/ 374
541

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 370

Xin tiếp tục xem phần chú giải tiếp theo cũng là phần trích dẫn một đoạn trong An Lạc Tập. “An Lạc Tập tục vân Bồ-tát viễn ly như thị tam chủng Bồ-đề môn tướng vi pháp, tức đắc tam chủng tùy thuận Bồ-đề môn pháp” (Sách An Lạc Tập viết tiếp rằng: Bồ-tát xa lìa ba loại pháp trái nghịch với Bồ-đề môn như vậy, liền được ba loại pháp thuận với Bồ-đề môn). Điều này nói rất rõ ràng, rất minh bạch, nếu bạn không thể xả bỏ ba pháp chướng ngại Bồ-đề môn này thì bạn chẳng có cách nào phát được Bồ-đề tâm.

Ba pháp này, thứ nhất là phải buông bỏ ngã tâm tham chấp tự thân, thứ hai là phải buông bỏ vô an chúng sanh tâm. Vô an chúng sanh tâm chính là đối với tất cả chúng sanh chẳng có quan tâm, điều này là không thể, mỗi phút mỗi giây đều phải quan tâm đến khổ nạn của chúng sanh, tận tâm tận lực giúp đỡ họ, khi không có đủ sức lực thì phải có tâm, phải có nguyện, tâm và nguyện không thể không có. Bản thân có bao nhiêu năng lực thì dùng hết bấy nhiêu năng lực, là thiện xảo phương tiện. Thực tế nếu không có cái duyên phận này thì nên chân thành hồi hướng công đức mà bản thân mình đã tu tập hằng ngày, chúc phúc cho đại chúng.

Thứ ba nhất định là phải viễn ly cung kính tự thân tâm, chúng ta đối với người khác nên cung kính cúng dường. Trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện, bạn xem thứ nhất là “lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường”, chúng ta phải làm, không những không mong cầu người khác cung kính ta, cúng dường ta, mà cái ý niệm này chắc chắn là sai lầm. Trong giới Sa-di có “bất tróc trì sanh tượng” (không cho mang tiền), “sanh tượng” chính là tiền bạc, vì sao phải chế ra giới điều này vậy? Để xả cái tham. Cung kính làm tăng trưởng sự ngạo mạn, cúng dường làm tăng trưởng sự ham muốn, không phải là việc tốt.

Cho nên chúng ta nhất định phải biết, ở đây xây dựng một đạo tràng, đạo tràng là của thường trụ, tất cả vật cúng dường đều thuộc về của thường trụ. Quý vị cúng dường cho tôi, tôi cũng không cần xem, toàn bộ đem giao cho thường trụ, thường trụ không những tiếp nhận phần cúng dường này ở đây để lo làm đạo, mà còn cứu giúp chúng sanh khổ nạn trên toàn thế giới. Những việc chúng tôi làm là chú trọng về giáo dục, bởi vì cuộc sống khổ nạn này đã có Hội Từ Tế Công Đức làm rất nhiều rồi, đã có người đi làm rồi, cho nên phần cúng dường này của chúng tôi có dư ra thì chúng tôi giúp cho công việc giáo dục, về mặt này chúng tôi đã đóng góp rất nhiều.

Gần đây có đồng tu liên hệ với tôi, năm ngoái tôi đi thăm đại học Luân Đôn, họ mong muốn thành lập một khóa trình về Phật học Đại Thừa, nhưng nhà trường không có kinh phí, họ mong muốn tôi thành lập một cái quỹ ở trong trường, dùng quỹ này để giúp họ thỉnh mời giáo sư, đây là việc làm tốt. Điều kiện của giáo sư là phải phù hợp với tiêu chuẩn của nhà trường, chính là phải có học vị tiến sĩ, đương nhiên là học vị tiến sĩ này phải là học vị tiến sĩ về Phật giáo Đại Thừa là tốt nhất. Vì vậy khi tôi đọc được khai thị của Đại sư Ấn Quang, lần trước đã cùng học với quý vị hai giờ đồng hồ, tôi vô cùng cảm động.

Muốn hồi phục Phật giáo giống như thời hoàng kim của đời Tùy Đường, không có giáo dục thì không được. Ngày xưa người xuất gia phải trả qua các cuộc thi, không phải là tùy tiện mà có thể xuất gia được, hơn nữa kỳ khảo thí cuối cùng là đích thân nhà vua đến sát hạch, vì sao vậy? Vì độ điệp chính là bằng cấp, bằng cấp hợp pháp của cuộc thi là do nhà vua phát, nhà vua phải xem xét bạn, xem bạn có đủ tư cách làm thầy của nhà vua không? Bởi vì người xuất gia là thầy của trời và người, nếu nhà vua đồng ý thì bạn mới có thể làm thầy của vua, thay thế vua dạy bảo nhân dân, vua mới trao bằng cấp cho bạn. Vì vậy vào thời đó phẩm chất của người xuất gia rất cao, nhà vua cung kính cúng dường, bá quan văn võ bên dưới chẳng ai dám thất lễ

Chế độ thi cử này đã bị hoàng đế Thuận Trị đời nhà Thanh hủy bỏ, truyền thuyết vua Thuận Trị xuất gia, đại khái là ông vì bản thân ông, khi ông xuất gia không có độ điệp vậy thì không được, vậy là vi phạm pháp luật rồi, cho nên ông đã hủy bỏ độ điệp, để cho ông có thể xuất gia. Vào thời đó, việc làm này là có lợi, nhưng mà 200 năm sau, người xuất gia trong Phật pháp phẩm chất sa sút nghiêm trọng, tật xấu quá nhiều, cho nên trong Văn Sao đối với sự việc này Ấn Tổ đã nhiều lần phê bình nghiêm khắc.

/ 374