/ 374
436

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 368

Chúng ta tiếp tục xem phần sau, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có trích dẫn một đoạn trong Đại Trí Độ Luận, chúng ta hãy đọc đoạn này: “Kim giả tuy tri tu hành vãng cầu, liễu liễu thức tri lý thể vô cầu, nhưng bất hoại giả danh thị cố bị tu vạn hạnh, cố năng cảm giả” (Nay hành giả tuy biết tu hành cầu vãng sanh, hiểu rõ ràng Lý-thể là vô cầu, nhưng chẳng hoại giả danh, nên tu đủ vạn hạnh. Do đó, cảm được Bồ-đề). Dưới đây trích dẫn lời trong Đại Trí Độ Luận để nói: “Nhược nhân kiến Bát-nhã thị tắc vi bị phược, nhược bất kiến Bát-nhã thị diệc bị phược” (Nếu ai thấy Bát-nhã là bị trói buộc, nếu không thấy Bát-nhã cũng là bị trói buộc). Bốn câu này là nói về mê, hễ tâm đã mê thì không có gì là đúng cả, thấy Bát-nhã là sai rồi, không thấy Bát-nhã cũng sai luôn. Nói ngược lại, nếu đã giác rồi thì việc gì cũng đúng. Cho nên bài kệ dưới đây đã nói, “Nhược nhơn kiến Bát-nhã thị tắc vi giải thoát, nhược bất kiến Bát-nhã thị diệc vi giải thoát” (Nếu ai thấy Bát-nhã, thì tức là giải thoát. Nếu chẳng thấy Bát-nhã thì cũng là giải thoát). Đây chính là sự khác nhau giữa mê và ngộ. Hai bài kệ này giống như công thức toán học vậy, bất luận là để ở chỗ nào cũng đều chính xác.

Từ đó cho thấy điều mong cầu trong Phật pháp chẳng có gì khác là cầu giác ngộ mà thôi, cũng chính là điều đã nói ở phía trước là cầu “thức đạt” mà thôi. Thức là cạn, còn đạt thì sâu, đạt là thông đạt, thức là nhận thức, thông đạt mới sâu. Trong xã hội hiện nay, nhân sĩ tín ngưỡng tôn giáo rất nhiều, quả thật giống như những lời trưởng lão Wahid đã nói, người nhận thức thì nhiều, người hiểu biết thì ít, hiểu biết chính là thông đạt. Không thể hiểu rõ thông đạt thì niềm tin này gọi là mê tín, xã hội đại chúng nói chúng ta làm điều mê tín, chúng ta không thể trách họ được, nếu bạn trách họ thì chính bạn đã sai, tại sao không thể trách họ vậy? Vì hình tượng của tôn giáo hiện nay thật sự là mê tín, lợi ích mà tôn giáo nói là ở kiếp sau, người thông thường xem trọng hiện thực, tôi hiện nay không nhận được lợi ích, kiếp sau thì quá mù mịt, kiếp sau ai biết được có thật hay là giả?

Sự giáo huấn của Phật pháp hiện tại có đạt được lợi ích hay không? Lợi ích trong đời này gọi là hoa báo, giống như cây cối ra hoa, hoa nở thật đẹp, bạn liền nghĩ đến tương lai được quả tốt. Phật pháp nói quả báo hiện tiền là hoa báo, tương lai là quả báo, kiếp sau mới là quả báo, nhân quả thông ba đời. Hồi giáo thì nói nhân quả hai đời, tôi xem kinh Coran thì nhân quả ba đời, tín điều cơ bản của Hồi giáo có sáu điều, trong đó có một điều là “tin tiền định”. Trong kinh nói “Thánh A-la dựa vào tiền định mà tạo ra vạn vật”, thánh A-la tạo ra người này, cho người này được hưởng phước trong đời này, tạo ra người kia, bảo họ đời này chịu tội, thánh A-la có quyền uy tuyệt đối. Vì sao tạo ra người này hưởng phước, người kia chịu tội? Nếu nói dựa vào sở thích của bản thân Ngài vậy là thánh A-la chẳng có công bằng, nếu người này cả đời làm thiện thì đời sau họ sẽ lên thiên đường, cả đời tạo ác thì kiếp sau xuống địa ngục, điều này chẳng có vấn đề gì. Nhưng mà dựa vào tiền định thì câu nói này rất hay, tiền định chắc chắn là nghiệp nhân của đời quá khứ, trong đời quá khứ bạn làm thiện thì đời này bạn hưởng phước, trong đời quá khứ bạn làm việc bất thiện thì bạn phải chịu khổ, Thượng Đế rất công bằng, Thượng Đế rất chánh trực, không có tư lợi, không có thiên vị, tin vào tiền định thì nói thông suốt.

Cho nên khi tôi giao lưu nói chuyện với họ, không phải là hai đời mà là ba đời, mặc dù các bạn không nói luân hồi nhưng chính xác là nhân quả ba đời. Nếu vậy thì bạn sẽ làm cho người ta hoài nghi, bạn khiến cho người ta nghĩ không thông đạo lý này, vạn sự vạn vật đều do tiền định, nếu trong Phật pháp nói tiền định thì có tiền định tuyệt đối, đó là gì vậy? Là Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đây là tiền định, do bạn tạo ra việc bất thiện nên mới có phiền não, mới có vọng tưởng phân biệt chấp trước, những thứ này trong tâm thanh tịnh của tự tánh thì chẳng có. Vốn là không có phân biệt, vốn là không có chấp trước, không có vọng tưởng, vốn là không có, tại sao bây giờ lại có? Cái này gọi là tập khí, Phật pháp và nhà Nho gọi là tập tánh, tập tức là bạn học tập, gọi là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, vì vậy giáo dục mới hưng khởi, tại sao phải giáo dục? Là do tập khí, đây là vấn đề lớn không thể không xem trọng, không phải là một vấn đề nhỏ. Đối với cá nhân mà nói, một đời của bạn giàu nghèo quý tiện là do tập tánh làm chủ, đối với xã hội mà nói, sự an toàn của xã hội, sự nối tiếp của chủng tộc quốc gia có quan hệ rất lớn với tập tánh.

/ 374