/ 374
506

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 373

Xin chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu, xin mời ngồi. Xin xem phẩm hai mươi bốn “Tam Bối Vãng Sanh”, chương Thượng Bối Vãng Sanh. Phần trước chúng ta đã học xong phần phát Bồ-đề tâm, phần kinh văn tiếp theo là: “Nhất hướng chuyên niệm, A Di Đà Phật”. Trong chú giải Kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, trước tiên là trích dẫn trong Di Đà Yếu Giải, đã nói với chúng ta trong toàn bộ Phật pháp thì pháp môn trì danh niệm Phật là con đường thẳng nhất, viên đốn nhất. Lời khai thị này vô cùng quan trọng, trước tiên là giúp chúng ta xây dựng quan niệm đúng đắn. Quí vị đã biết, Phật pháp là “từ bi là gốc, phương tiện là cửa”, không những năm xưa khi Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế, giảng kinh hơn 300 hội, thuyết pháp suốt 49 năm, đều là pháp phương tiện, cho đến tám tướng thành đạo, thị hiện đủ mọi cách, cũng đều là pháp phương tiện, lìa bỏ phương tiện thì không có Phật pháp.

Phật pháp là thông qua phương tiện mà giúp cho chúng ta ngộ nhập từ nơi pháp phương tiện, khế nhập vào pháp chân thật. Pháp chân thật thì “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” (dứt đường ngôn ngữ, bặt dấu tâm hành), chỉ có thể nói là cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn, điều này chúng ta không thể không biết. Không những Thích-ca Mâu-ni Phật là như vậy, đến cả mười phương ba đời tất cả chư Phật, pháp thân Bồ-tát cũng không ngoại lệ. Chúng ta đều biết rõ pháp môn này là thẳng tắt, viên đốn, lại nói cho chúng ta đây là pháp môn đơn giản và chắc chắn. Để cho chúng ta học tập được thuận lợi thì pháp môn cần phải đơn giản, dễ dàng, nếu quá phức tạp và khó khăn thì chúng ta sẽ học không được dễ dàng như vậy. Pháp môn không những đơn giản, dễ dàng mà còn phải chắc chắc nữa, nhất định sẽ thành tựu, đây là pháp môn gì? Đại sư Ngẫu Ích nói với chúng ta là “tín nguyện chuyên trì danh hiệu”, thật sự là đơn giản. Cho nên trong Vãng Sanh Truyện, và trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, thậm chí chính bản thân chúng tôi nhìn thấy rất nhiều người niệm Phật vãng sanh để lại tướng lành, họ làm sao mà thành tựu vậy? Bởi vì họ tín nguyện chuyên trì danh hiệu.

Trước đây tôi ở Singapore, cư sĩ Trần Quang Biệt là Lâm trưởng của Cư Sĩ Lâm, ông bị bệnh trong thời gian rất lâu, trong lúc bị bịnh ông không thể làm việc, nhưng tinh thần thì rất tốt, đầu óc sáng suốt. Ông muốn nghe kinh, cả cuộc đời ông hộ trì Phật pháp nên ông không có thời gian chuyên tâm nghe kinh, nhờ cái duyên bị bịnh này mà ông có thời gian nghe kinh mỗi ngày. Ông đến Cư Sĩ Lâm thỉnh bộ đĩa kinh do tôi giảng, người nhà của ông nói với tôi, lão cư sĩ mỗi ngày nghe kinh tám giờ đồng hồ, ngoài thời gian nghe kinh là niệm Phật, suốt hai năm không gián đoạn. Một hôm ông nói với cư sĩ Lý Mộc Nguyên là ông sắp vãng sanh, cư sĩ Lý Mộc Nguyên trả lời là ông không nên vãng sanh lúc này, vì nhân sự ở Cư Sĩ Lâm chưa ổn định, nhất định phải trụ thế thêm vài năm nữa, ông đã đồng ý. Ông ở thêm hai năm nữa. Mỗi ngày ông đều nghe kinh niệm Phật được tổng cộng là bốn năm, lúc đó ông xin từ chức Lâm trưởng ở Cư Sĩ Lâm, nhường chức cho cư sĩ Lý Mộc Nguyên. Khi Cư Sĩ Lâm đã ổn định rồi, ông biết trước giờ ra đi, nhưng ông không nói cho ai biết, hình như là ngày mùng bảy tháng Tám, tôi cũng không nhớ chính xác ngày nào. Ông có viết ngày tháng trên giấy, ông viết mười mấy lần, người nhà cũng không dám hỏi ông, họ không biết là chuyện gì mà ông lại viết nhiều lần như vậy. Đến ngày hôm đó, quả nhiên ông đã vãng sanh, người nhà mới biết được ngày tháng ông viết trước đó ba tháng chính là ngày ông vãng sanh. Trong suốt bốn năm mỗi ngày ông nghe kinh tám giờ đồng hồ, ngoài thời gian nghe kinh ra thì ông tín nguyện trì danh, chuyên trì danh hiệu. Ông ra đi rất tự tại, hình như trước ngày vãng sanh mấy hôm, ông có đến tìm tôi, tôi đã làm lễ qui y cho ông, ông ra đi để lại tướng lành. Sau khi ông vãng sanh thì có một số oan gia trái chủ đến Cư Sĩ Lâm yêu cầu được nghe kinh và qui y, chúng tôi đều đáp ứng cho họ, sự cảm ứng không thể nghĩ bàn, đây là chuyện gần nhất mà chính mắt tôi trông thấy. Đây là pháp môn đơn giản, chắc chắn, điều này là thật chứ không phải giả.

Đại sư Ngẫu Ích đã nói, công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn, danh hiệu này là đức hiệu vốn có trong tự tánh của chúng ta. Phần trước chúng tôi đã chia sẻ với quí vị “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”, điều này là nói về lý luận, lý luận đã thấu triệt rồi thì đối với phương pháp tu học pháp môn này chắc chắn bạn sẽ không nghi ngờ, bạn rất hoan hỷ, rất vui sướng nỗ lực tu học. Nếu bạn hỏi, chúng tôi chăm chỉ học pháp môn này thì mất bao lâu mới thành tựu? Tôi đã học Phật 55 năm, kinh nhiệm của 55 năm thì xin thưa với quí vị, thường là khoảng ba năm, ít khi nào vượt quá năm năm. Có lẽ quí vị nói: “Tôi đã học được 20 năm rồi, học được 30 năm rồi, vì sao chẳng có một chút tin tức gì vậy?” Là do công phu của bạn chưa được đắc lực.

/ 374