/ 374
937

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 374

Xin tiếp tục xem, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trích dẫn mấy câu trong Viên Trung Sao của Đại sư U Khê. “Viên Trung Sao viết: Kim kinh sở thị, sơ tâm phàm phu, đãn thị hữu khẩu năng xưng, hữu tâm năng niệm, giai khả tu chi. Cố tri thử kinh sở thị, nãi chí giản chí dị chi pháp môn dã” (Kinh này đã dạy, phàm phu sơ phát tâm có miệng là xưng niệm được, có tin có thể niệm được, ai cũng đều tu được. Vì vậy nên biết kinh này đã dạy pháp môn đơn giản nhất, dễ dàng nhất rồi vậy). Đại sư U Khê và Đại sư Ngẫu Ích đã nói hoàn toàn giống nhau, đặc biệt là nhắc nhở hạng phàm phu sơ phát tâm chúng ta. Đây là nhìn từ trên tướng, chúng ta biết trong Kinh Di Đà nói rất rõ, “Không thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước kia”. Do vậy mới biết, hạng phàm phu sơ tâm là nói từ trên sự, nếu nói từ trên lý thì thiện căn phước đức của người này trong đời quá khứ vô cùng sâu dày, tuy là mới học nhưng trong đời này vừa gặp được thì tín nguyện hạnh ba điều kiện này họ đã có đủ. Chuyện này bản thân chúng tôi, trong đời này cũng gặp được mấy trường hợp, cả cuộc đời họ chẳng có học Phật, chẳng tin Phật pháp, nhưng trước khi họ lâm chung mấy hôm, có người đem Thế giới Cực Lạc, pháp môn Tịnh Độ giới thiệu cho họ, họ liền tin tưởng, họ thật sự niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ và họ được vãng sanh. Điều này nói rõ nguyện thứ 18 trong Kinh Vô Lượng Thọ, lúc lâm chung từ một niệm đến mười niệm đều được vãng sanh. Trong Kinh Di Đà thì nói hoặc một ngày, hoặc hai ngày cho đến bảy ngày, sự thật là đã có sự chứng minh, hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Chắc chắn là nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ họ đã tu pháp môn này rồi, đến đời này duyên đã chín muồi.

Bản thân chúng ta phải biết cái duyên Tịnh Độ của chúng ta trong đời này đã chín muồi hay chưa, có thể nhìn thấy được, nhìn từ chỗ nào? Nhìn từ chỗ tín nguyện hạnh, tin tưởng chẳng hoài nghi, trong nguyện tâm chẳng có xen tạp, niệm Phật một cách thành kính chuyên nhất thì thiện căn của người đó đã chín muồi rồi, người đó trong đời này chắc chắn được sanh về Thế giới Cực Lạc làm Phật. Sanh đến Thế giới Cực Lạc, cho dù là vãng sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ hạ hạ phẩm thì cũng là thành Phật trong một đời, điều này không thể nghĩ bàn. Chỗ này Đại sư U Khê nói, thế nhưng cần phải có miệng niệm, có tâm niệm, quan trọng là câu nói phía sau, “có tâm năng niệm”. Trong tâm thật sự có A Di Đà Phật, trong tâm thật sự có Tịnh Độ. Pháp môn này, theo Ngài U Khê mà nói, là pháp môn dễ dàng nhất, đơn giản nhất, thù thắng chẳng gì bằng.

Tiếp theo Đại sư lại nói, “Nhược chấp trì danh hiệu, bất vấn nhàn mang, bất câu động tĩnh, hành trụ tọa ngọa, giai khả tu tri. Cố tri thử kinh sở thị, nãi chí tiệp chí kinh chi pháp môn dã” (Nếu chấp trì danh hiệu thì chẳng luận rảnh hay bận, chẳng kể động hay tịnh, khi đi, đứng, nằm, ngồi, đều tu được cả. Nên biết kinh này đã chỉ bày con đường tắt ngắn nhất). Có nhiều đồng tu công việc rất bận rộn, chẳng có thời gian tu hành thì pháp môn này là thích hợp nhất, lúc nhàn rỗi có thể tu, lúc bận rộn cũng có thể tu. Động là lúc bạn làm việc cũng có thể tu, tĩnh là lúc bạn yên tĩnh, ngồi ở một chỗ, đứng ở một chỗ cũng có thể tu, câu Phật hiệu không gián đoạn. Tất cả công việc thì chỉ cần không phải suy nghĩ, chúng ta làm những công việc lao lực thông thường, không phải công việc lao tâm, công việc lao tâm thì đương nhiên phải dừng niệm Phật, công việc lao lực thì chẳng có một chút chướng ngại nào, trong tâm có Phật.

Vào thời nhà Đường có một người làm nghề thợ rèn họ Vương, bốn người trong gia đình sống nhờ vào nghề thợ rèn, ngày nào không làm việc thì ngày đó không có cơm ăn, công việc vô cùng vất vả. Một hôm có một vị xuất gia đi ngang qua cửa tiệm của ông, ông đã tiếp đãi vị xuất gia đó, cúng dường một ly nước, ông nói với vị thầy xuất gia, “Công việc của tôi quá vất vả, có cách nào giải thoát hay không?” Người thầy xuất gia đó liền dạy cho ông niệm A Di Đà Phật, khi ông dùng búa đập sắt, cứ mỗi lần đập xuống thì niệm một câu A Di Đà Phật, nâng búa lên cũng niệm A Di Đà Phật. Ngày trước thì dùng ống kéo gió, đẩy vào thì niệm A Di Đà Phật, kéo ra cũng niệm A Di Đà Phật. Người vợ nhìn thấy thì hỏi vừa làm việc vừa niệm Phật ông có mệt không? Ông trả lời không mệt, trước đây tôi không niệm Phật thì cảm thấy mệt, bây giờ có niệm Phật thì chẳng hề cảm thấy mệt. Niệm được ba năm thì ông thành công, ông đã vãng sanh trong lúc đang làm việc, ông không bị bệnh gì cả mà còn nói một bài kệ, “Đinh đinh, đang đang, luyện lâu thành thép, thái bình kề cận, ta vãng Tây Phương”, vừa đập cái búa xuống thì ông đứng mà vãng sanh. Ở chỗ này chính là hạng phàm phu sơ tâm mà Đại sư U Khê đã nói, nhưng chúng ta phải biết là ông có thiện căn rất sâu dày, vị Pháp sư dạy ông niệm Phật, ông không hoài nghi, ông không xen tạp, ông biết kết hợp câu Phật hiệu với công việc của ông, nên ông không cảm thấy mệt. Ông đã chân thật làm được tín nguyện chuyên trì danh hiệu, cho nên ông niệm Phật ba năm, đứng mà vãng sanh. Tự hành tức là hóa tha, cả đoạn đường hôm đó đều nhìn thấy ông niệm Phật đứng mà vãng sanh, mọi người đều tin tưởng, rất nhiều người đều làm theo ông, đây là hóa tha. Ông không cần giảng kinh thuyết pháp, ông chỉ biểu diễn, hiện thân thuyết pháp, trong Vãng Sanh Truyện và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đều có ghi chép lại câu chuyện của ông. Điều này nói rõ pháp môn này là con đường tắt, pháp môn này nhanh chóng thành tựu.

/ 374