793

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 02

PHÁP HỘI THÁNH CHÚNG ĐỆ NHẤT

PHẨM THỨ NHẤT: PHÁP HỘI THÁNH CHÚNG

Thể lệ của Kinh Phật tự nhiên chia làm ba phần: Phần Tựa, phần Chánh Tông và phần Lưu Thông. Hôm qua, đã giới thiệu sơ lược với quý vị rồi.

1. Phần Tựa: Trong phần này muốn nói rõ cho chúng ta về nguyên do của pháp hội lần này.

2. Phần Chánh Tông: Là phần chủ yếu nhất của pháp hội, phát huy toàn bộ ý thú quan trọng của pháp hội.

3. Phần Lưu Thông sau cùng là hy vọng những người nghe được bộ kinh này, những người đọc được bộ kinh này đều có trách nhiệm, có nghĩa vụ tận tâm, tận lực tuyên dương pháp môn này, cũng tức là tiến cử giới thiệu cho tất cả chúng sanh, khiến cho tất cả chúng sanh được lợi ích viên mãn của đại pháp.

Do đây có thể thấy, Phật Pháp có tâm lượng rất rộng lớn. Trong kinh Đại Thừa thường nói “ngang khắp mười phương, dọc cùng tam tế”, đây là tâm lượng của Phật, Bồ-tát. Chúng ta học Phật mục đích là phải làm Phật, cũng gọi là thành Phật. Mục đích chúng ta học Phật chính là phải thành Phật, cũng là nói phải khôi phục lại tâm lượng bản năng của chúng ta, không khác với chư Phật Như Lai.

Bây giờ xin xem phần kinh văn. Phẩm Thứ Nhất “Pháp Hội Thánh Chúng” giới thiệu về lần pháp hội này, trạng huống trong pháp hội này.

Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Vương-xá thành, Kỳ-xà-quật sơn trung, dữ đại Tỳ-kheo chúng vạn nhị thiên nhân câu”.

(Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật ở núi Kỳ-xà-quật nơi thành Vương-xá, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một vạn hai ngàn vị cùng hội họp).

Trước tiên chúng ta xem đoạn nhỏ này. Đoạn nhỏ này giống như phần ghi chép trong hội nghị của chúng ta hiện nay. Ghi chép lại thời gian, nơi chốn, người thuyết pháp và những người tham gia pháp hội. Việc này hơi khác với việc thầy giáo vào lớp dạy học trong giáo học thông thường.

Câu thứ nhất, “Như thị ngã văn”, những người thường đọc kinh Phật như chúng ta nhất định đều biết, tất cả kinh Phật vừa mở đầu đều có câu này, đều giống nhau. Phần đầu mỗi bộ Kinh Phật đều có câu này, từ đây có thể biết câu này vô cùng quan trọng. Bốn chữ này rốt cuộc đã nói lên ý nghĩa gì? Bốn chữ này nói rõ tất cả những kinh mà Phật nói cho chúng ta, căn cứ của nó là trong một câu này. Nói cách khác, Thích-ca Mâu-ni Phật thuyết tất cả pháp trong bốn mươi chín năm, nếu đem tổng quát lại thì Ngài nói những gì? Chính là nói “Như Thị”, chữ này cực kỳ tuyệt diệu. Như, nếu từ trên mặt chữ nói một cách dễ hiểu thì “như thị ngã văn” là tôi - Tôn giả A-nan là người kết tập kinh.

Chúng ta đều biết, Thế Tôn năm xưa khi còn tại thế giảng kinh, nói pháp hoàn toàn dùng khẩu ngữ, không dùng chữ viết ghi chép lại. Mãi đến sau khi Phật viên tịch, chúng đệ tử cảm thấy cả đời thầy đã dạy dỗ đại chúng biết bao điều quý báu cần phải lưu truyền cho đời sau. Lưu truyền cho đời sau mà dùng cách truyền miệng thì rất khó, hơn nữa dễ phát sinh sai sót. Phương pháp tốt nhất là dùng văn tự ghi chép lại. Việc ghi chép này phải chính xác, không thể dẫn dắt người sau đi sai đường. Cho nên việc này phải làm một cách vô cùng cẩn trọng. Đồng thời, việc kết tập này là do đoàn thể làm, không phải do cá nhân [làm]. Phương thức kết tập là thỉnh Tôn giả A-nan đem những kinh mà Đức Phật đã giảng trong quá khứ giảng lại một lần. Trong các đồng học Tôn giả A-nan nổi tiếng là đa văn đệ nhất, cũng tức là những kinh điển cả đời Thế Tôn giảng nói A-nan đều đã nghe qua. Sức ghi nhớ của A-nan vô cùng tốt, gần giống như máy ghi âm của chúng ta vậy. Ngài sau khi nghe qua một lần thì sẽ không quên, có thể giảng [lại] y như Phật. Điều này có thể quý vị rất khó tin, có một sức ghi nhớ tốt như vậy, nhưng tôi có thể tin.