/ 29
1.008

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 09

Thế Gian Tự Tại Vương Phật tri kỳ cao minh, chí nguyện thâm quảng, tức vị tuyên thuyết nhị bá nhất thập ức chư Phật sát độ công đức nghiêm tịnh, quảng đại viên mãn chi tướng, ứng kỳ tâm nguyện, tất hiện dữ chi. Thuyết thị pháp thời, kinh thiên ức tuế”.

(Đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương biết Pháp Tạng cao minh, chí nguyện sâu rộng, liền nói công đức nghiêm tịnh, tướng rộng lớn viên mãn của hai trăm mười ức cõi Phật, ứng theo tâm nguyện của ông, đều hiện cho thấy. Nói thời pháp ấy trải qua ngàn ức năm).

Pháp Tạng Tỳ-kheo sau khi hướng về thầy của Ngài trần thuật nguyện vọng của mình, tiếp theo đó là thỉnh pháp. Thầy vô cùng từ bi, biết Ngài rất cao minh, “cao” là nói đức cao, “minh” là nói trí huệ. Người học trò này có phẩm đức cao thượng, trí huệ sâu rộng, càng khó có được chính là chí nguyện sâu rộng của Ngài, hiển thị lòng từ bi chân thật vô tận của Ngài. Vì vậy, nên liền đáp ứng lời khải thỉnh, vì Ngài mà thuyết pháp, vì Ngài mà tuyên thuyết.

Đến chỗ này thì văn tự so ra đơn giản hơn, thời gian giáo học của Phật dài lâu, chỉ vài câu thì lướt qua hết, vì Ngài mà tuyên nói hai trăm mười ức cõi nước của chư Phật. Bởi vì Ngài Pháp Tạng yêu cầu nên Phật mới nói với Ngài về sự trang nghiêm của tất cả cõi nước của chư Phật. Mục đích của Ngài là từ trong đây mà lựa chọn, tập hợp những tinh hoa của các cõi nước chư Phật, để xây dựng một đạo tràng tu học lý tưởng của Ngài. Trí huệ của Ngài thật là khó được, chí nguyện khó được, ý tưởng của Ngài lại càng khó được. Cho nên Thế Gian Tự Tại Vương Phật vô cùng hoan hỷ, nói ra cho Ngài những sự việc này. Phật nói đương nhiên đều là Kinh Pháp. Chỗ này chúng ta nên chú ý là “hai trăm mười ức” theo con số mà nói thì không phải là rất nhiều, không phải con số lớn, nhưng ở chỗ này đừng xem nó là một con số. Vậy gọi nó là gì? Là nghĩa biểu pháp, là biểu pháp trong Mật Tông. Mười sáu đại biểu cho viên mãn. Bạn xem, mở đầu bộ kinh này trong đại chúng thượng thủ, chúng cư sĩ tại gia có mười sáu vị Chánh Sĩ Hiền Hộ. Mười sáu là đại biểu cho viên mãn. Ngoài mười sáu ra, hai mươi mốt cũng đại biểu cho viên mãn. Ở chỗ này hai trăm mười ứchai mươi mốt mở rộng ra. Nó là đại biểu cho nghĩa viên mãn. Nó không phải là con số, nếu là con số thì là quá nhỏ, trong thế giới vô lượng vô biên thì hai trăm mười ức này có được là bao! Đây là đại biểu cho tất cả thế giới của chư Phật trong tận hư không khắp pháp giới, một cái cũng không sót. Trong Kinh Hoa Nghiêm cũng có cách nói này, Kinh này và Kinh Hoa Nghiêm có mối liên quan vô cùng mật thiết. Từ biểu pháp này chúng ta có thể nói Kinh này cùng Kinh Hoa Nghiêm không hai không khác, trong Đại Trí Độ Luận cũng có cách nói như vậy. Cho nên chúng ta phải xem con số hai trăm mười ức là biểu pháp thì ý nghĩa mới viên mãn, chính xác. Đây là Thế Gian Tự Tại Vương Phật đã thuyết minh tường tận cho Pháp Tạng Tỳ-kheo trạng huống nhân quả cùng công đức bên trong tất cả cõi nước của chư Phật trong hư không pháp giới. “Nghiêm” là trang nghiêm, “tịnh” là thanh tịnh. Nói rõ hết cho Ngài tướng quảng đại viên mãn đó.

Ứng kỳ tâm nguyện, tất hiện dữ chi”. Ở đây cũng hiện ra thần lực không thể nghĩ bàn của Phật, Phật không những nói tường tận cho Ngài mà còn dùng thần lực biến hiện ra trước mắt Ngài những cõi nước của chư Phật, để Ngài tự mình nhìn thấy. Đấy chính là người xưa gọi là “đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường”. Thầy chỉ dạy, nói với Ngài chính là “đọc vạn quyển sách”. Hiện những tướng này cho Ngài thấy là “đi vạn dặm đường”, để Ngài đích thân thấy được cảnh giới này. Giống như chúng ta hiện nay du lịch, ngắm cảnh, khảo sát. Chính mình đến nơi đó xem qua thì học vấn kiến thức mới là chân thật, không phải hoàn toàn chỉ nghe truyền thuyết. Đây là chính mình thân hành đến để thấy được cảnh giới này.

“Thuyết thị pháp thời, kinh thiên ức tuế”, Tự Tại Vương Phật dạy Pháp Tạng Tỳ-kheo được bao lâu? Đã dạy ngàn ức năm, đây là nói thời gian dạy học dài lâu. Ở chỗ này chúng ta nghĩ đến lời của Khổng Tử thường nói: “Giáo bất yếm, hối bất quyện” (Dạy học không chán, khuyên răn chẳng mệt), tinh thần dạy học của Khổng Lão Phu Tử là không mệt, không chán. Chúng ta ở chỗ này thấy được ngàn ức năm không phải thời gian ngắn, nếu không có tâm nhẫn nại thì làm sao sự học này có thể thành tựu được. Phật từ bi chỉ dạy không mỏi mệt, Pháp Tạng phận làm học trò cũng rất phi thường, học mà không nhàm chán. Ở đoạn này chúng ta thấy được sự cầu pháp của Ngài Pháp Tạng, quả thật Ngài đã đắc pháp rồi, “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”, Ngài quả đã đắc pháp. Chúng ta xem tiếp, đoạn thứ ba là nói cách tu hành của Ngài.

/ 29