/ 29
846

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 04

Chúng tôi xin đọc một đoạn kinh văn:

Nguyện ư vô lượng thế giới thành Đẳng Chánh Giác. Xả Đâu-suất, giáng vương cung, khí vị xuất gia, khổ hạnh học đạo. Tác tư thị hiện, thuận thế gian cố”.

(Nguyện ở vô lượng thế giới chứng Phật quả. Rời cung trời Đâu-suất, giáng sinh vào cung vua, bỏ ngôi vị mà xuất gia, khổ hạnh học đạo. Thị hiện như thế để thuận theo thế gian).

Phần trước nói đến những vị Đại Thánh dự hội. Trí huệ và đức năng của họ hiển thị một cách rất cụ thể. Trong hạnh Bồ-tát, Phổ Hiền hạnh là thù thắng nhất, họ đều tu Hạnh Phổ Hiền, đồng tâm đồng nguyện với Phật. Tận hư không khắp pháp giới, lấy pháp môn này để tiếp dẫn quảng đại chúng sanh. Phần dưới cho chúng ta một thí dụ: Những bậc Thánh giả này, giống với chỗ nói trong phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa là: nên dùng thân gì để độ được thì họ liền hiện thân đó.

Giống như ba mươi hai ứng thân của Quán Thế Âm Bồ-tát, ba mươi hai là ba mươi hai loại. Trong mỗi loại đó, sự tướng ứng hóa, thực tế mà nói là vô lượng vô biên, hiển thị ra đức năng của những vị Bồ-tát này. Chỗ này cho chúng ta một tỉ dụ, “Ưng dĩ Phật thân nhi đắc độ giả, tức hiện Phật thân nhi vi thuyết Pháp” (nên dùng thân Phật để độ được thì hiện thân Phật để thuyết pháp). Chúng ta xem đoạn này là ví dụ hiện thân Phật, nếu cần dùng thân Bồ-tát thì Ngài liền hiện thân Bồ-tát mà thuyết pháp. Chỗ này là nêu lên hiện thân Phật, tức là “nguyện ư vô lượng thế giới thành Đẳng Chánh Giác” (Nguyện ở vô lượng thế giới chứng Phật quả). Đây chính là hiện thân Phật. Các vị phải biết tuy hiện thân Phật nhưng vẫn dùng pháp môn niệm Phật để giáo hóa tất cả chúng sanh niệm Phật thành Phật. Bởi vì pháp môn này là pháp môn đệ nhất, là pháp môn viên mãn, cứu cánh, là pháp môn giúp tất cả chúng sanh bình đẳng được độ, thật sự là thù thắng không gì sánh bằng.

Phần dưới đây nói đến tám tướng thành đạo. Điều này chư vị đồng tu đều rất quen thuộc, nhưng trong đó có chỗ đáng để chúng ta học hỏi nên chúng ta không thể bỏ qua. “Xả Đâu-suất”, Bồ-tát muốn đến thế gian này thị hiện thành Phật thì phải rời khỏi trời Đâu-suất. Hoàn cảnh sinh hoạt của trời Đâu-suất rất tốt, vô cùng vui sướng, vô cùng tự tại. Đâu-suất là Phạn ngữ, dịch sang nghĩa Trung Quốc là “Tri túc” (biết đủ), Đâu-suất thiên tức là Tri Túc thiên. Tri túc thì thường lạc. Hiện tại trên thế gian này có rất nhiều người đích thực có địa vị rất cao, có rất nhiều tiền bạc, nhưng họ vẫn rất khổ, vì sao lại khổ? Vì không tri túc. Có tiền tài rồi lại muốn có thêm, nhiều rồi lại muốn nhiều thêm, cái này mới thật là khổ. Tri túc thì vui ngay. Tri túc là gì? Người tri túc không mong cầu, người đến mức độ vô cầu thì như tục ngữ chúng ta nói là “phẩm cách tự nhiên cao”. Thật sự được vui là tri túc. Tầng trời này gọi là trời Tri Túc, tất cả Đẳng Giác Bồ-tát, Bổ Xứ Tôn giả, Bổ Xứ tức là Hậu Bổ Phật, đều từ trời Đâu-suất giáng xuống. Chỗ này mang ý nghĩa biểu pháp rất sâu. Nói cách khác, Bồ-tát tu hành, nếu chưa đến mức tri túc thì công phu của Bồ-tát chưa viên mãn, họ vẫn chưa biết đủ mà, tri túc rồi thì thành Phật ngay. Trong các bộ kinh lớn chúng ta thấy Bồ-tát cũng tham, tham độ chúng sanh, tham công đức, cho nên họ vẫn chưa biết đủ. Biết đủ rồi thì thành Phật ngay, chúng ta nhất định phải ghi nhớ việc này. Bất luận là thế pháp hay xuất thế pháp đều phải biết đủ. Ví dụ, hiện nay chúng ta học Phật Pháp, kinh điển của Phật pháp rộng lớn bao la như biển cả. Hiện nay chúng ta thấy Đại Tạng Kinh đều dùng loại chữ nhỏ để xuất bản, bìa dày như vậy mà vẫn phải có đến một trăm quyển. Nếu xem qua một lần từ đầu đến cuối thì phải mất bao nhiêu năm mới có thể xem hết. Thứ nào cũng muốn học, Tông Phái nào cũng muốn học, pháp môn nào cũng muốn học, bộ kinh luận nào cũng muốn học, đó gọi là tham, như vậy thì không buông xả được. Chúng ta biết đủ, một bộ kinh tức là một bộ kinh Vô Lượng Thọ là được rồi. Như Cổ Đức nói: “Tam tạng mười hai bộ nhường cho những người không biết đủ đi ngộ, tám vạn bốn ngàn hạnh nhường cho người không biết đủ đi hành”. Còn chúng ta biết đủ rồi, một bộ kinh, một câu A Di Đà Phật, điều này vui biết mấy. Biết đủ thì vui. Tu hành cũng như thế, nhất định phải biết đủ. Nội dung của bộ kinh này đã bao hàm hết tất cả kinh, phía trước đã báo cáo cùng quý vị rồi, cho nên phải xả được, phải buông xuống được. Xả Đâu-suất, trong tám tướng thành đạo thì tướng thứ nhất là giáng sanh.

/ 29