/ 374
529

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 367

Xin chào chư vị đồng tu, hôm nay chúng ta tiếp tục xem phần “Thượng Bối Vãng Sanh”. Trong chú giải, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trích một vài câu trong Tịnh Độ Luận:

Vị Bồ-đề tâm, tức nguyện thành Phật độ sanh, nhiếp thủ chúng sanh vãng sanh Tịnh Độ chi tâm, thử tâm sơ khán, tự giảo tiền tâm dị ư phát khởi, thực diệc bất nhiên. Cái dĩ Tịnh Độ vãng sanh pháp môn thực vi nan tín chi pháp, tín tâm vị sanh hà năng phát tâm” (Tâm Bồ-đề chính là tâm nguyện thành Phật độ sanh, nhiếp thủ chúng sanh vãng sanh Tịnh Độ. Nhìn sơ qua, tâm này cũng khá giống với tâm trước nên cho là dễ phát khởi, thật sự không phải như vậy. Bởi vì pháp môn Vãng Sanh Tịnh-độ, quả thật là pháp khó tin. Tín tâm chưa sanh thì làm sao phát tâm được)

Chúng ta xem đoạn này, ở đây nói đến phát Bồ-đề tâm, nói đến pháp môn Tịnh Độ, từ đó cho thấy, pháp môn Tịnh Độ tuyệt đối không phải là chỉ có niệm A Di Đà Phật thì có thể vãng sanh, không có cái đạo lý này. Trong Yếu Giải của Đại sư Ngẫu Ích nói với chúng ta, “Có thể vãng sanh hay không, quyết định bởi có tín nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp là do công phu trì danh sâu hay cạn.” Lời nói này rất là rõ ràng, vì vậy vãng sanh nhất định phải có đầy đủ tín nguyện hạnh, nếu như tín nguyện của bạn không vững vàng, không khẩn thiết, thì Phật hiệu có niệm nhiều hơn nữa cũng không thể vãng sanh.

Chúng ta xem trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện, thậm chí bạn tỉ mỉ quan sát, trước mắt chúng ta những người niệm Phật trong thời đại này, có người thật sự vãng sanh, những người thật sự vãng sanh thường là những người không biết chữ, cũng chẳng học qua kinh điển, ngược lại họ chiếm đa số, đây là do nguyên nhân gì? Nhân có gần có xa, nguyên nhân gần là họ thật thà, họ được giới thiệu cõi Tịnh Độ, họ không hoài nghi, tin đó là sự thật; họ cảm thấy thế gian này quá khổ, họ thật sự cầu vãng sanh, kết quả là họ được vãng sanh, đây là nhân gần.

Tại sao mới tiếp xúc thì họ có niềm tin sâu như vậy, có nguyện tha thiết như vậy? Vậy hãy xem nhân xa, nguyên nhân xa là nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ họ đã tích lũy thiện căn phước đức nhân duyên, không phải chỉ trong một đời này. Nếu như quá khứ không có thiện căn phước đức, trong đời này gặp được duyên thì cái tâm đó cũng không thể phát ra được, quý vị nên biết điều này. Tâm tin sâu nguyện thiết này chính là tâm đại Bồ-đề, bản thân họ có biết hay không? Họ không biết, chính họ không biết, nhưng thực tế thì chính mình đã phát tâm đại Bồ-đề rồi, cho nên họ được vãng sanh, điều này không phải là ngẫu nhiên. So sánh với họ thì chúng ta kém hơn họ rất nhiều, tuy là chúng ta học kinh điển rất nhiều, nhưng tín nguyện đối với Tịnh Độ lúc có lúc không, đối với thế gian này vẫn còn tham luyến vô cùng, không buông xả được, điều này là ngu si, là vô minh.

Bạn nghĩ ở thế gian này có cái gì có thể mang theo được hay không? Thậm chí ngay cả thân thể này cũng không mang theo được, huống hồ là những vật ngoài thân. Đời người ngắn ngủi, khổ đau, một trăm năm nghe nói tưởng như là rất dài, thật ra chỉ trong một khảy ngón tay, người còn trẻ thì chưa cảm nhận được, người khoảng 50-60 tuổi trở lên có tính cảnh giác cao thì hiểu rõ điều này. Người không lanh lợi thì đến 60-70 tuổi họ sẽ giác ngộ, tại sao vậy? Vì cận kề với cái chết, nhìn thấy bạn bè, người thân của mình, bạn học, đồng nghiệp từng người lần lượt ra đi, dần dần thì như thế nào? Dần dần thì đến bản thân mình, đặc biệt là những người ở viện dưỡng lão, tôi đã hỏi thăm nhiều người ở viện dưỡng lão, những người sống ở viện dưỡng lão thì đời sống tinh thần rất kém, tâm trạng không được tốt. Chúng tôi đến thăm họ, họ nói chúng tôi ở đây ăn để chờ chết, lời nói này là thật không phải giả. Cho nên người Hoa từ xưa đến nay xem trọng việc nuôi dưỡng người già, để người già sống vui vẻ, sống hạnh phúc, điều này là đại công đức cũng là đại học vấn.

Xã hội hiện nay vì không xem trọng luân lí đạo đức, cho nên cha con không thân thiết. Trong luân lí của người Trung Quốc, cha con thân thiết nhau, hiện nay thì không còn nữa. Vua tôi không có nghĩa, vợ chồng không có trọng trách riêng biệt, đã loạn rồi, thế gian này đại loạn rồi. Thế gian này loạn, đời sống con người sẽ khổ, người trẻ đã khổ, người già càng khổ hơn, điều này bạn có thể nhìn thấy được. Nhà Phật gọi là hoa báo, chết rồi thì càng khổ hơn, chết rồi thì đọa vào ba đường ác, đó là quả báo. Bạn nói xem sự việc này đáng sợ biết bao, pháp thế xuất thế gian đều phải nhờ giáo dục thì mới thành tựu, không có giáo dục thì đừng bàn đến chuyện thành tựu, đây là điều mà người Trung Quốc hiểu rõ nhất, thành thạo nhất. Tổ tiên năm ngàn năm trước cũng đã hiểu rõ, cho nên vô cùng xem trọng giáo dục. Thời xưa, sự giáo dục này là giáo dục của cha mẹ đối với con cái, từ sự giáo dục này dần dần phát triển đến giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội, giáo dục tôn giáo.

/ 374