PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG
TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE
(Tháng 11 năm 1994)
Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí
Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức
TẬP 03
Trước tiên chúng tôi xin đọc một đoạn Kinh văn:
“Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại sĩ chi đức, cụ túc vô lượng hạnh nguyện, an trụ nhất thiết công đức pháp trung. Du bộ thập phương hành quyền phương tiện, nhập Phật pháp tạng, cứu cánh bỉ ngạn.”
(Các vị Bồ-tát này đều tuân tu đức của Phổ Hiền Đại sĩ, đầy đủ vô lượng hạnh nguyện, an trụ trong hết thảy pháp công đức, đi khắp mười phương, hành quyền phương tiện, vào pháp tạng của chư Phật, rốt ráo giải thoát).
Đến chỗ này là một đoạn nhỏ. Từ trong kinh văn, chúng ta có thể thấy rõ đại chúng ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đều tu hạnh Phổ Hiền, tu hạnh Phổ Hiền chính là Phổ Hiền Bồ-tát. Cùng một đạo lý, nếu tu hạnh Quán Âm thì người này là Quán Thế Âm Bồ-tát. Tu hạnh Địa Tạng thì người đó là Địa Tạng Bồ-tát, điều này quý vị nhất định phải hiểu rõ. Đức hiệu của Bồ-tát là đại biểu cho một Pháp môn. Phổ Hiền Bồ-tát là trong Kinh Hoa Nghiêm, y theo Kinh Hoa Nghiêm mà tu hành thì đây là hạnh Phổ Hiền. Quán Thế Âm Bồ-tát có trong ba bộ Kinh, ba bộ Kinh này không phải độc lập mà là phụ thuộc vào đại Kinh:
✓ Bộ thứ nhất là “Quán Tự Tại Bồ-tát Chương” trong Kinh Hoa Nghiêm. Trong phần này Thiện Tài Đồng Tử tham vấn Quán Thế Âm Bồ-tát, Quán Thế Âm Bồ-tát vì Thiện Tài Đồng Tử mà nói.
✓ Bộ thứ hai là trong Kinh Lăng-nghiêm, vừa mở đầu quyển thứ sáu trong Kinh Lăng Nghiêm là Quán Thế Âm Bồ-tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương.
✓ Bộ thứ ba là “Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn Phẩm” trong Kinh Pháp Hoa.
Nếu y theo ba bộ Kinh này mà tu hành thì người này tu theo Pháp môn Quán Âm. Họ chính là Quán Thế Âm Bồ-tát, họ là một vị Quán Âm Bồ-tát sơ phát tâm. Chúng ta thường thấy Tây Phương Tam Thánh, vị đứng bên cạnh A-di-đà là Quán Âm Bồ-tát, Ngài là Đẳng Giác Quán Âm Bồ-tát, nên địa vị kém Ngài rất xa. Một bên là sơ phát tâm cũng như học sinh đi học ở trường, một người là lớp mẫu giáo, một người là lớp tiến sĩ đại học. Dù không giống nhau nhưng đều là học sinh, đều học Pháp môn này. Cùng một đạo lý, tu học Pháp môn Phổ Hiền thì gọi là Phổ Hiền Bồ-tát. Chúng ta niệm Phật, lập định chí nguyện trong một đời nhất định cầu sanh Tịnh Độ, như vậy có thể nói hiện tại chúng ta là lớp nho nhỏ, lớp mẫu giáo trong lớp Phổ Hiền. Một khi vừa sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta biết phiền não của chúng ta chưa đoạn, chân thật là đới nghiệp vãng sanh, sanh về Tây Phương Cực Lạc là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, hạ hạ phẩm vãng sanh. Hạ hạ phẩm tức là lớp một, so với lớp mẫu giáo của chúng ta thì cao hơn nhiều, đây là lớp một của Phổ Hiền Bồ-tát. Ở thế giới Tây Phương, Phổ Hiền Bồ-tát có bao nhiêu đẳng cấp? Quý vị phải biết có năm mươi hai đẳng cấp, giống như lớp một, lớp hai, lớp ba, đến lớp năm mươi hai mới tốt nghiệp. Tốt nghiệp thì thành Phật, cho nên có 52 đẳng cấp, tất cả đều là Phổ Hiền Bồ-tát. Nơi đó đích thực là pháp giới của Phổ Hiền Bồ-tát, đây là tối thù thắng không thể nghĩ bàn.
Trong Kinh Hoa Nghiêm Thế Tôn nói: “Bồ-tát nếu không tu hạnh Phổ Hiền thì không thể viên thành Phật đạo”. “Viên thành Phật đạo” tức là chứng được Phật quả Viên Giáo. Điều này cũng nói rõ ràng, dùng cách nói của Tông Thiên Thai, nếu không tu hạnh Phổ Hiền thì bạn có thể chứng được Phật quả của Tạng giáo, Phật quả của Thông giáo, Phật quả của Biệt Giáo, nhưng không cách gì chứng được Viên giáo. Viên Giáo nhất định phải tu hạnh Phổ Hiền. Phổ Hiền Bồ-tát trong phần cuối của Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm đã đem việc tu hành làm một tổng quy nạp, cũng là tổng cương lĩnh tu học của Bồ-tát, tổng cộng có mười điều. Chúng ta gọi là Thập Đại Nguyện Vương. Ở chỗ này nói: “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức” (đều cùng tuân thủ tu theo đức của Phổ Hiền Đại Sĩ), tức là cương lĩnh tu hành của Phổ Hiền Bồ-tát, chúng tôi xin giới thiệu một cách sơ lược:
Điều thứ nhất là lễ kính chư Phật, điều thứ hai là xưng tán Như Lai, điều thứ ba là quảng tu cúng dường … cho đến điều thứ mười là phổ giai hồi hướng. Tôi tin rằng rất nhiều đồng tu đều rất quen thuộc mười nguyện này. Bởi vì trong khóa tụng sáng tối đều có, mỗi ngày đều tụng, tụng rất thuộc. Tuy tụng rất thuộc, nhưng không hiểu rõ ý nghĩa của mười điều này, nói gì đến tu hành. Mười điều này nói những gì cũng không nói ra được, như thế làm sao có thể nói là tu hạnh Phổ Hiền.