/ 374
383

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 366

Chúng ta tiếp tục xem cổ nhân đặc biệt nhấn mạnh ở chỗ “thức đạt hữu vô” (nhận thức được có và không), phải hiểu rõ, phải thông đạt, đây là nền tảng tín ngưỡng của chúng ta. Chân thật thông đạt hiểu rõ thì đối với việc giải hành của bản thân chúng ta mới có niềm tin vững chắc. Tôi đã gặp qua một số người, dạng người này rất nhiều, hoài nghi chính mình, thật sự có thể thành tựu hay không? Hay nói cách khác, đối với sự tu học của chính mình hoàn toàn không có niềm tin, tuy là hằng ngày vẫn nỗ lực tu học, do không đủ niềm tin, nửa tin nửa ngờ, thậm chí sự lo ngại này càng lúc càng nặng, điều này không những chướng ngại việc vãng sanh, đồng thời cũng chướng ngại bạn giác ngộ, đóng chặt cánh cửa ngộ lại.

Phía sau tham sân si phiền não này là nghi, nghi thì không thể hiểu rõ thông đạt. Cho nên Thế Tôn từ bi vì mọi người mà giảng kinh hơn 300 hội, thuyết pháp 49 năm, vì sao vậy? Chính là vì sự việc này giúp mọi người phá mê sanh tín, chính là vì điều này. Sự hoài nghi không còn nữa thì tín tâm mới có được, “tín là nguồn đạo, là mẹ của tất cả công đức, trưởng dưỡng tất cả thiện căn”, đều từ nơi tín tâm mà có được. Phật pháp và thế gian pháp không phải là hai pháp, trong Phật pháp yêu cầu bạn phải có được tín tâm, pháp thế gian cũng là như vậy. Hai mươi mấy năm về trước, lúc đó tôi đang ở Mỹ, có một lần bị bệnh cảm, các vị đồng tu đưa tôi đi khám bác sĩ, bác sĩ là người Hoa, chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều. Ông tin là giữa bác sĩ và bệnh nhân là có duyên với nhau, tôi trả lời là đúng như vậy, trong cái duyên này, điều quan trọng nhất là niềm tin, bệnh nhân có niềm tin vào bác sĩ, có niềm tin vào cách điều trị, có niềm tin vào thuốc trị bệnh, vậy thì uống thuốc mới hết bệnh. Nếu người bệnh này không có niềm tin vào bác sĩ, vẫn hoài nghi đối với thuốc điều trị, cũng không có niềm tin vào loại thuốc trị bệnh, cho dù vị bác sĩ này là giỏi bậc nhất, thuốc tốt nhất, người khác uống thì có tác dụng nhưng họ uống thì không có tác dụng. Vị bác sĩ này rất thông minh, nghe lời tôi nói, ông gật đầu tin tưởng, không sai, tín tâm thành tựu được tất cả.

Cho nên trong Đại kinh, Phật nói “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, rất là tuyệt vời, xác thực là tâm chúng ta nghĩ thiện thì không có một pháp nào bất thiện, tâm nghĩ bất thiện thì không có một pháp nào là thiện. Những người bi quan yếm thế nhìn xem thế sự việc gì ở gian này cũng đều chán ghét, những người lạc quan, hoan hỷ vì chúng sanh phục vụ, nhìn thấy thế gian này cái gì cũng đều tốt đẹp. Hoan hỷ thì tâm từ bi hiện tiền, từ chỗ này chúng ta thật sự thể hội được, cảnh chuyển theo tâm. Cho nên tôi thường hay nói, người tu hành, công phu có đắc lực hay không thì nhìn vào chỗ nào? Là nhìn vào tướng mạo của bạn, nhìn vào thể chất của bạn, vì sao vậy? Tâm nghĩ thì cảnh giới đầu tiên chuyển chính là thân thể của chính mình, thân thể của chúng ta không thể chuyển thì cảnh giới ở bên ngoài bạn làm sao mà chuyển được? Công phu thật sự đắc lực thì tướng mạo sẽ chuyển đổi, thể chất cũng thay đổi, nếu bạn thật sự thông đạt chân tướng sự thật này thì bạn có bị bịnh không? Không có, bịnh từ đâu mà ra? Bịnh là do hoài nghi mà có, từ việc không có niềm tin mà ra, nguyên nhân trực tiếp chính là tham sân si. Tham sân si gọi là tam độc, trong tâm của bạn đã có độc thì không thể khỏe mạnh, thì sẽ bị bên ngoài ảnh hưởng, bởi vì bên ngoài có phong hàn, nói theo hiện nay là do vi khuẩn gây bịnh cho nên bạn rất dễ bị bịnh. Nếu bên trong không có tham sân si, tâm của bạn là chân thành thanh tịnh bình đẳng giác, cho dù có vi khuẩn gì ở bên ngoài thì bạn cũng không bị nhiễm bịnh, bạn sẽ không bị bịnh. Có bị bịnh thì cũng không cần dùng thuốc để trị bịnh, dùng tâm lý trị liệu. Bỏ tham sân si, bỏ tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước, tăng cường chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, giác cho bạn là cách trị liệu tốt nhất.

Bạn có thể thật sự thông đạt có và không thì không những là bịnh chẳng có mà sanh tử cũng chẳng có, sanh tử từ đâu mà có? Bản thân mình giống như Phật Bồ-tát, trong mười pháp giới xả thân thọ thân, thật sự là chúng sanh có cảm thì bạn liền có ứng, dùng ứng thân này, dùng công cụ này. Công cụ này, ứng thân này là có, để làm gì? Hiện nay chúng ta nói, vì tất cả chúng sanh khổ nạn mà phục vụ, không vì chính mình, tại sao không vì chính mình? Chính mình chẳng có, chính mình đã giải thoát rồi, nhất định không còn chấp trước phân biệt ngã nhân, chúng sanh, thọ giả nữa. Không còn chấp trước nữa, không chấp trước tức là đã lìa bốn tướng, không phân biệt tức là đã lìa bốn kiến, vì tất cả chúng sanh khổ nạn mà phục vụ, cái gì gọi là chúng sanh khổ nạn? Vẫn chưa buông bỏ phân biệt, vẫn chưa buông bỏ chấp trước, đó chính là chúng sanh khổ nạn. Chưa buông bỏ phân biệt là khổ, chưa buông bỏ chấp trước thì có nạn.

/ 374