bằng được lời giáo huấn của Phật-đà. “Nhẫn nhục, tinh tấn”, nhẫn nhục là nói bạn tu học phải có tánh nhẫn nại.

Năm xưa nhóm Pháp sư dịch kinh đem chữ “nhẫn nại” dịch thành “nhẫn nhục” là có đạo lý, bởi vì người Trung Quốc xưa (không phải người Trung Quốc hiện nay) đối với sỉ nhục coi rất nặng. Có câu “sĩ khả sát, bất khả nhục”, chặt đầu không hề gì, nhưng làm nhục thì không thể được, nhục thì không thể nhẫn chịu. Những vị Pháp sư dịch kinh nói, quý vị coi trọng chữ “nhục” như vậy, “nhục” còn có thể “nhẫn” được thì không có việc gì mà không thể không nhẫn được. Cho nên phải có tâm nhẫn nại rất lớn. Trong Kinh Kim Cang Phật nói rất hay, “nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”, thế gian pháp xuất thế gian pháp, sự việc lớn phải có tâm nhẫn nại lớn, sự việc nhỏ phải có tâm nhẫn nại nhỏ, không có tâm nhẫn nại thì không thể thành tựu. Cho nên cầu đạo phải nhẫn nại, còn công phu niệm Phật thì không thể thiếu. Tỉ như mỗi ngày thời khóa tụng sáng tối, ta không thiếu một khóa nào, đây tức là tâm nhẫn nại rất lớn, nếu chúng ta có thì giờ thì thời khóa của chúng ta phải thêm nhiều. Chữ “nhiều” này là không phải “nhiều chủng loại” mà là tăng số lượng lên. Tỉ như tôi hiện nay công việc vô cùng bận rộn, sáng tối chỉ niệm mấy mươi tiếng Phật hiệu, khi có thì giờ thì tăng Phật hiệu nhiều lên, tăng lên một ngàn tiếng, tăng lên một vạn tiếng, tăng lên hai vạn, ba vạn, niệm nhiều lên, điều này gọi là tinh tiến. “Tiến” là tiến bộ, không thể thụt lùi. Người mới học Phật, đạo tâm rất dũng mãnh, thường thường định công khóa rất nhiều, làm được vài ngày thì không có thì giờ, rồi thì giảm thiểu chút ít, tướng này là tướng suy, là đi xuống dốc. Tướng suy, cái này không tốt. Cho nên người mới học, công khóa phải nên định rất ít, làm được rất như pháp, làm được rất hoan hỷ, sau đó lại thêm một chút, làm như vậy mới chính xác. Trong tiến bộ phải thuần mà không tạp, gọi là tinh tiến.