/ 29
1.951

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 07

PHÁP TẠNG NHÂN ĐỊA ĐỆ TỨ

PHẨM THỨ TƯ: PHÁP TẠNG NHÂN ĐỊA

Từ phẩm này trở xuống là phần Chánh Tông của bộ kinh này. Trong phẩm này, trước tiên Thế Tôn nói rõ về nhân duyên phát tâm tu học của A-di-đà Phật lúc còn ở nhân địa, những điểm này cũng rất đáng cho chúng ta học tập, xin xem phần kinh văn:

Phật cáo A-nan: Quá khứ vô lượng bất khả tư nghị, vô ương số kiếp, hữu Phật xuất thế, danh Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”.

(Phật nói với A-nan, ở vô lượng vô số kiếp về đời quá khứ lâu xa, có Đức Phật xuất thế hiệu là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn).

Đoạn văn này cũng hàm chứa huyền cơ rất sâu. Bởi vì trong kinh Di-đà, Phật nói với chúng ta, A-di-đà Phật từ lúc thành Phật cho đến nay thời gian chỉ có mười kiếp, mười kiếp là một thời gian rất ngắn. Như vậy A-di-đà Phật rốt cuộc là một vị Phật mới thành hay là cổ Phật ứng hóa tái lai? Bên trong này hàm chứa huyền cơ, cho thấy A-di-đà Phật không phải là vị Phật mới thành mười kiếp trước, vì sao vậy? Vì từ kiếp lâu xa Ngài đã thành tựu rồi, thời gian đó quá dài, ngày nay chúng ta gọi là con số thiên văn, dùng con số thiên văn cũng vô phương hình dung được, “vô lượng bất khả tư nghị, vô ương số kiếp”, chữ “kiếp” này đương nhiên là chỉ cho đại kiếp, điều này chúng ta không cần nói kỹ, đây là rất lâu xa về trước.

“Hữu Phật xuất thế”, lúc bấy giờ có một vị Phật xuất hiện tại thế gian, danh hiệu của Phật là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai. Gọi Thế Gian Tự Tại Vương, phía sau Như Lai là mười đức hiệu của Phật, lấy mười đức hiệu để hiển thị trí huệ đức năng của Phật. Mười hiệu này là thông hiệu, bất luận một vị Phật nào cũng đều có mười danh hiệu này. Thế Gian Tự Tại Vương là biệt danh, chỉ có vị Phật này được xưng như vậy, những vị Phật khác không thể xưng. Thí dụ như Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật của chúng ta, chữ Thích-ca Mâu-ni chỉ có Ngài xưng, người khác không xưng. Đây gọi là biệt danh. Nếu xưng là Như Lai, là Đẳng Chánh Giác thì bổn sư của chúng ta cũng xưng, Thế Gian Tự Tại Vương Phật cũng xưng như vậy, A-di-đà Phật cũng xưng như vậy, đây là thông hiệu. Thông hiệu là ý nghĩa gì? Chúng tôi ở đây sẽ giới thiệu sơ lược với quý vị, đó đều là danh hiệu tánh đức của chính mình.

Trước tiên nói về biệt danh: “Thế gian” tức là nói ba loại thế gian: Hữu tình thế gian, khí thế gian. Hữu tình thế gian là chỉ cho chánh báo của chín pháp giới. Khí thế gian là nói về y báo, cũng tức là hoàn cảnh sinh hoạt. Nói rõ hơn một chút để chúng ta dễ hiểu thì Phật trong hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất đều được tự tại. Dùng cách nói trong Phật Pháp là chứng đắc Tam Đức viên mãn, Tam Học cũng thành tựu viên mãn rồi. Tam Học là Giới Định Huệ. Cho nên Ngài ở nơi tất cả thế gian được đại tự tại nên xưng là Thế Gian Tự Tại Vương. “Vương” là tỉ dụ cho tự tại. Thời xưa, tất cả thần dân của một quốc gia đều phải nghe lệnh của quốc vương. Quốc vương có thể tự do tự tại ban bố mệnh lệnh, những người khác đều phải nghe theo lệnh vua. Vương là tự tại, chỗ này là tỉ dụ, tỉ dụ Phật trong tất cả pháp đều được đại tự tại. Phần dưới là mười loại đức hiệu.

Thứ nhất là “Như Lai”. Quý vị đồng tu học Phật đối với thuật ngữ trong Phật pháp nhất định phải có sự lý giải chính xác. Thế gian này có rất nhiều người không nghiên cứu Phật Pháp, có lẽ đã đọc nhiều tiểu thuyết, đặc biệt là Tây Du Ký, khi nhắc đến Phật giáo thì nói: “Tôi biết trong Phật giáo Phật Như Lai là lớn nhất, Tôn Ngộ Không cũng không thể lộn nhào khỏi bàn tay của Như Lai”. Nói những lời này đều không phải người trong nghề. Ý nghĩa của Như Lai, nói một cách dễ hiểu đó là “kim Phật như cổ Phật tái lai” (Phật hiện tại giống như cổ Phật tái lai), thành Phật rồi thì Phật Phật đạo đồng. Phật hiện tại giống như cổ Phật tái lai không khác biệt, cho nên xưng Ngài là Như Lai.

/ 29