/ 29
819

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 23

Kỳ ngũ giả, thế gian nhân dân tỷ ỷ giải đãi, bất khẳng tác thiện, trị thân tu nghiệp. Phụ mẫu giáo hối, vi lệ phản nghịch, thí như oán gia, bất như vô tử, phụ ân vi nghĩa, vô hữu báo thường”.

(Điều thứ năm, người đời do dự, lười biếng, không chịu làm lành, sửa thân, tu nghiệp. Cha mẹ dạy bảo thì chống đối, trái nghịch như là oán gia, chẳng bằng không con. Phụ bạc ân nghĩa, không chút báo đền).

Đoạn văn này nói với chúng ta cái lỗi của uống rượu, đồng thời trong đoạn văn này, ý nghĩa rất rộng, cũng đề cập đến tham sân si, đây là tam ác của ý nghiệp. Do đây có thể biết, trong phẩm kinh này, không những nói đến ngũ giới mà cũng bao gồm luôn thập thiện. Tỉ như chúng ta đọc đến “vọng ngữ ác”. Trong vọng ngữ, Phật cũng nói đến bốn cái lỗi của miệng: ác khẩu, lưỡng thiệt, vọng ngữ, ỷ ngữ. Trên thực tế, kinh văn này rất viên mãn, đã bao gồm ngũ giới cùng với thập thiện nghiệp đạo. Khi chúng ta đọc đến phần kinh văn, vừa nêu ra một chút thì quí vị hiểu rõ ngay. Vừa mở đầu là nói về tạo nhân.

“Thế gian nhân dân tỷ ỷ giải đãi”, “tỷ ỷ” tức là tâm bất định, do dự không nhất định. “Giải đãi” là biếng nhác, bốn chữ này hình dung con người ở thế gian này, không có mục tiêu, không có phương hướng, do dự không dứt khoát, biếng nhác. “Bất khẳng tác thiện, trị thân tu nghiệp”, câu này tức là tục ngữ chúng ta thường nói “bất vụ chánh nghiệp” (bỏ việc chính làm việc phụ), “cẩu thả phóng dật” (cẩu thả phóng túng), không chịu làm những công việc chính đáng để mưu sinh. Đối với lời dạy bảo của cha mẹ thì “vi lệ”, tức là không muốn tiếp nhận. “Phản nghịch” thì càng nghiêm trọng, không những không tiếp nhận mà còn phản kháng. “Thí như oán gia, bất như vô tử”, khiến cho cha mẹ đối với con cái thật là thất vọng, bận tâm, âu lo vì con cái, không bằng không có con cái.

Từ chỗ này thấy được nỗi thất vọng của cha mẹ đối với con cái đã đạt đến mức độ đau lòng rồi. “Phụ ân vi nghĩa, vô hữu báo thường”, phụ cái ân cha mẹ dạy dỗ, dưỡng dục. Họ không biết hiếu dưỡng cha mẹ, việc hiếu dưỡng cha mẹ là “nghĩa”, “nghĩa” là điều phải nên làm. Ngay cả động vật có những loài còn biết báo ân, chúng ta từ trong sách vở thấy được, loài quạ còn đút mồi lại cho cha mẹ, quạ kia đã già rồi thì quạ con ra ngoài tìm thức ăn về đút lại cho quạ già. Còn loài dê thì có “quỳ nhũ chi ân”, bạn xem, chú dê con khi bú sữa đều phải quì trước mặt mẹ nó. Còn con người thì như vậy, thật sự mà nói, không bằng cả loài vật.

Phóng tứ du tán, đam tửu thị mỹ, lỗ hỗ để đột, bất thức nhân tình”.

(Phóng túng lêu lổng, thích uống rượu ăn ngon, lỗ mãng huênh hoang, càn quấy xung đột, không biết tình người).

Đoạn này là nói về tham, “phóng tứ du tán”, ham chơi đùa, “du thủ háo nhàn” (chơi bời lêu lổng). “Đam tửu thị mỹ”, đây là tham ăn, chữ “mỹ” ở chỗ này là chỉ cho mỹ vị, ưa thích uống rượu, ưa thích ăn ngon, đây là thuộc về tham sân si (tham ác), là ba nghiệp của ý. “Lỗ hỗ để đột”, chữ “lỗ” là thô lỗ, “hỗ” là ngang ngược hống hách, “để đột” là không thuận theo nhân tình, tức là sự chống đối khi nói chuyện, hoặc giả là trên ngôn ngữ, hoặc giả là trên thái độ. “Bất thức nhân tình”, không thông tình đạt lý.

Vô nghĩa vô lễ, bất khả gián hiểu”.

(Chẳng chút lễ nghĩa, không thể khuyên can).

Nếu có thể tiếp nhận sự khuyên lơn của kẻ khác thì vẫn là khá, vẫn có thể hồi đầu, xong bạn khuyên những người này, họ không những không tiếp nhận mà còn chống đối, tức là họ dùng lời nói ác, thái độ xấu để đáp lại. Trong Phật pháp gọi là ngu si, nghiệp chướng rất nặng, không thể nghe người khuyến cáo.

Lục thân quyến thuộc, tư dụng hữu vô, bất năng ưu niệm”.

(Lục thân, quyến thuộc dù no hay đói, chẳng thèm lo nghĩ).

Một người bình thường sẽ biết hiếu thuận với cha mẹ, đối với bạn bè thân thiết, biết thường quan tâm, họ thường nghĩ: “Cuộc sống của những người này hiện nay ra sao?”. “Lục thân quyến thuộc, tư dụng hữu vô, bất năng ưu niệm”, đối với người thân bạn bè, đều không có một chút quan tâm.

/ 29