/ 374
433

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 369

Xin chào chư vị đồng tu, xin mời ngồi. Chúng ta tiếp tục xem phẩm hai mươi bốn “Tam Bối Vãng Sanh”. Trong Đại Kinh Chú Giải có trích dẫn một đoạn trong An Lạc Tập, An Lạc Tập là dựa theo câu trong Tịnh Độ Luận “Phàm dục phát tâm hội vô thượng Bồ-đề giả, tiên tu viễn ly tam chủng dữ Bồ-đề môn tướng vi pháp” (Hễ ai muốn phát được tâm vô thượng Bồ-đề, thì trước hết phải xa lìa ba pháp trái nghịch với cửa Bồ-đề). Đoạn này vô cùng quan trọng, từ đoạn văn này chúng ta nghiêm túc mà phản tỉnh, họ nói ba điều vậy chúng ta có hay không? Nếu có một điều thì Bồ-đề tâm không phát ra được, bạn sẽ hiểu được nguyên nhân ở chỗ nào. Ba điều này sẽ làm chướng ngại Bồ-đề tâm, bạn không trừ bỏ nó thì làm sao Bồ-đề tâm của bạn có thể phát ra được?

Ba điều này là “Nhất giả y trí huệ môn, bất cầu tự lạc, viễn ly ngã tâm tham chấp tự thân cố” (Một là nương vào cửa trí huệ, chẳng cầu tự vui, nên xa lìa được ngã tâm tham chấp thân mình). Ở đây nói rất là rõ ràng, “Ngã tâm tham trước tự thân ư nhất thiết pháp đương trung khởi tâm động niệm” (ngã tâm tham chấp thân mình, đối với tất cả pháp thì khởi tâm động niệm). Dùng lời hiện nay mà nói đó là lợi ích của ta, không thể xả bỏ lợi ích của mình thì Bồ-đề tâm không thể phát ra được, nó đã chướng ngại Bồ-đề tâm. Niệm niệm tham trước tự thân, điều này chúng ta thường nói là tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm là đem tự tư tự lợi đặt ở hàng đầu, suy nghĩ trước tiên là ta có được lợi hay không, ta có lợi ích hay không? Vì vậy ở chỗ này Tổ sư Đại đức dạy chúng ta phải xa lìa những thứ này, phải buông bỏ. Khởi tâm động niệm là lo nghĩ cho người khác, đây chính là đại Bồ-đề tâm. Chỉ lo nghĩ cho chính mình, vậy là sai rồi, chỉ lo cho đạo tràng của mình cũng là sai, thậm chí chỉ lo nghĩ lợi ích cho quốc gia của mình cũng là sai. Mức độ thấp nhất hiện nay, khởi tâm động niệm là phải lo nghĩ cho cả thế giới này, phải lo nghĩ cho toàn quả địa cầu này.

Hiện nay do thông tin phát triển, giao thông thuận tiện, chỉ cần hai ngày là đi giáp vòng quả địa cầu. Khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển, hiện nay máy bay tốc độ cao đã được nghiên cứu thành công rồi, máy bay chở khách khổng lồ, trong tương lai một ngày sẽ bay giáp vòng quả địa cầu. Từ Mỹ bay đến Trung Quốc, nghe nói là bốn giờ đồng hồ, buổi sáng đi, buổi chiều là có thể quay trở về, quả địa cầu thật sự đã trở thành một thôn nhỏ. Chúng ta cùng với tất cả những người dân trên quả địa cầu này là hàng xóm gắn bó chặt chẽ với nhau, không giống như ngày xưa. Vào thời xưa, giao thông không thuận tiện, không có thông tin, cuộc sống của người dân không có giao lưu qua lại với nhau, nguyên nhân là giao thông không thuận tiện. Bạn bè ngày xưa, không ngại đường xa đến thăm thì là khách quí, ngày xưa đi bộ ngàn dặm đường phải mất mười mấy ngày, hoặc nửa tháng mới đến nơi. Hiện nay máy bay bay ngàn dặm đường chỉ cần một giờ đồng hồ. Hoàn cảnh ngày xưa và ngày nay không giống nhau, ngày xưa thì có thể khởi tâm động niệm chỉ lo nghĩ cho cái thành phố này của chúng ta, cho địa phương của chúng ta, cho quốc gia của chúng ta. Ngày nay thì không được, ngày nay thì phải lo nghĩ cho toàn thế giới, cho cả địa cầu. Như vậy có xem là quá lớn lao không? Không lớn đâu, trong giáo lí Đại Thừa đây là nhân thiên pháp, tâm lượng lớn thì điều họ lo nghĩ là tận hư không khắp pháp giới, tất cả quốc độ của chư Phật, đây là Bồ-tát, chúng ta thật sự không thể sánh bằng các Ngài.

Ngạn ngữ nói lượng lớn thì phước lớn, Phật Bồ-tát thì phước lớn hơn chúng ta, vì sao vậy? Các Ngài khởi tâm động niệm là bao trùm pháp giới hư không giới, ngày nay chúng ta khởi tâm động niệm là nghĩ đến cả thế giới, khắp địa cầu, như vậy mới tốt. Vì vậy nếu ngã tâm tham chấp tự thân thì nó là gốc rễ của mê muội. Chúng sanh trong lục đạo đâu có ai mà không tham chấp vào thân mình, cho nên mới không thoát khỏi lục đạo.

Lục đạo luân hồi do đâu mà có? Là do ngã tâm tham chấp tự thân biến hiện ra, lục đạo không phải là thật, ý niệm tham chấp không còn nữa thì lục đạo sẽ không còn. Cho nên ở chỗ này Tổ sư dạy chúng ta, “y trí huệ môn, bất cầu tự lạc”. Cổ Thánh tiên Hiền trong Lễ Ký dạy cho chúng ta, Khúc Lễ - phần đầu tiên trong Lễ Ký nói “an an nhi năng thiên”, chính là cái ý nghĩa này. Hai chữ an này chính là thân của bạn an, tâm cũng an, thân tâm đều an ổn, dù bạn sống cuộc đời hạnh phúc, an vui, nhưng mà chúng sanh gặp khổ nạn cần bạn giúp đỡ thì lúc này bạn nên rời bỏ cuộc sống an lạc hạnh phúc để đi phục vụ chúng sanh khổ nạn, quí vị nghĩ xem có phải là câu nói này hay không? Mọi người thật sự chịu làm như vậy, đó mới là trí huệ, không chịu làm như vậy là tham lam. Sự tham muốn quá nặng thì làm sao họ chịu rời bỏ sự an lạc hạnh phúc của mình để chịu khổ chịu nạn với người khác. Không thể có.

/ 374