PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG
TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE
(Tháng 11 năm 1994)
Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí
Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức
TẬP 18
“Hành Bồ-tát đạo, chư vãng sanh giả, giai đắc A-duy-việt-trí, giai cụ kim sắc, tam thập nhị tướng, giai đương tác Phật”.
(Hành đạo Bồ-tát, những người vãng sanh đều được Bất Thoái Chuyển, đều đủ sắc vàng ba mươi hai tướng tốt, đều sẽ thành Phật).
Đoạn sau cùng này tức là loại vãng sanh thứ tư, là tu học pháp môn Đại Thừa khác mà không phải là những người chuyên tu Tịnh Độ vãng sanh. Điều này ở phía trước đã báo cáo với quí vị rồi. Chỗ này bổ sung thêm một chút giúp chúng ta rõ ràng, minh bạch hơn. “Hành Bồ-tát đạo”, tức là tu học tất cả pháp môn Đại Thừa. Pháp Đại Thừa là Bồ-tát đạo, bao gồm Hiển giáo, Mật giáo, Tông Môn, Giáo Hạ. Chỉ cần đối với A-di-đà Phật, thế giới Tây Phương Cực Lạc họ có thể tin, có thể nguyện thì đều có thể vãng sanh, mười niệm, một niệm cũng có thể thành tựu. Những người này vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, bình đẳng với người chuyên tu Tịnh Tông vãng sanh. Điều này là vô cùng hy hữu, khó được. Đều chứng được “A-duy-việt-trí”. Đây có thể coi như chứng quả rồi. Trong giai vị của Bồ-tát đều là bậc Thất Địa, Bát Địa trở lên.
“Giai cụ kim sắc, tam thập nhị tướng” (đều đủ sắc vàng ba mươi hai tướng tốt), đây là từ trong tất cả pháp bình đẳng cử ra một thí dụ. Vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là tử ma chân kim sắc thân, đều đầy đủ tướng hảo quang minh như Phật A-di-đà không khác, thế giới đó đích thật là thế giới bình đẳng. Còn một câu phía dưới, phía trước chưa có nói qua, câu này quá thù thắng. Chư vị cần phải biết tu học tất cả Phật pháp Đại Thừa hồi hướng vãng sanh sẽ có được thành tựu thù thắng như vậy. Những người chuyên tu Tịnh Độ chúng ta vãng sanh đương nhiên cũng không ngoại lệ, cho nên những điều trong kinh nói chúng ta đều có phần.
“Giai đương tác Phật” (đều sẽ thành Phật). Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn nhất định một đời sẽ làm Phật. Đến nơi đó tu hành thành tựu rồi, xem xét thế giới phương khác, xem chúng sanh ở thế giới nào có duyên phận với mình, như vậy mới có thể độ được. Điều này trong Phật Pháp thường nói “Phật không độ người vô duyên”. Cho nên khi chưa thành Phật chúng ta nên rộng kết pháp duyên với chúng sanh, kết duyên càng nhiều, thì tương lai bạn thành Phật độ chúng sanh cũng nhiều, đạo tràng quốc độ được trang nghiêm, cho nên phải rộng kết pháp duyên.
“Dục ư hà phương Phật quốc tác Phật, tùng tâm sở nguyện”.
(Nếu muốn thành Phật ở một phương cõi nào khác đều như sở nguyện).
Duyên của chúng sanh ở phương nào đã thành thục rồi, những người cần dùng thân Phật để được độ thì Bồ-tát liền hiện thân Phật. Giống như “Tám Tướng Thành Đạo” nói ở phía trước. Ngài đến thế gian ấy để làm Phật, độ chúng sanh.
“Tùy kỳ tinh tấn tảo vãn, cầu đạo bất hưu, hội đương đắc chi, bất thất kỳ sở nguyện dã”.
(Tùy sự chuyên cần sớm muộn, cầu đạo không ngừng nghỉ, thì sẽ được toại nguyện).
Điểm này rất quan trọng, ở thế giới Tây Phương Cực Lạc nhất định không thoái chuyển, tuy nhiên việc thành Phật sớm hay muộn có thể không nhất định, tại sao? Vì người đặc biệt tinh tấn thì họ thành Phật sớm, còn người qua loa một chút, hễ không thoái là được rồi, vậy thì thời gian thành Phật của họ tương đối chậm một chút. Người đặc biệt dụng công, đặc biệt tinh tấn thì thành Phật vượt trước, sớm hơn. Sớm và trễ không giống nhau, nhưng nhất định đạt được, trễ họ cũng sẽ thành Phật, không mất sở nguyện. Điều này cũng là A-di-đà Phật bảo đảm cho chúng ta.
“A-nan! Dĩ thử nghĩa lợi cố”.
(Này A-nan! Do nghĩa lợi này).
“Nghĩa” là đạo lý, “lợi” là lợi ích. Bởi vì đạo lý này, lợi ích này nên:
“Vô lượng vô số bất khả tư nghị vô hữu đẳng đẳng, vô biên thế giới, chư Phật Như Lai”.
(Vô lượng vô số bất khả tư nghị tất cả chư Phật Như Lai trong vô biên thế giới).
Đây là nói hết tất cả chư Phật Như Lai ở tận hư không khắp pháp giới, một vị cũng không bỏ sót.