2.028

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 01

Kính thưa chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu!

Hôm nay, chúng tôi cảm thấy vô cùng vinh hạnh, vui mừng vô hạn, được ở tại Cư Sĩ Lâm Singapore này cùng học tập đại kinh của Tịnh Tông với quý đồng tu. Trước đây, đã từng giảng bộ kinh này một lần ở Đoàn Hoằng Pháp, cũng giảng ba mươi lần mới xong. Khi đó những bộ băng ghi âm đã nhanh chóng phổ biến đến rất nhiều khu vực quốc gia. Đây là Singapore chúng ta đã kết pháp duyên thù thắng cùng với toàn thế giới.

Lần này cư sĩ Lý Mộc Nguyên của quý Lâm mời tôi giảng lại bộ đại kinh này một lần nữa. Mục đích là gì? Vì lần trước chỉ lưu lại băng ghi âm, hy vọng lần này có thể lưu lại một bộ băng ghi hình. Tôi nói: “Tốt lắm! chúng tôi sẽ làm tròn ước nguyện này”.

Đương nhiên, những năm gần đây cảnh giới niệm Phật tu trì của chúng ta có khác với quá khứ. Nói cách khác, chúng ta đọc tụng bộ kinh lớn này, lại có thể áp dụng vào cuộc sống thực tế của mình, như vậy thì chúng ta mới có thể đạt được lợi ích thù thắng, chân thật của kinh điển.

Hôm nay là ngày đầu khai kinh. Tôi nghĩ chúng ta có thể lược bỏ phần nhân duyên, vì trước kia đã giảng qua nhiều lần rồi. [Theo] tâm lý của người thời nay thì việc học Phật cũng không ngoại lệ, cần tùy thuận xu hướng của cả thời đại. Chúng ta thường cầu mới, cầu thay đổi, cầu nhanh chóng. Trong Phật pháp, tu học chứng quả phải đạt được ba nhu cầu căn bản này. Bộ kinh này, pháp môn này có thể nói là vô cùng thích hợp. Thực tế mà nói, thế xuất thế gian đệ nhất thù thắng nhất định phải rất đơn giản, rất dễ dàng. Giống như bộ sách học thuật đại căn đại bổn của Trung Quốc là Kinh Dịch. “Dịch” tức là dễ dàng đơn giản.

Phật pháp là nền giáo học thù thắng nhất của thế gian và xuất thế gian. Nó đương nhiên phải phù hợp với nguyên tắc này. Đức Thế Tôn khi còn tại thế đã giảng kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp bốn mươi chín năm, nhưng chúng ta biết tổng kết lại không ngoài tam học Giới Định Huệ. Cho thấy đích thực là đơn giản, là dễ dàng. Tất cả kinh cũng chỉ là nói tường tận tam học Giới Định Huệ cho chúng ta mà thôi. Khi triển khai rộng ra tức là tất cả Kinh. Trong bổn Tông, chỗ nói đến cũng rất đơn giản, thiết yếu.

Ngẫu Ích Đại Sư tổng hợp các kinh điển của Tịnh Tông. Trong Di-đà Yếu Giải có chỉ rõ cho chúng ta: Tín Nguyện Hạnh. [Điều này] có trái ngược với tổng cương lĩnh của Thế Tôn không? Đây là điều mà chúng ta cần phải biết. “Tín” chúng ta phải tin Giới Định Huệ, “Nguyện” cũng là Giới Định Huệ, “Hạnh” cũng không rời Giới Định Huệ. Quý vị hãy tỉ mỉ mà lĩnh hội ý nghĩa này thì chúng ta mới có thể nắm được cương lĩnh giáo dục cả đời của Thế Tôn. Chúng ta tu học vừa đơn giản lại dễ dàng, hơn nữa cũng giống như lời của chư Cổ Đại Đức nói là: “vững vàng, nhanh chóng”, khiến chúng ta thật sự đã đạt được sự cầu mới, cầu thay đổi, cầu nhanh chóng. Phần kinh văn trong bộ kinh này nói cho chúng ta ba thứ chân thật, đây là điều chúng ta cần phải chú ý đến:

Thứ nhất là: “Khai Hóa, Hiển Thị Chân Thật Chi Tế”, câu này rất quan trọng. “Khai” là khai thị, Thế Tôn dẫn đường cho chúng ta, cũng tức là chỉ dạy cho chúng ta. “Hóa” là thành tích của giáo học. Chúng ta nhận sự chỉ dạy của Thế Tôn, quả thật đã khởi lên sự thay đổi. Sự giáo học của thế gian yêu cầu phải thay đổi khí chất. Còn sự giáo học của Phật pháp yêu cầu chúng ta “chuyển phàm thành Thánh”, cái “chuyển” này tức là chuyển biến. Chúng ta hôm nay là phàm phu, sau khi chúng ta nghe Phật chỉ dạy xong thì liền có thể chuyển phàm phu thành Thánh nhân. “Thánh nhân” chúng ta thường gọi là Phật, Bồ-tát, cũng tức là nói người học Phật nếu không phát tâm làm Phật thì có thể nói sự học Phật của bạn xem như uổng công. Học Phật là phải thành Phật, cùng với Thích-ca Mâu-ni Như Lai, Di-đà Như Lai, tất cả chư Phật Như Lai không hai không khác. Đây là mục đích học Phật của chúng ta.