/ 29
693

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 08

“Siêu quá vô biên ác thú môn

Tốc đáo Bồ-đề cứu cánh ngạn.

Vô minh tham sân giai vĩnh vô

Hoặc tận quá vong Tam-muội lực.”

(Ra hẳn vô biên đường ác đạo

Mau đến Bồ-đề bờ cứu cánh.

Vô minh tham sân đều dứt sạch

Tuyệt hẳn hoặc lỗi, đắc tam-muội.)

Đoạn này cùng với phần trên tổng cộng là sáu câu, gồm bài kệ tụng thứ tư cộng với hai câu đầu của bài thứ năm, hoàn toàn giảng về đức tự lợi của Bồ-tát. Bởi vì có trí huệ sâu rộng, trí huệ đã nói ở phần trước rồi, là từ trong tâm thanh tịnh sanh ra, do đây có thể biết, tu hành tâm thanh tịnh quả thật là then chốt của việc tu học. “Siêu quá vô biên ác thú môn”, “ác thú” không những chỉ cho tam ác đạo, trong lục đạo thì tam thiện đạo tốt hơn rất nhiều so với tam ác đạo. Chúng ta gọi tam ác đạo là ác thú. Nếu lấy thập pháp giới mà nhìn thì ngay đến trời người cũng là ác thú, vì sao? Họ không thể thoát ly sinh tử luân hồi. Phật trong kinh thường cảm thán rằng trong lục đạo “sanh tử bì lao” (sanh tử nhọc nhằn), đây là hiện tượng chân thật. Ngoài tam giới ra còn có Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát. Bồ-tát vẫn chưa phá sạch vô minh, so sánh với Phật thì họ cũng là ác thú. Cho nên ở đây, “ác thú môn” bao hàm vô cùng rộng lớn. “Siêu quá vô biên ác thú môn”, hàm ý chân thật của câu này là siêu việt chín pháp giới, từ câu tiếp theo chúng ta sẽ nhìn thấy rất rõ ràng.

“Tốc đáo Bồ-đề cứu cánh ngạn”, chữ “cứu cánh” là quả địa Như Lai, bởi vì Đẳng Giác Bồ-tát cũng chưa cứu cánh. Do đây có thể biết “vô biên ác thú môn” ở phía trước bao gồm chín pháp giới hữu tình chúng sanh. Đây mới hiển thị sự thù thắng không gì sánh bằng của Tây Phương Tịnh Độ. “Vô minh tham sân giai vĩnh vô”, “vô minh” là vọng tưởng, “tham sân si” là phiền não, cũng là nói vĩnh viễn đoạn trừ vọng tưởng, chấp trước rồi. “Hoặc” là mê hoặc, “quá” là lỗi lầm, trong đây ý nói tập khí của tam độc đều hết sạch. Làm cách nào để đoạn dứt sạch? “Tam-muội lực”, chữ “Tam-muội” ở đây, tôi tin rằng mỗi vị đồng tu đều lĩnh hội được là niệm Phật Tam-muội. Quý vị hãy xem cho kỹ, sáu câu này là dùng “trí huệ” làm đầu. Vừa mở đầu là “trí huệ quảng đại thâm như hải” và lấy “Tam-muội” làm kết thúc, đều quay về “Tam-muội”, ý nghĩa này vô cùng sâu sắc. Đây là điều chúng ta cần phải biết, phải cẩn thận lĩnh hội thâm ý của nó. Do đây có thể biết hình dáng của Tam-muội chính là tâm thanh tịnh, không những là Tịnh Tông, mà Phật pháp Đại Tiểu Thừa đều tu tâm thanh tịnh. Bởi vì tâm thanh tịnh có cạn sâu, thuần tạp không đồng nhau cho nên mới nói Tam Thừa, mới nói thứ bậc quả vị. Nếu thanh tịnh đạt đến cứu cánh viên mãn, thì là cảnh giới chứng đắc trên quả địa Như Lai. Cho nên, hễ học Phật, bất luận là pháp môn nào, bất luận là Tông phái nào, người biết tu, người có công phu đắc lực đều từ trên tâm thanh tịnh mà dụng công, cũng là nói ra sức tu Tam-muội, như vậy mới là đệ tử Phật chân chánh.

Phần kinh văn tiếp theo là nói cầu trí huệ đức năng trên quả địa Phật, như thế mới có thể giúp người khác giác ngộ, là thuộc về đức giác tha, phần trước là tự giác, tự giác nhất định phải giác tha.

Diệc như quá khứ vô lượng Phật

(Như vô lượng Phật đời quá khứ).

Câu này chúng ta cũng phải coi trọng. Muốn thành tựu trí huệ trên quả địa Như Lai thì nhất định phải phụng sự vô lượng Phật, vậy mới có thể thành tựu vô lượng trí huệ. Nếu chúng ta không có năng lực, thật tình mà nói, với nghiệp chướng sâu nặng của chúng ta hiện nay, một vị Phật cũng không gặp được thì làm sao có khả năng đi phụng sự vô lượng Phật? May thay, Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta Vô Lượng Thọ Phật, chính là đại biểu của vô lượng Phật. Chúng ta có thể phụng sự Vô Lượng Thọ Phật, tức là A-di-đà Phật thì chắc chắn có cơ hội phụng sự vô lượng Phật, điều này tới phần sau chúng ta sẽ thấy.

/ 29