620

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 06

Ư chư chúng sanh, thị nhược tự kỷ, chẩn tế phụ hạ, giai độ bỉ ngạn”.

(Đối với chúng sanh xem như chính mình, cứu giúp phò trợ, đều độ chúng sanh đến bờ giác ngộ).

Bốn câu này là một đoạn nhỏ. Trong tâm của Bồ-tát thì chúng sanh và mình thật sự là không hai, không khác. Nhìn thấy chúng sanh chịu khổ, chịu nạn thì cũng như chính mình chịu khổ, chịu nạn vậy. Cho nên, “chẩn tế phụ hạ”, tức là Bồ-tát có trách nhiệm và sứ mạng độ chúng sanh, là việc cần phải làm, là bổn phận của Bồ-tát. “Giai độ bỉ ngạn” là mục tiêu, giống như trong Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện nói: “Chúng sanh chưa thành Phật thì Bồ-tát thệ nguyện chưa thành Phật”, nhất định phải giúp đỡ chúng sanh thành Phật trước. Có hoằng nguyện vĩ đại như thế mới là giác ngộ chân thật, giác ngộ triệt để.

Tất hoạch chư Phật vô lượng công đức, trí huệ thánh minh bất khả tư nghị”.

(Đều đạt được vô lượng công đức của chư Phật, trí huệ sáng suốt không thể nghĩ bàn).

“Tất” là khiến mỗi chúng sanh đều có được công đức viên mãn như Phật. Chúng ta thường nói đến phước huệ. Khi chúng ta thọ trì Tam Quy, chúng ta thường niệm “quy y Phật nhị túc tôn”. “Nhị” là hai thứ, “túc” nghĩa là đầy đủ viên mãn, trí huệ viên mãn, phước đức viên mãn, hai thứ phước huệ đều đầy đủ. Nói đến trí huệ và phước đức thì chúng sanh chín pháp giới đều không thể sánh bằng Phật, cho dù là Đẳng Giác Bồ-tát thì phước huệ vẫn còn khiếm khuyết một phần, vẫn chưa viên mãn. Bởi vì Bồ-tát vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, đây là chỗ chưa viên mãn của phước đức trí huệ, nhất định phải chứng đến Phật quả viên mãn thì phước huệ mới viên mãn. Chỗ này nói chư Phật có vô lượng công đức, tức là phước huệ viên mãn. Địa vị chứng đắc bằng với chư Phật, “trí huệ thánh minh bất khả tư nghị”.

Như thị đẳng chư đại Bồ-tát, vô lượng vô biên, nhất thời lai tập”.

(Vô lượng vô biên đại Bồ-tát như vậy đồng đến pháp hội).

Tất cả những vị Bồ-tát này không chỉ là của thế giới Ta-bà chúng ta, mà Bồ-tát ở thế giới phương khác càng nhiều hơn. Những đại Bồ-tát ở thế giới này và phương khác được nói ở phía trước, trí huệ đức năng của các Ngài đều ngang bằng với Phật, có bao nhiêu vị? Vô lượng vô biên. Lúc đó Thế Tôn vì chúng sanh mà tuyên giảng Kinh Vô Lượng Thọ, tuyên giảng pháp môn đệ nhất Thành Phật, các Ngài nhìn thấy, nghe thấy cho nên tất cả đều đến đạo tràng để tập hội. Phần kinh văn đến đây là tán thán và nói rõ trí huệ, đức năng của các đại Tỳ-kheo, đại Bồ-tát. Đến đây là một đoạn. Tiếp theo nói:

Hựu hữu Tỳ-kheo-ni ngũ bá nhân”.

(Lại có năm trăm vị Tỳ-kheo-ni).

Trong pháp hội giảng kinh này của Phật có 500 nữ chúng xuất gia.

Thanh tín sĩ thất thiên nhân”.

(Bảy ngàn vị Ưu-bà-tắc).

“Thanh tín nữ ngũ bá nhân”

(Năm trăm vị Ưu-bà-di)

“Thanh tín sĩ” là người học Phật tại gia, chúng ta gọi là cư sĩ. Nam chúng tại gia, nam cư sĩ có bảy ngàn người, nữ cư sĩ cũng có năm trăm người. Như vậy Tỳ-kheo-ni và hai chúng tại gia nam nữ hợp lại là tám ngàn người. Phần trước chúng ta thấy chúng đại Tỳ-kheo tham gia pháp hội này là mười hai ngàn người cộng thêm tám ngàn người này nữa thì thính chúng tham gia pháp hội của Thích-ca Mâu-ni Phật có đến hai vạn người. Số Bồ-tát của thế giới này và phương khác thì không tính, con số đó là vô lượng vô biên. Mắt thịt của chúng ta có thể nhìn thấy một số Bồ-tát, còn phần lớn thì mắt thịt của chúng ta không thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, các Ngài đều đến tham dự đạo tràng này, pháp hội này. Đạo tràng của Thế Tôn trang nghiêm như vậy. Sau Thế Tôn, khi các đệ tử của Ngài giảng kinh thuyết pháp và nơi đạo tràng cộng tu của đại chúng thì những vị La-hán, Bồ-tát ở thế giới này và phương khác cũng thường đến tham dự những pháp hội này. Mắt thịt của chúng ta cũng không thể nhìn thấy được. Những người tham gia pháp hội này đều hiển bày sự trang nghiêm thù thắng không gì sánh bằng, khiến mỗi người chúng ta ở trong đạo tràng đều có thể pháp hỷ sung mãn. Dùng cách nói hiện nay thì người đời nay gọi là từ trường. Từ trường này không giống nhau, có sự gia trì của chư Phật Bồ-tát.