/ 29
1.171

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 11

Xin xem tiếp đoạn thứ mười một:

❖ Nguyện thứ mười chín: Nghe danh phát tâm.

❖ Nguyện thứ hai mươi: Lâm chung tiếp dẫn.

Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, phát Bồ-đề tâm, tu chư công đức, phụng hành lục Ba-la-mật, kiên cố bất thoái. Phục dĩ thiện căn hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn. Lâm thọ chung thời, ngã dữ chư Bồ-tát chúng, nghênh hiện kỳ tiền, kinh tu-du gian, tức sanh ngã sát, tác A-duy-việt-trí Bồ-tát. Bất đắc thị nguyện, bất thủ Chánh Giác”.

(Khi con thành Phật, chúng sanh khắp mười phương nghe danh hiệu con, phát tâm Bồ-đề, tu các công đức, hành sáu Ba-la-mật kiên cố không lùi. Lại đem các căn lành hồi hướng nguyện sanh về cõi nước con, nhất tâm niệm con ngày đêm không dứt. Đến khi mạng chung, con cùng các chúng Bồ-tát hiện đến trước mặt tiếp đón, khoảnh khắc liền sanh về cõi con, thành bậc A-duy-việt-trí Bồ-tát. Nếu không được như nguyện, thề không thành Chánh Giác).

Cổ Đức vô cùng coi trọng nguyện thứ mười chín này, bởi vì trong phẩm Ba Bậc Vãng Sanh, Thế Tôn nói với chúng ta, cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, điều kiện tối cần thiết mà ba bậc thượng trung hạ phải có đầy đủ là “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Nguyện thứ mười tám là mười nguyện ắt sanh, chính là “nhất hướng chuyên niệm”. Còn niệm này là “phát Bồ-đề tâm”, có thể thấy hai nguyện này vô cùng quan trọng, chúng ta nhất định phải nhận thức nguyện này cho rõ ràng. Đó tức là phát tâm, “Bồ-đề” là tiếng Phạn, dịch thành tiếng Trung Quốc nghĩa là “giác ngộ”, là sự giác ngộ chân thật. Thế Tôn trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói với chúng ta về ba tâm: chí thành tâm (chữ “chí thành” này là chân thành đến chỗ cùng cực), thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm tức là Bồ-đề tâm, cùng với Ngài Mã Minh Bồ-tát trong Khởi Tín Luận nói “trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm” là giống nhau. Cổ Đức giảng giải ba thứ tâm này rất nhiều. Thật sự mà nói, chúng ta rất khó lĩnh hội, không như Ngài Ngẫu Ích Đại Sư trong Di-đà Kinh Yếu Giải đã nói với chúng ta vừa rõ ràng, lại dễ hiểu. Ngài nói với chúng ta: “Tâm thật sự phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ chính là vô thượng Bồ-đề tâm”, cách nói này chúng ta dễ hiểu. Nói cách khác, hễ chúng ta một lòng một dạ mơ ước hâm mộ Tịnh Độ, cầu sanh Tịnh Độ thì tâm này là vô thượng Bồ-đề tâm. Trước Ngài Ngẫu Ích Đại Sư chưa có ai nói qua cách nói này. Đây là lối khai sáng đầu tiên của Ngài. Nhưng chúng ta càng nghĩ càng thấy có đạo lý, quả thật phù hợp với bổn nguyện độ sanh của Như Lai, quả thật đây chính là “vô thượng Bồ-đề tâm”.

Trong những kinh Đại Thừa thường nói Bồ-đề tâm nhất định bao gồm Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Cho nên có thể nói Tứ Hoằng Thệ Nguyện là sự tu học cụ thể của Bồ-đề tâm, điều này vô cùng quan trọng. Cũng tức là nói, Bồ-đề tâm thực hiện trên việc tu hành tức là Tứ Hoằng Thệ Nguyện: thứ nhất phải phát đại nguyện độ chúng sanh thành Phật đạo, sau khi tâm nguyện này sanh khởi thì có một khối sức mạnh không thể nghĩ bàn thúc đẩy bạn tinh tấn không giải đãi. Chúng ta học Phật vì sao thoái chuyển? Bởi vì học Phật rồi là muốn chính mình thành tựu, nếu sớm một ngày thành tựu thì rất tốt, trễ một ngày cũng không sao, bởi thế nên giải đãi. Giả sử bạn phát tâm là muốn cứu độ tất cả chúng sanh, cái sứ mạng này là trọng yếu, “tôi thành Phật trễ một ngày thì chúng sanh thọ khổ thêm một ngày, tôi thành Phật sớm một ngày thì họ sẽ thọ khổ ít đi một ngày”, cái sức mạnh này thì lớn. Không thể giải đãi, không thể để chúng sanh vì ta mà phải chịu thêm một ngày khổ nạn, sức mạnh này đang thúc đẩy. Cho nên họ có thể hết lòng đoạn phiền não, học Pháp môn, thành Phật đạo, quay lại độ vô lượng vô biên chúng sanh thì nguyện này mới có thể đạt được viên mãn. Như vậy thì chúng ta đã hiểu rõ tại sao Bồ-tát tu hành mà không mỏi mệt nhàm chán, họ tinh tấn như vậy chính là đạo lý này.

“Tu chư công đức”, đây là nói sau khi phát tâm, tu các đại hạnh. “Phụng hành lục Ba-la-mật”, đây là cương lĩnh tu hành của Bồ-tát. Tu “bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, Bát-nhã”, phía trước đã nói qua những điều này. “Kiên cố bất thoái”, họ vì sao có thể kiên cố bất thoái? Vì có Bồ-đề tâm.

/ 29