/ 29
852

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 22

Hà đẳng vi ngũ? - Kỳ nhất giả, thế gian chư chúng sanh loại, dục vi chúng ác, cường giả phục nhược, chuyển tương khắc tặc, tàn hại sát thương, điệt tương thôn đạm”.

(Những gì là năm? Điều thứ nhất: Các loài chúng sanh ở thế gian thích làm điều ác, mạnh hiếp yếu, chèn ép nhau, tàn sát tổn hại, ăn nuốt lẫn nhau).

Phẩm kinh này trên thực tế là chánh thọ của ngũ giới. Có nhiều đồng tu yêu cầu thọ Tam Quy Ngũ Giới ở trong pháp hội. Chúng tôi có tập sách nhỏ về truyền thọ Tam Quy, Ngũ Giới là một phần khai đạo tối thù thắng! Nếu chúng ta xem tỉ mỉ minh bạch rồi y giáo phụng hành thì tức là đệ tử Ngũ Giới chân thật của Thế Tôn. Phần phía trước đã nói vô cùng rõ ràng, Thế Tôn thị hiện tại thế gian này làm Phật, chỉ dạy chúng ta nhất định phải xả bỏ ngũ ác. Nói cách khác, tức là chỉ dạy chúng ta phải nghiêm trì ngũ thiện, ngũ thiện nói ở chỗ này tức là Ngũ Giới. Như vậy mới có thể có được phước báo chân thật. Loại phước báo này, trong cuộc sống hiện thực, nó có thể mang đến sự yên ổn cho chúng ta, thân tâm yên ổn, hạnh phúc vui vẻ, cũng là nền tảng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ của chúng ta.

Thế giới Tây Phương, trong phần kinh văn đại tiểu bản đều nói là nơi “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Nếu ngũ giới của chúng ta không thể thanh tịnh thì cho dù bạn niệm Phật được hết lòng đi nữa cũng rất khó tham dự được pháp hội của “chư thượng thiện nhân” ở Tây Phương. Người ta đều là người thiện còn chúng ta là bất thiện thì làm sao có thể tham dự được? Vì vậy phẩm kinh này là căn bản của căn bản, nền tảng của nền tảng, nhất định không thể thấp hơn mức độ này, nếu vậy thì chúng ta trong đời này không có hy vọng vãng sanh, cho nên các bạn đồng tu phải đặc biệt lưu ý. Hôm nay, chúng tôi bắt đầu giới thiệu từng đoạn một.

Đoạn thứ nhất là sát sanh ác, sát sanh là đại ác, không sát tức là thiện. Đoạn văn này rất dài, đây là Thế Tôn từ bi vô tận vì chúng ta mà nói ra chân tướng sự thật của nhân duyên quả báo. “Kỳ nhất giả”. Đây là đoạn thứ nhất, “thế gian chư chúng sanh loại”, câu này bao gồm phạm vi vô cùng rộng lớn. Nếu nói rộng thì chúng sanh chín pháp giới đều là hữu tình chúng sanh. Tuy nhiên, pháp giới Tứ Thánh, họ là giác mà không mê, họ sẽ không tạo ác. Trong pháp giới lục phàm, cũng tức là lục đạo, thiên nhân có trí huệ cao, phước báo lớn, cũng không sát sanh. Điều kiện sanh thiên là thượng phẩm của Thập Thiện Nghiệp Đạo. Trong Thập Thiện Nghiệp Đạo, điều thứ nhất là “không sát sanh”, đương nhiên họ sẽ không làm ác, người làm ác sao có thể sanh thiên được! Vậy thì chúng ta minh bạch rồi: Có tạo ác nghiệp là từ cõi người trở xuống: người, súc sanh, ngạ quỷ. Còn địa ngục, thật sự mà nói là đang thọ khổ báo, sẽ không tạo tội nghiệp.

“Dục vi chúng ác”, tạo ác vì có dục vọng. Cái dục vọng này, tóm lại mà nói, đều là tự tư tự lợi, hại người lợi mình, nếu không phải là nhân tố này thì là do ngu si nghiêm trọng, cũng có thể tạo tội nghiệp.

“Cường giả phục nhược”, đều là kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu. Chúng ta thấy các em nhỏ bắt chuồn chuồn, bươm bướm để chơi, đem nó chơi đùa cho đến chết mới thôi, đây là sát hại. Bạn bảo chúng có dục vọng gì đâu? Chúng chỉ là chơi đùa mà thôi. Các em bé lớn hơn các động vật nhỏ, có thể hiếp đáp chúng, đây tức là “cường giả phục nhược”. Các em không có tâm tham, cũng không có tâm sân hận, mà là do ngu si mà tạo ác nghiệp, chúng ta thấy các em nhỏ thường tạo thứ ác nghiệp này. Nghĩ lại, chúng ta lúc còn nhỏ cũng đã làm những việc này, không biết đã làm bao nhiêu lần rồi. Có tội nghiệp hay không? Đương nhiên là có tội nghiệp. Con vật nhỏ cũng là một mạng sống, chúng ta đã học Phật rồi, hiểu rõ chân tướng sự thật rồi mới biết được nhân quả lợi hại. Thiếu mạng phải trả mạng, thiếu tiền phải trả nợ, gọi là báo ân báo oán, đòi nợ trả nợ không dứt. Chúng ta không phải cố ý mà là vô ý. Không sai. Tạo nghiệp vô ý thì tương lai vẫn phải là vô ý mà đền trả. Nhân gì thì có quả báo nấy, điều này chúng ta không thể không biết, những gì Phật nói đó đều là chân tướng sự thật.

/ 29