/ 29
855

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 19

Diệc vô bỉ ngã, vi oán chi tưởng. Hà dĩ cố? Bỉ chư Bồ-tát, ư nhất thiết chúng sanh, hữu đại từ bi lợi ích tâm cố”.

(Cũng không có ý tưởng ta, người, oán hận. Vì sao vậy? Các vị Bồ-tát đó đối với hết thảy chúng sanh có tâm đại từ bi lợi ích).

Những đoạn Kinh văn này đều là nguyên tắc tu hành của chư Bồ-tát ở thế giới Tây Phương. Chúng ta nên học tập, cho dù chúng ta làm không nổi nhưng cũng phải biết chân tướng sự thật này. Tâm phải thường nghĩ đến, có thể làm được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, tận tâm tận lực đi làm, như vậy là tương ưng. Đoạn này nói làm lợi ích cho chúng sanh. Phía trước là thuộc về tự lợi, chỗ này là thuộc về lợi tha. Trong lợi tha, quan trọng nhất là tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh và tâm đại từ bi. Cho nên Phật nói với chúng ta “diệc vô bỉ ngã” (cũng không có ý tưởng ta, người), đây là bình đẳng trên nhân sự, không phân ta-người, chúng sanh và Phật là một thể, tự tha không hai. Đây là nguyên tắc vô cùng quan trọng để làm lợi ích cho chúng sanh.

“Vi oán”, chúng ta thường nói “thích ác”, không đề cập đến “thích”, chỉ nói chữ “ác”, “vi” là trái ngược với thường tình thường lý, “oán” là không những trái ngược mà còn oán hại, thậm chí là oán hận. Khi gặp cảnh giới bất như ý, rất dễ sanh khởi những ý niệm này, những ý niệm này đều là phiền não tập khí từ vô thủy đến nay, cảnh giới bên ngoài vừa hiện tiền thì tập khí này liền bị nó dẫn dụ ra. Nói “diệc vô”(cũng không), do đây có thể biết định công của Bồ-tát rất sâu, không bị ngoại cảnh làm cho lay động, định công của Bồ-tát sâu, công phu sâu, trí huệ của Bồ-tát sâu rộng, nhìn tất cả chúng sanh vô cùng thấu triệt. Từ trên tự tánh mà xem, tất cả chúng sanh đều là bình đẳng, đều là thiện lương, chỉ là từ vô thủy kiếp đến nay bị mê tà nhiễm nên họ biến thành nông nỗi này. Giống như một người tỉnh táo, một người rất có lý trí, một người rất có tâm yêu thương, ở chung với một đám người say rượu. Kẻ say rượu kia buông lời bậy bạ, thậm chí động tay động chân, một chút lễ độ cũng không có. Người tỉnh táo này [nói]: “họ vốn rất tốt, rất dễ thương, uống say rồi, say rồi thì có thể tha thứ cho họ”. Bồ-tát nhìn chúng sanh chúng ta mê hoặc điên đảo, giống như dáng điệu của kẻ say bí tỉ, nghiêng ngả xiêu vẹo. Bồ-tát tỉnh táo, họ có trí huệ rất sâu, tuyệt đối không trách cứ những chúng sanh này. Chúng sanh làm sao có thể không làm việc ác được chứ? Nếu họ không làm việc ác thì họ sớm thành Bồ-tát, thành Phật rồi. Chỉ vì tập khí xấu rất nặng, lúc nào cũng có ác niệm, lúc nào cũng có hành vi ác, Phật Bồ-tát nhất định không trách cứ, tâm họ tịnh, họ bình đẳng. “Hà dĩ cố?”, tại sao Bồ-tát không trách cứ những chúng sanh oán hận này,

“Bỉ chư Bồ-tát, ư nhất thiết chúng sanh, hữu đại từ bi lợi ích tâm cố” (các vị Bồ-tát đó đối với hết thảy chúng sanh có tâm đại từ bi lợi ích). Đây là nói ra nguyên nhân, những Bồ-tát này đại từ bi. Từ bi thêm chữ đại, tức là từ bi bình đẳng, từ bi không có phân biệt, không có chấp trước gọi là đại từ bi. Người thế gian chúng ta cũng có từ bi, Phật Pháp gọi đó là “ái duyên từ bi”. Tôi yêu thích họ, đối với họ rất từ bi, không thích họ không thương họ thì không từ bi, đây gọi là ái duyên từ bi. Không sánh được với Phật và đại Bồ-tát, họ là “vô duyên từ bi”. “Vô duyên” là không có điều kiện, từ bi không có điều kiện là đại từ bi. Không những đại từ bi mà còn “hữu lợi ích tâm cố”, khiến tất cả chúng sanh được lợi ích chân thật. Những Bồ-tát này thường giữ tâm như vậy, luôn hy vọng chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh được lợi ích chân thật.

Xả ly nhất thiết chấp trước, thành tựu vô lượng công đức”.

(Lìa bỏ hết thảy chấp trước, thành tựu vô lượng công đức).

Chúng ta thường gọi đó là phá chấp trước. “Chấp trước” có hai loại: nhân ngã chấp, pháp ngã chấp, chấp trước là gốc rễ của phiền não. Phật trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sanh chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc”, chữ “chứng đắc” này là không thể thành Phật. Nếu lìa xa, xả bỏ được nhân ngã chấp thì sẽ đoạn được kiến tư phiền não. Nói cách khác là vượt khỏi luân hồi tam giới rồi. Do đây có thể biết, hễ bạn có nhân ngã chấp trước thì bạn không ra khỏi lục đạo luân hồi được. Chúng ta thường nói: “có tôi, có họ, có bạn”. Bạn hễ có quan niệm này, không đoạn ý niệm này thì bạn không ra khỏi luân hồi được. Đến một ngày nào đó tôi, bạn, họ không còn nữa thì chứng A-la-hán, thì ra khỏi tam giới. Đến ngày ấy bạn có thể nói tôi, bạn, họ không còn nữa, ngã chấp phá rồi. Câu này là phá ngã chấp “xả lìa tất cả chấp trước, thành tựu vô lượng công đức”. Con người cần phải đến chỗ vô ngã thì cái tâm đó là đại công vô tư, không có lòng riêng tư. Con người có ngã, bạn bảo họ không có lòng riêng tư là việc không thể. Có ngã thì có lòng riêng tư, vô ngã mới không có lòng riêng tư. Từ A-la-hán trở lên không có lòng riêng tư, trước khi chứng A-la-hán đều có lòng riêng tư, chỉ là mức độ của lòng riêng tư này khác nhau mà thôi. Chấp trước cạn sâu khác nhau, nhất định là có lòng riêng tư. Bồ-tát ở cõi Cực Lạc không có. Vậy những người đới nghiệp vãng sanh như chúng ta có hay không? Thực tế mà nói, chúng ta một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, đến bên đó rồi thì sẽ không có nữa. Tại sao không có? Nhờ bổn nguyện của A-di-đà Phật gia trì. Nếu không được bổn nguyện của Phật gia trì thì chúng ta vẫn có, điều này thật sự không thể nghĩ bàn.

/ 29