1.030

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 10

Đây là đoạn thứ năm của đại nguyện.

❖ Nguyện thứ mười: Có thần túc thông.

❖ Nguyện thứ mười một: Cúng dường khắp chư Phật.

Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đắc thần thông tự tại Ba-la-mật-đa. Ư nhất niệm khoảnh, bất năng siêu quá ức na-do-tha bá thiên Phật sát châu biến tuần lịch, cúng dường chư Phật giả, bất thủ Chánh Giác”.

(Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh sanh về cõi con đều được thần thông tự tại Ba-la-mật-đa. Trong khoảnh khắc nếu không thể đến khắp trăm ngàn vạn ức cõi Phật để cúng dường, thề không thành Chánh Giác).

Nguyện thứ mười này cũng là thuộc về những khả năng đặc biệt mà phía trước đã giới thiệu qua. Mọi người của thế giới Tây Phương đều có đầy đủ túc mạng thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm trí thông. Ở đây, chúng ta thấy đoạn này là thần thông tự tại, tức là thần túc thông. “Túc” vốn là nghĩa là viên mãn, “thần túc” nghĩa là biến hóa tự tại.

Đến bờ Niết-bàn bên kia cần có trí huệ của quả địa Phật, muốn được Phật trí thì cần phải phụng sự nhiều vị Phật mới có thể thành tựu trí huệ của Phật quả. Nếu mình không có thần túc thông thì sẽ rất khó làm được, bởi vậy thần túc thông đối với người tu hành là vô cùng quan trọng. Thế giới vô lượng vô biên, chư Phật cũng vô lượng vô biên, chúng ta nếu đi thừa sự cúng dường từng vị Phật một thì có thể nói là vô lượng kiếp cũng cúng dường không hết. Vì vậy nên nhất định phải có bản lĩnh phân thân, có thể cùng một lúc phân ra trăm ngàn ức hóa thân (giống như Thích-ca Mâu-ni Phật nói ở trong Kinh Phạm Võng) đồng thời đi cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Như Lai, vậy mới có thể làm nổi. Mọi người của thế giới Tây Phương Cực Lạc đích thật có được năng lực này.

Vậy như thân phận của chúng ta đây, một phẩm phiền não còn chưa phá, sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì làm sao có được thứ năng lực này? Năng lực này không phải định nhỏ mà có thể đạt được, phải cần có công phu tương đối. Bình thường, người thường tu thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông không khó, túc mạng, tha tâm thì khó hơn, đến biến hóa tự tại thì càng khó hơn nữa. Cho nên ở Tiểu Thừa, có thần túc thông phải là Thánh nhân Tam Quả mới có thể có được. Sơ Quả, Nhị Quả thì chưa có (Sơ Quả có thiên nhãn thông), cho nên đây là công phu rất sâu. Chúng ta đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì lập tức năng lực này hầu như bằng với Thập Địa Bồ-tát. Đây hoàn toàn là nhờ vào bổn nguyện gia trì của Phật.

Pháp Tạng nói lúc Ngài làm Phật, Ngài hiện nay đã làm Phật mười kiếp rồi. “Sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả”, chúng ta phải xem câu nói này cho rõ ràng, “sở hữu chúng sanh” này đương nhiên là bao gồm Phàm Thánh Đồng Cư Độ hạ hạ phẩm vãng sanh, chúng ta đương nhiên có phần. Sanh đến bên đó đều được “thần thông tự tại Ba-la-mật-đa”. Thần thông tự tại, khi nãy vừa nói tức là thần túc, thiên biến vạn hóa. “Ba-la-mật-đa”, câu này là Phạn ngữ, ý nghĩa là “viên mãn”, thần thông tự tại viên mãn. Nếu nói một cách nghiêm khắc thì chỉ Phật mới có, năng lực này của Phật mới gọi là chân thật viên mãn, Bồ-tát tuy có vẫn không viên mãn, đây là oai thần của Di-đà gia trì, thật không thể nghĩ bàn. Còn phần dưới không chỉ là nêu một ví dụ nói rõ sự cứu cánh viên mãn của năng lực này mà còn nói cho chúng ta một sự việc không thể nghĩ bàn, đó tức là cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Như Lai. Sự cúng dường này khi nãy đã nói rồi, nhất định là dùng thần lực phân thân biến hóa, đồng thời đi cúng dường.

“Ư nhất niệm khoảnh”, trong một niệm là có thể đến được, tốc độ không thể nghĩ bàn. Một niệm dài cỡ nào? Trong Kinh Phật nói, một người rất khoẻ, rất cường tráng, rất dũng mãnh họ khảy ngón tay (búng tay), (chúng ta thân thể yếu thì khảy rất chậm, người có sức khỏe tốt họ khảy rất nhanh lại còn có sức mạnh) thời gian một cái búng tay có sáu mươi sát-na, một sát-na có chín trăm ý niệm. Có thể thấy ý niệm này rất vi tế, thời gian rất ngắn, trong một niệm tức là thời gian rất ngắn, trong tâm vừa động niệm thì đã đến rồi. Thế giới Cực Lạc cách thế giới Ta-bà của chúng ta mười vạn ức cõi nước Phật, một niệm liền đến ngay. Kỳ thật khoảng cách này rất ngắn. Thế Tôn trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Ta-bà và Cực Lạc đều ở trong Hoa Tạng thế giới, Hoa Tạng thế giới có hai mươi tầng mà hai thế giới này đều ở tầng thứ mười ba, có thể thấy đích thực không xa. Hoa Tạng thế giới, một đại thế giới lớn như vậy, Phật nói ở giữa thái hư không là vô lượng vô biên, khoảng cách đó thì không biết là bao xa, khoảng cách có xa hơn thì cũng chỉ một niệm là đến ngay”. Đây là đạo lý gì? Thật tại mà nói, “vô biên cõi nước không ngoài nhất tâm” đều là vật do tự tánh chân tâm biến hiện ra. Cho nên tâm này vừa động niệm thì đến ngay. Ngày nay chúng ta không có năng lực phân thân, chúng ta biết động niệm nhưng không đến được, người thế giới Tây Phương Cực Lạc có năng lực này, họ vừa động niệm thì thân của họ liền đến ngay, đây là phân thân, là hóa thân.