/ 374
483

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 372

Các vị Pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi.

Phía trước đã nói là phát tâm vô cùng quan trọng, đúng như trong kinh Thế Tôn thường nói, “nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, Bồ-đề tâm là nơi có thể sanh ra cứu cánh thường lạc. Điều này nói rõ sự quan trọng của việc phát tâm, tại sao phải nhất định phát tâm, ở đây đã nói ra rồi. Có đồng tu nói, chúng tôi cũng đã từng nhìn thấy các ông cụ bà cụ không biết chữ, cái gì họ cũng không biết, chỉ có câu Phật hiệu này niệm tới cùng thì họ được vãng sanh, tướng lành vãng sanh vô cùng hiếm có, họ thật sự được vãng sanh. Có người đứng mà vãng sanh, có người ngồi mà vãng sanh, không thấy họ đã phát Bồ-đề tâm. Trong Yếu Giải, Đại Sư Ngẫu Ích nói rất hay, đã giải đáp vấn đề này cho chúng ta, “tin sâu nguyện thiết chính là vô thượng đại Bồ-đề tâm”. Bốn chữ này chẳng phải đơn giản mà có thể làm được, tin sâu thì chẳng có hoài nghi, chẳng có xen tạp thì mới được gọi là chân tín. Nếu ta tin, trong sự tin này vẫn còn xen tạp tự tư tự lợi, vẫn còn xen tạp danh lợi, không buông bỏ được thì sự tin sâu này bị phá hỏng rồi. Nguyện thiết thì chỉ là một nguyện, nhất định không có nguyện thứ hai, ta xem chuyện vãng sanh Thế giới Cực Lạc là nguyện thứ nhất, ta vẫn còn nguyện thứ hai, nguyện thứ ba, nguyện thứ tư thì đã phá hỏng cái nguyện thiết này rồi, nên không sánh bằng các cụ ông cụ bà.

Cho nên từ xưa đến nay người ta thường nói, chỉ có người thượng trí và người hạ ngu mới có thể thành tựu. Người thượng trí thì trong nhà Phật thường gọi là người thượng thượng căn, họ một nghe ngàn ngộ, nên họ thật sự hiểu rõ, chẳng có một chút nghi ngờ. Còn người hạ ngu, bạn đừng nghĩ họ chẳng biết điều gì, bởi vì họ thành thật, điều này là vô cùng đáng quí, họ cùng với người thượng trí, tuy là một người thì hiểu rõ, một người thì chẳng hiểu gì cả, không hiểu thì họ làm sao? Trên sự hành trì thì họ chẳng khác gì với người thượng trí, họ không hoài nghi, sư phụ dạy họ niệm Phật, “sư phụ không bao giờ gạt ta”, họ liền tin, tin hết lòng. Dạy cho họ không xen tạp thì thật sự họ chẳng nghĩ đến điều gì cả, chỉ có một nguyện vọng cầu sanh Tịnh Độ, không có nguyện vọng thứ hai, cái này gọi là vô thượng Bồ-đề tâm. Lời nói này là của Đại Sư Ngẫu Ích, Đại Sư Ngẫu Ích là người như thế nào chúng ta không biết được, Ngài không để lộ thân phận.

Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật tái lai, nhị tổ là đại sư Thiện Đạo cũng là A Di Đà Phật tái lai, đại sư Vĩnh Minh là tổ thứ sáu của Tịnh Tông. Đại Sư Ngẫu Ích tuy không có tiết lộ thân phận, nhưng thân phận của Đại sư Ấn Quang đã bị lộ, Ngài là Bồ-tát Đại Thế Chí tái lai, đối với Kinh A Di Đà Yếu Giải của Đại Sư Ngẫu Ích, Đại Sư Ấn Quang vô cùng tán thán, tán thán cùng cực. Ngài nói cho dù là cổ Phật tái lai có làm chú giải kinh Di Đà cũng không thể vượt qua bộ chú giải này. Chúng ta đã nghe Bồ-tát Đại Thế Chí tán thán Đại Sư Ngẫu Ích, vậy Ngài là ai? Nếu như Ngài không phải là A Di Đà Phật tái lai thì chắc chắn là Bồ-tát Quan Thế Âm tái lai, không phải là người thường. Lời của Ngài nói chúng ta phải tin, tin sâu nguyện thiết, nếu không biết cũng chẳng sao, sanh đến Thế giới Cực Lạc thì liền khai ngộ, thì liền hiểu rõ.

Chúng ta không phải là người thượng trí, cũng không phải là người hạ ngu, là nhóm người khó độ nhất, không phải thượng căn cũng không phải hạ trí. Thật sự mà nói, Thế Tôn 49 năm giảng kinh thuyết pháp, chính là vì những người thuộc nhóm chúng ta. Người thượng trí hạ ngu thì dễ độ, họ thật sự có đầy đủ thiện căn phước đức nhân duyên, chúng ta không nên xem thường họ, không nên coi khinh họ. Tuy chúng ta một đời này tu học nhưng thành tựu không bằng họ, tuy họ chẳng có học thức, họ không đi học, nhưng đối với mọi người họ rất cung kính lễ phép, còn chúng ta có đi học một chút thì tự cho rằng mình là lợi hại lắm, liền cống cao ngã mạn. Tư tưởng, ngôn hạnh, cử chỉ của họ là thiện hạnh, còn tư tưởng, ngôn hạnh, cử chỉ của chúng ta là ác hạnh thì làm sao sánh với họ được chứ? Lại còn xem thường họ nữa!

Phần trước đã nói với quí vị, người tu đạo chân thật thì không yêu cầu người khác cung kính mình, cúng dường cho mình, điều này là tương ưng với tánh đức. Nhưng bản thân chúng ta đối với người khác có cần phải cung kính hay không, cần phải cúng dường hay không? Mười nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền là nhằm vào hàng Bồ-tát mà nói, điều thứ nhất “Lễ kính chư Phật”, trong Văn sao của Đại Sư Ấn Quang nói rất nhiều, “một phần thành kính thì được một phần lợi ích, hai phần thành kính thì được hai phần lợi ích”, phải chân thành cung kính, “mười phần thành kính thì bạn được mười phần lợi ích”. Vì vậy học sinh trong cùng một lớp học, nghe giáo viên giảng bài, sự đạt được lợi ích của mỗi học sinh là khác nhau, do nguyên nhân gì vậy? Do tâm cung kính đối với thầy giáo không như nhau, tâm cung kính đối với các bài học không như nhau, gọi là kính nghiệp, cho nên có được sự lợi ích cũng khác nhau.

/ 374