PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 371
Xin chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu, xin mời ngồi. Xin xem phẩm hai mươi bốn “Tam Bối Vãng Sanh”. Chúng ta đọc đoạn kinh văn này để đối chiếu.
“Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”.
Đọan kinh văn này, xưa kia Tổ sư Đại đức đã giảng rất nhiều, hiện nay chúng ta lại tiếp tục xem nguyên lí mà cổ Đại đức đã nói trong An Lạc Tập. Phần phía trước đã nói ba điều trái ngược với Bồ-đề môn, phải xả bỏ những điều này, sau khi xả bỏ thì mới có thể được ba điều tùy thuận Bồ-đề môn. Tùy thuận thì chúng ta mới có thể thật sự thành tựu. Thứ nhất là vô nhiễm thanh tịnh tâm, thứ hai là an thanh tịnh tâm, hai điều này phía trước chúng ta đã học rồi. Hiện nay chúng ta tiếp tục xem thứ ba là lạc thanh tịnh tâm.
“Tam giả lạc thanh tịnh tâm, dục linh nhất thiết chúng sanh đắc đại Bồ-đề cố, dĩ nhiếp thủ chúng sanh, sanh bỉ quốc độ cố, Bồ-đề thị tất cánh thường lạc xứ, nhược bất linh nhất thiết chúng sanh đắc cứu cánh thường lạc giả tắc vi Bồ-đề môn” (Thứ ba: tâm lạc thanh tịnh, mong cho hết thảy chúng sanh đắc đại Bồ-đề, nhiếp thủ chúng sanh sanh về nước kia. Bồ-đề là chỗ thường lạc rốt ráo. Nếu chẳng làm cho tất cả chúng sanh đạt được thường vui rốt ráo thì trái nghịch với Bồ-đề môn). Đến đây là một đoạn, đọan này nói rất hay, còn gọi là “sự hưởng thụ cao nhất của đời người”, còn gọi là “Khổng Nhan chi lạc” (niềm vui của Khổng Tử và Nhan Hồi). Khổng Tử và Nhan Hồi đã đạt được sự vui sướng, pháp hỷ của Phật Bồ-tát.
Niềm vui của chư Phật Như Lai, Pháp Thân Bồ-tát, đây thật sự là sự hưởng thụ cao nhất của đời người. Do đâu mà có? Đoạn kinh văn này nói rất rõ, nhất định phải được tâm thanh tịnh, trong tâm thanh tịnh không có nhiễm ô, tâm nhiễm ô thì không thanh tịnh, tâm thanh tịnh là an. Nếu tâm bạn bất an, vậy là tâm của bạn không thanh tịnh, trong tâm thanh tịnh thì có niềm vui, nếu bạn không có niềm vui thì tâm của bạn không thanh tịnh. Cho nên tâm thanh tịnh sẽ mang cho ta sự vô nhiễm, an toàn, vui sướng.
Xin thưa với quí vị, tâm thanh tịnh là cái vốn sẵn đầy đủ trong tự tánh của mỗi chúng sanh, đây là tánh đức trong Bồ-đề tâm. Chúng ta nói Bồ-đề tâm, thể của Bồ-đề tâm là chân thành, tác dụng của Bồ-đề tâm chính là đức dụng của nó, gồm có thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, khẳng định là như vậy. Được một điều thì được tất cả, bạn nói “Tôi đã đạt được tâm thanh tịnh rồi, tôi không bị nhiễm ô, nhưng mà tôi không có niềm vui, tâm tôi bất an”, hay nói cách khác, bạn chưa đạt được tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì không những không nhiễm ô mà còn có an, có lạc, hơn nữa tâm thanh tịnh tràn đầy trí huệ. Ở chỗ này không nói, nhưng trong Kinh Kim Cang thì nói rất hay, “tín tâm thanh tịnh tắc sanh thật tướng”, thật tướng là trí huệ Bát-nhã.
Trong Kinh Bát-nhã, Phật nói với chúng ta, trí huệ có căn bản trí, có hậu đắc trí. Căn bản trí chính là tâm thanh tịnh, hậu đắc trí là khởi tác dụng của trí huệ. Ở chỗ này nói vô nhiễm, an lạc, tự tại là khởi tác dụng của trí huệ, đây là đối với bản thân mình. Đối với chúng sanh là đại từ đại bi, toàn bộ là từ nơi căn bản trí khởi tác dụng. Căn bản trí chính là tâm thanh tịnh, quí vị phải nên biết điều này. Tâm thanh tịnh vốn có đầy đủ trong tự tánh, hiện tại vì sao chúng ta không có tâm thanh tịnh? Hãy nghĩ xem, phía trước có nói ba điều, trong đó là “tham trước tự thân”, bạn có tham dục, bạn có chấp trước, nên không có tâm thanh tịnh. “Vô an chúng sanh tâm”, tức là bạn không có tâm quan tâm chăm sóc tất cả chúng sanh, không có cái ý niệm này, không có cái ý nguyện này, không biết quan tâm chăm sóc tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh với chính mình là là một thể, đương nhiên là bạn chẳng biết chân tướng sự thật này, nên bạn không để ý đến chúng sanh, sự khổ vui của chúng sanh, sự an nguy của chúng sanh, bạn chẳng để trong tâm. Bạn thích người khác cung kính cúng dường mình, những điều này là phiền não tập khí, cũng là sự chướng ngại tâm thanh tịnh mà chúng ta thường nói là tâm thanh tịnh đã bị nhiễm ô rồi. Sự nhiễm ô này là thí dụ, tâm thanh tịnh thì làm sao mà bị nhiễm ô được? Nếu như bị nhiễm ô vậy nó không phải là thật, mà là hư vọng, cho nên đã chướng ngại tâm thanh tịnh, làm cho tâm thanh tịnh của chính mình không thể hiện tiền.