/ 29
715

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 20

Tự nhiên bảo thủ, chân chân khiết bạch, chí nguyện vô thượng, tịnh định an lạc. Nhất đán khai đạt minh triệt, tự nhiên trung tự nhiên tướng, tự nhiên chi hữu căn bản, tự nhiên quang sắc tham hồi, chuyển biến tối thắng”.

(Tự nhiên gìn giữ, chân thật trong trắng, chí nguyện vô thượng, tịnh định an lạc. Hốt nhiên khai ngộ, hiểu rõ, thông suốt tướng tự nhiên của tự nhiên, bản thể tự tánh của vũ trụ, tự nhiên quang sắc xoay chuyển nhập lẫn vào nhau, chuyển biến tối thắng).

Đoạn này nói rõ tình hình đời sống, cảnh giới tu học, công đức chân thật của Bồ-tát ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đều không thể nghĩ bàn. Trong đoạn này, Thế Tôn đã nói tám điều tự nhiên. Ý nghĩa này thật sự sâu rộng vô hạn. Nói cách khác, đều là cảnh giới của đại Bồ-tát, thấp nhất đều là cảnh giới của Biệt Giáo Sơ Địa, Viên [Giáo] Sơ Trụ trở lên. Chúng ta ở địa vị phàm phu, trí huệ chưa khai mở, nên những cảnh giới này rất khó lĩnh hội. Tuy nhiên, chúng ta phải biết có sự việc như vậy.

“Tự nhiên bảo thủ (1)”, “tự nhiên” tức là không thêm một tơ hào tạo tác nào. Chúng ta thường nói “hữu tu hữu chứng”, hữu là không tự nhiên rồi, so với cảnh giới này thì “vô tu vô chứng” cao hơn một tầng. Chúng ta hiện nay cũng không tu không chứng, vậy đó có phải là cảnh giới của chúng ta không? Không phải là cảnh giới của chúng ta. Đó là cảnh giới cao hơn một tầng so với “hữu tu hữu chứng”. “Hữu tu hữu chứng”, họ vẫn còn trước tướng, vẫn còn chấp trước. Cho nên cái tu chứng của họ không phải là chân chánh viên mãn. Phải lên thêm một tầng nữa, thì cảnh giới ấy mới là chân thật, mới là viên mãn. Vậy thì “hữu tu hữu chứng” là ở phạm vi nào? Chúng ta thường nói thập pháp giới, lục đạo đi lên thì có pháp giới Thanh Văn, pháp giới Duyên Giác, pháp giới Bồ-tát, pháp giới Phật, đây là thập pháp giới, đều là “hữu tu hữu chứng”. Cho nên “hữu tu hữu chứng” có thể thành Phật trong thập pháp giới. Vậy bên ngoài thập pháp giới thì sao? Bên ngoài gọi là “nhất chân pháp giới” đó là thật. Do đây có thể biết thập pháp giới không phải là thật, “mười” có thật không? Một tức là thật, trong một thì không có phân biệt chấp trước, vừa có phân biệt chấp trước thì không phải là một, cũng tức là bảo không “tự nhiên”. Đến nhất chân thì tự nhiên rồi. Cảnh giới này là trong nhất chân pháp giới, không phải thập pháp giới, cho nên khó hiểu. Đó là tự nhiên, tự tự nhiên nhiên.

“Bảo thủ”, “bảo”, trong Thiền Tông gọi là “bảo nhậm”. “Bảo nhậm” nghĩa là gì? Chữ “nhậm” là nghĩa nhậm vận (tùy thuận theo tự nhiên), cũng là tự nhiên, nhậm vận không thêm một tơ hào dụng ý nào, tự nhiên vĩnh viễn giữ gìn trong cảnh giới này. Đây gọi là “tự nhiên bảo thủ”, hoàn toàn là thể dụng của chân như tự tánh. Chúng ta nói “thể, tướng, dụng”, nói “thể dụng” bên trong nhất định phải bao hàm một cái tướng, “thể tướng dụng”. “Tự nhiên bảo thủ”, Phật thấy được cảnh giới này, kỳ thật cảnh giới này cũng ở trước mắt của chúng ta nhưng chúng ta mê mất cảnh giới này rồi. Đây cũng tức là nói thập pháp giới cùng nhất chân pháp giới là không hai không khác. Giác rồi thì là nhất chân pháp giới, không giác mới có thập pháp giới. Phật của thập pháp giới cũng chưa giác. Tông Thiên Thai gọi đây là “Tạng Thông Biệt Viên”, Phật của Tạng Giáo, Phật của Thông Giáo đều là Phật của thập pháp giới, không tự nhiên. Cho nên đến “tự nhiên bảo thủ”, thật tại mà nói là Phật của Viên Giáo, Biệt Giáo cũng có thể giảng được thông, tuy nhiên Tạng Giáo, Thông giáo thì không được. Cho nên vấn đề thành Phật, cần phải hỏi thành Phật gì? Điều này rất quan trọng. Muốn thành một vị Tạng Giáo Phật thì điều này không hiếm lạ.

“Chân chân khiết bạch”, đây là hình dung tự tánh của chúng ta, tự tánh thanh tịnh. Lục Tổ Đại Sư, xưa kia lúc Ngài khai ngộ, câu đầu tiên Ngài nói: “Hà kỳ tự tánh bổn lai thanh tịnh” (nào ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh). “Chân chân khiết bạch” là bổn lai thanh tịnh, mà cái thanh tịnh này có thể giữ gìn vĩnh viễn. Đây gọi là “tự nhiên bảo thủ”. “Chí nguyện vô thượng”, những vị Bồ-tát này quả thật khác với những người tu hành thông thường. Họ có nguyện vọng chí cao vô thượng, nguyện vọng này là gì? “Thượng thành Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”(trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh), nguyện vọng này là chí cao vô thượng, cùng mười phương tất cả chư Phật Như Lai không hai không khác. Những vị Bồ-tát này cầu những gì? Đối với chính mình là cầu giác ngộ viên mãn. Đây chính là Phật đạo, Phật đạo tức là giác ngộ cứu cánh viên mãn. Danh từ trong kinh Phật là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, họ cầu cái này, còn nguyện của họ là nguyện độ tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo, đây là chí nguyện vô thượng.

/ 29