PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG
TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE
(Tháng 11 năm 1994)
Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí
Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức
TẬP 21
“Thế nhân thiện ác tự bất năng kiến, cát hung họa phước, cạnh các tác chi”.
(Người đời không phân biệt được tốt xấu, cát hung họa phước, tranh nhau gây tạo).
Đây là đoạn thứ tư trong phẩm này, Thế Tôn nói với chúng ta: “mê hoặc điên đảo là một việc rất đáng buồn!”, đây là nói về si độc, phía trước đã giảng qua tham độc, sân độc, chúng ta thường gọi là tam độc phiền não. Người thế gian không thể phân biệt được cái gì là thiện, cái gì là ác, “tự bất năng kiến”, cho nên thường hay hiểu sai, tự cho là thiện. Nào ngờ phía sau đó kết quả lại là ác. Thường tự mình thấy là ác, xong hậu quả của nó đích thật lại là rất thiện, việc này phải có trí huệ, không có trí huệ thì không thể nào phân biệt được. Tiêu chuẩn của thiệc ác, tiêu chuẩn tối cao, tiêu chuẩn tuyệt đối là tự tánh, chân tâm. Tương ưng với chân tâm tự tánh, đây là thiện, trái ngược với tự tánh, đây là ác. Tiêu chuẩn cao như thế, thông thường Bồ-tát đã minh tâm kiến tánh mới biết được. Cho dù Phật đã vì chúng ta mà nói ra rất rõ ràng, rất minh bạch, song trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta vẫn không thấy được. Do đó Phật rất từ bi, thương xót chúng sanh, bèn ở trong cảnh giới của chính chúng ta, trong sinh hoạt hằng ngày, vì chúng ta mà chỉ ra những gì là thiện những gì là ác.
Tam độc tham sân si là ác. Ngược lại, không tham, không sân, không si tức là thiện. Sát đạo dâm là ác, không sát, không đạo, không dâm là thiện. Vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ là ác, không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ỷ ngữ, không ác khẩu là thiện. Thế Tôn dạy cho chúng ta tiêu chuẩn này là “Thập Thiện nghiệp đạo”, chúng ta đã học Phật rồi, cái Thập Thiện này tôi nghĩ mọi người có thể nói ra được, nhưng mà thường thường là “tự bất năng kiến”, rồi lại đi tạo ác, cảnh giới này hiện tiền, lại mê hoặc điên đảo, thật không dễ dàng! Phật nói cho chúng ta rõ ràng như vậy, nhưng chúng ta vẫn luôn mê hoặc, vẫn tạo ác như cũ, không biết tu thiện.
“Cát hung họa phước, cạnh các tác chi”, những người thật sự minh bạch, những người đã giác ngộ, chúng ta không nói là đại giác, mà là giác ngộ nho nhỏ, có thể nghe hiểu lời Phật nói, tin lời giáo huấn của Phật, y giáo phụng hành thì đây là giác ngộ. Nghe hiểu rồi nhưng chưa làm được thì không kể là giác ngộ. Giác ngộ là nhất định có thể làm được, vì sao? Bởi làm thiện thì được điều lành, được phước. Còn tạo thập ác thì bị hung họa. Cho nên cát hung, họa phước là nhân do mình tạo, quả báo chính mình thọ lãnh, không phải từ bên ngoài, tự làm tự chịu. Tiếc thay, người thế gian đối với nhân duyên của thiện ác vẫn cứ mê hoặc điên đảo.
“Thân ngu thần ám”.
(Thân ngu dốt, tinh thần tối tăm).
“Ngu” là ngu xuẩn, “thần” là tâm thần, chúng ta gọi là tâm tư, tâm tư mê hoặc. Còn chữ “ám” này tức là không có trí huệ, trong tâm không có trí huệ, thân thể tạo tác ngu si.
“Chuyển thọ dư giáo, điên đảo tương tục, vô thường căn bản”.
(Chuyển sang thọ giáo pháp khác, liên tiếp điên đảo nên luân hồi sanh tử không dứt).
Đây là câu khai thị tối quan trọng trong đoạn kinh văn này. Bởi vì thân ngu si, không có trí huệ, nên nghe theo ngoại giáo, “dư giáo” tức là không phải lời dạy của Phật. Xưa kia, lúc Thế Tôn còn tại thế, Ấn Độ có chín mươi sáu thứ ngoại đạo, việc này trong kinh có ghi chép. Đi tiếp nhận những loại giáo hóa này, những cách dạy dỗ, chỉ dẫn này đều không thể liễu sanh tử, không thể xuất tam giới. Nếu loại giáo hóa này là thiện, là hay thì đời sau chỉ có thể được phước báo cõi nhân thiên. Nếu giáo môn này là tà, là ác thì đời sau nhất định đọa ba đường ác. Đây tức là “điên đảo tương tục”, nhân điên đảo rồi, duyên điên đảo rồi, quả báo điên đảo rồi.
“Vô thường căn bản”, chữ “vô thường” này là chỉ cho lục đạo luân hồi, sanh tử không dứt, câu này nói vô cùng có đạo lý, vô cùng sâu sắc! Từ chỗ thiển cận mà nhìn, một người trong đời có thể có được hạnh phúc khoái lạc, gia đình mỹ mãn, sự nghiệp thuận lợi thành công đều phải nhờ vào nền giáo dục hay, tốt. Cho nên thời xưa, phàm là người lãnh đạo quốc gia, vào lúc đó xưng là Hoàng Đế, Đế Vương, ông phụ trách việc giáo dục nhân dân toàn quốc. Ở Trung Quốc trước kia, người thay mặt vua để lo việc chính trị, chúng ta ngày nay gọi là quan chánh vụ, cấp thấp nhất là Huyện Thị Trưởng. Huyện Thị Trưởng được gọi là quan phụ mẫu, họ phải thương dân như con. Chức trách của họ có ba thứ là “Tác chi quân” (1), “quân” là người lãnh đạo, người lãnh đạo của một huyện thị. “Tác chi thân” (2), họ là phụ mẫu, đối với con dân phải chăm sóc vô cùng chu đáo, phải thương yêu bảo hộ con cái của mình. “Tác chi sư” (3), họ là thầy của dân, phải dạy dỗ dắt dẫn họ đàng hoàng. Xưa kia quan chánh vụ là vậy, đều là thân phận quân thân sư. Hiện nay thời dân chủ đã khác rồi, quan viên thời dân chủ là công bộc của nhân dân. Chư vị hãy thử nghĩ “người ở” của nhà bạn tốt hay cha mẹ bạn đối với bạn tốt? Người ở của bạn chăm sóc bạn chu đáo hay cha mẹ bạn chăm sóc bạn chu đáo? Đây là giáo dục.