/ 29
679

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 16

SIÊU THẾ HY HỮU ĐỆ THẬP BÁT

PHẨM MƯỜI TÁM: HIẾM CÓ, SIÊU VƯỢT THẾ GIAN

Trong phẩm kinh này, Thế Tôn muốn giới thiệu cho chúng ta về chánh báo trang nghiêm của thế giới Tây Phương. “Chánh báo” tức là giới thiệu Đạo sư A-di-đà Phật cùng với nhóm đệ tử của Phật.

Bỉ Cực Lạc quốc, sở hữu chúng sanh, dung sắc vi diệu, siêu thế hy hữu. Hàm đồng nhất loại, vô sai biệt tướng. Đãn nhân thuận dư phương tục, cố hữu thiên nhân chi danh”.

(Dung sắc tất cả chúng sanh ở nước Cực Lạc vi diệu, hiếm có, hơn hẳn thế gian, đồng một hình thể, không có tướng sai biệt, chỉ vì thuận theo tập tục các phương khác mà có tên trời, người).

Đoạn kinh văn này rất quan trọng, có thể giải trừ rất nhiều sự hiểu lầm của chúng ta. Trong bốn mươi tám nguyện của A-di-đà Phật, chúng ta thấy được thế giới Tây Phương là pháp giới bình đẳng. Phàm những người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, bất luận là Bồ-tát, Thanh Văn, trời, người cho đến chúng sanh trong ác đạo bao gồm cả địa ngục sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là A-duy-việt-trí Bồ-tát. Vì sao lúc Thế Tôn thuyết kinh vẫn thường nói thế giới Tây Phương có Thanh Văn, có trời, người, đại chúng? Chỗ này nói cho chúng ta biết Thanh Văn, trời, người, đại chúng không phải là thật. “Thuận dư phương tục”, tức là nói trong thế giới của chư Phật khác có trời, người, có Thanh Văn, là tùy thuận theo thế giới phương khác mà nói. Trong đây có hai ý nghĩa:

✓ Một là đoạn phiền não. Như chúng ta đới nghiệp vãng sanh, sanh đến thế giới Tây Phương tuy đều là A-duy-việt-trí Bồ-tát nhưng A-duy-việt-trí Bồ-tát đó không phải do chúng ta tu được, không phải công phu của chính chúng ta mà do Phật lực gia trì, nâng chúng ta lên đến cảnh giới đó. Trên thực tế một phẩm phiền não chúng ta cũng chưa đoạn. Thực chất chúng ta là thân phận trời, người, được Phật gia trì nên chúng ta cũng làm được A-duy-việt-trí Bồ-tát, sự việc là như vậy.

✓ Ý nghĩa thứ hai là nói đến thân phận trước khi chúng ta chưa đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta đến từ cõi người thì Phật gọi là người, đến từ thiên đạo thì Phật gọi là trời, đến từ Thanh Văn, Duyên Giác thì Phật gọi là Thanh Văn, Duyên Giác. Là ý như vậy chứ không phải là cách xưng hô ở thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Ở chỗ này chúng ta thấy được rất rõ ràng, rất minh bạch. Thế giới Tây Phương là thế giới bình đẳng. “Sở hữu chúng sanh”, đây tức là chúng ta thường nói chúng sanh chín pháp giới. Tất cả chúng sanh này sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, bất luận là vãng sanh Đồng Cư Độ, vãng sanh Hữu Dư Độ, vãng sanh Thật Báo Độ [thì đều] “Dung sắc vi diệu, siêu thế hy hữu. Hàm đồng nhất loại, vô sai biệt tướng” (dung sắc vi diệu, hiếm có, hơn hẳn thế gian, đồng một hình thể, không có tướng sai biệt). Tướng mạo này là bình đẳng, không có sai biệt, cùng một hình tướng với A-di-đà Phật. Điều này chúng ta nhất định phải ghi nhớ, hoàn toàn tương ưng với bổn nguyện của Phật. Phật không nói dối, đại nguyện của Phật, các nguyện đều làm được rồi, các nguyện đều thực hiện được rồi. “Siêu thế hy hữu” (hiếm có, hơn hẳn thế gian), ý nghĩa rất sâu, rốt cuộc hy hữu đến mức độ nào? Phía sau Phật dùng một phương pháp so sánh khiến chúng ta lĩnh hội được.

Phật cáo A-nan: “Thí như thế gian bần khổ khất nhân, tại đế vương biên, diện mạo hình trạng, ninh khả loại hồ?”

(Phật bảo A-nan: “Ví như ở thế gian, kẻ nghèo khổ ăn xin đứng bên đế vương, diện mạo hình trạng há có thể sánh bằng không?”)

Đây là dùng người thế gian để làm tỉ dụ: Một người là ăn mày, còn một người là đế vương, hai người này đứng cùng nhau. Quý vị xem họ có thể so sánh với nhau được không? Ở thế gian đế vương là người phú quý nhất. Người phú quý thì có tướng phú quý, kẻ bần tiện thì có tướng bần tiện, tướng mạo ấy không giống nhau, phong thái tuyệt đối khác hẳn. Tỉ dụ này rất hay, Phật bảo chúng ta lĩnh hội từ chỗ này.

/ 29