/ 29
776

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 15

BẢO THỤ BIẾN QUỐC ĐỆ THẬP TỨ

PHẨM MƯỜI BỐN: CÂY BÁU KHẮP NƯỚC

Chương này Thế Tôn giới thiệu y báo trang nghiêm của thế giới Tây Phương, cũng là sự thực hiện của bổn nguyện Di-đà.

Bỉ Như Lai quốc.

(Cõi nước của Đức Như Lai kia).

Đây là gọi thế giới Tây Phương Cực Lạc, quốc độ của A-di-đà Phật.

Đa chư bảo thụ: Hoặc thuần kim thụ, thuần bạch ngân thụ, lưu ly thụ, thủy tinh thụ, hổ phách thụ, mỹ ngọc thụ, mã não thụ. Duy nhất bảo thành, bất tạp dư bảo.

(Có nhiều cây báu, có cây thuần bằng vàng, hoặc thuần bạc, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, mỹ ngọc, mã não, chỉ do một thứ báu mà thành, không xen lẫn báu khác).

Đây cũng là nêu vài tỉ dụ. Mấy loại báu vật này thế giới của chúng ta cũng có, chúng ta đều có khái niệm. Thế gian của chúng ta nếu không có những loại trân bảo này thì Phật không nói, nói ra chúng ta cũng không biết, cũng vô phương tưởng tượng, cho nên đã rút gọn lại. Mặc dù Phật ở trong kinh nói đến những thứ báu này, trên thực tế những thứ báu này của thế gian chúng ta là tương tợ với thế giới Tây Phương, tức là chỉ giống một chút thôi. Bảo vật của thế giới Tây Phương so với chúng ta nơi đây còn thuần hơn nhiều, không những có ánh sáng mà lại còn có mùi thơm. Bảo vật của chúng ta nơi đây nhìn thì rất đẹp nhưng không thể phóng quang, vậy có loại có ánh sáng màu thì sao? Như đá quý, kim cương nó là ánh sáng phản xạ, bản thân nó không thể phóng quang. Bản thân bảo vật của Tây Phương đều tỏa ra ánh sáng, đều có mùi thơm, báu vật tương tợ của thế giới phương khác đều không thể so sánh được.

Hoặc hữu nhị bảo tam bảo, nãi chí thất bảo, chuyển cộng hợp thành.

(Hoặc do hai, ba cho đến bảy báu xen nhau hợp thành).

Đây là nói rõ, cũng có không ít những cây do nhiều thứ báu hợp thành, có những thứ đơn thuần, có những thứ hợp thành. Cho nên cảnh giới này thật sự mà nói là đẹp không kể xiết! Tiếp theo nêu ra vài tỉ dụ để nói:

Căn, hành, chi, cán, thử bảo sở thành.

(Gốc thân cành nhánh do báu này thành).

Đây là một loại báu.

Hoa, diệp, quả thực, tha bảo hóa tác.

(Hoa, lá, quả do báu khác thành)

Còn hoa, lá và quả là loại trân bảo khác biến hóa mà thành.

Hoặc hữu bảo thụ, hoàng kim vi căn, bạch ngân vi thân, lưu ly vi chi, thủy tinh vi sao.

(Có cây gốc bằng vàng, thân bằng bạc, lưu ly làm cành, thủy tinh làm ngọn).

“Sao” là phần chót ngọn cây, rất mảnh dẻ.

Hổ phách vi diệp, mỹ ngọc vi hoa, mã não vi quả.

(Hổ phách làm lá, mỹ ngọc làm hoa, mã não làm quả)

Đây là nói rõ cây báu là do nhiều thứ trân bảo làm thành.

Kỳ dư chư thụ, phục hữu thất bảo, hỗ vi căn cán, chi diệp hoa quả, chủng chủng cộng thành.

(Các cây khác cũng do bảy báu hợp lẫn nhau làm gốc thân cành lá hoa quả).

Chúng ta nhận thấy cảnh giới này đích thực là vô cùng trang nghiêm! Thế gian chúng ta hình dung cái đẹp của hoàn cảnh này, gọi là “rực rỡ xán lạn”, đó chỉ là hình dung mà thôi. Nếu dùng bốn chữ này để khen ngợi thế giới Tây Phương thì đích thực là “danh phù kỳ thực” (danh hợp với thực) chẳng chút quá đáng. Đây là thuộc về quả báo.

Từ quả báo thù thắng này chúng ta phải liên tưởng đến nhân duyên của nó. Thế giới đó tại sao có quả báo thù thắng như vậy? Phật dạy rằng thế xuất thế gian pháp đều không lìa khỏi nhân quả, có nhân thì nhất định có quả, có quả đương nhiên có nhân. Tâm của người ở thế giới Tây Phương thanh tịnh bình đẳng, cảm được “đại địa quảng bác kỳ bình như thường” (mặt đất luôn rộng rãi, bằng phẳng), có thể nói đây là cảm ứng. Những thứ cây báu đó thật sự mà nói là vô lượng công đức trang nghiêm. Di-đà từ lúc sơ phát tâm tu nhân chứng quả, quảng độ chúng sanh, công đức vời vợi. Mỗi người vãng sanh, tạo ác sám hối vãng sanh vẫn là thiểu số, công đức ấy cũng không thể nghĩ bàn, chúng ta không có cách gì tưởng tượng được. Thông thường, cửu phẩm vãng sanh, tín nguyện trì danh cũng là tu tích vô lượng công đức, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, cho nên có quả đức thù thắng như vậy.

/ 29