/ 374
319

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 365

Xin chào chư vị đồng tu, xin xem phẩm hai mươi bốn “Tam Bối Vãng Sanh”, đoạn thượng phẩm vãng sanh. Cổ Đại đức nói với chúng ta rất nhiều, đối với những người mới bắt đầu học rất có lợi ích, cho nên chúng ta hãy nên xem nhiều, học tập nhiều.

Hôm nay tiếp tục xem phần giải thích của “phát tâm hữu dị” (phát tâm có sai khác không như nhau), đây là hiện tượng phổ biến hiện nay của chúng ta. Hiện tượng này không những hiện nay có, mà từ xưa đến giờ, trong chín pháp giới, sự phát tâm thực sự là không giống nhau, cho nên tình trạng vãng sanh cũng không giống nhau, phẩm vị vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc cũng không giống nhau. Đây cũng chính là nói trong Nhất Chân pháp giới tại sao vẫn còn nhiều cấp bậc như vậy. Từ sự chú giải này chúng ta có thể hiểu rõ, có thể thông suốt, sự khác biệt lớn là có hai loại, phát tâm có hai loại khác nhau.

Loại thứ nhất là “sơ giả, hành giả ư nhân địa trung, cụ phát dĩ hạ chi tam chủng tâm” (Xưa kia hành giả khi còn ở nhân địa đã phát đầy đủ ba loại tâm như sau), ‘cụ’ là có đủ, là phát ba loại tâm như sau. Thứ nhất là “tu thức hữu vô, yếu tu thức đạt hữu vô, tùng bổn dĩ lai tự tánh thanh tịnh” (phải nhận thức được có và không, phải thông đạt được cái nào vốn có, cái nào vốn không, từ xưa đến nay tự tánh thanh tịnh), điều này đã nói ở phần trước. Ở đây lại nói “Dữ liễu đạt tùng bổn dĩ lai, tự tánh thanh tịnh, tự tánh bổn tịnh, tự tánh bổn thiện” (Cũng hiểu được rằng từ xưa đến nay tự tánh vốn thanh tịnh, tự tánh vốn tịnh, tự tánh vốn thiện). Cổ Thánh tiên Hiền đã nói, nhà Nho truyền thừa nền giáo dục của họ đã nói “nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Tự tánh vốn thanh tịnh, tự tánh vốn là thiện, điều này là chắc chắn, nhất định phải từ chỗ này mà xây dựng tín tâm cho mình.

Pháp thế xuất thế gian trong vũ trụ thay đổi không ngừng, đều không lộ ra tâm thanh tịnh của tự tánh. Nếu có tâm thanh tịnh của tự tánh thì cảnh giới hiện ra là Nhất Chân, là Hoa Tạng, là Cực Lạc. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm chính là Cực Lạc Tịnh Độ. Lời này không phải là tôi nói, là do thiền sư Trung Phong nói. Ngài nói “Nơi đây là Tịnh Độ, Tịnh Độ là nơi đây”. Người thế gian chúng ta thì nói phương này là cõi người, súc sanh thì nói phương này là cõi súc sanh, ngạ quỷ thì nói phương này là cõi ngạ quỷ, ở địa ngục thì nói phương này là cõi địa ngục.

Thập pháp giới y chánh trang nghiêm chính là Tây Phương Tịnh Độ. Lời này nói ra chúng ta không hiểu, nơi này đã là Tịnh Độ thì cớ gì chúng ta phải niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ? Điều này không phải là mâu thuẫn sao? Cách nói này là nói lý, từ trên lý mà nói thì không có sai chút nào, Tây Phương và nơi này là cùng một pháp tánh, cùng một pháp tánh thanh tịnh thì làm gì có hai loại chứ? Xuất hiện hai loại là do mê và ngộ, người ngộ thì thấy mười pháp giới y chánh trang nghiêm, tự tánh thanh tịnh đồng nhất, người mê thì thấy hoàn toàn khác nhau, tịnh và uế khác nhau rất nhiều. Tây Phương là Tịnh Độ, nơi đây là uế độ, địa ngục nhiễm ô, nhiễm uế đến cực độ, không ngờ rằng sự khác biệt này chính là “duy thức sở biến” (do thức biến ra) mà Thế Tôn đã nói trong Đại kinh.

Duy thức dù biến đổi như thế nào cũng không thể biến đổi được bản thể, bản thể là gì vậy? Là tự tánh thanh tịnh, tự tánh bình đẳng, vốn là giác, những điều này ở trong mười pháp giới vĩnh viễn không thay đổi. Cho nên trong Khởi Tín Luận có nói “bản giác vốn có”, không thay đổi; “bất giác vốn không”, hễ có thay đổi thì không phải là thật, không thay đổi thì mới là thật, phải hiểu cái đạo lý này. Cho nên phát tâm thì không thể không rõ lý, sự phát tâm của bạn có lý luận để căn cứ thì mới gọi là chánh tín, sự phát tâm y theo tự tánh thì mới gọi là chân tín. Sự phát tâm này của chúng ta là lấy ý thức làm căn cứ.

Hôm nay chúng tôi nói về sự nhận thức, nhận thức là sự phân biệt chấp trước của ý thức, đó không phải là chân tín, cái tín tâm này không đáng tin cậy, ít nhất là phải chánh tín. “Thức đạt hữu vô, thật vi ngộ tâm chi huyền quan” (Nhận thức được có và không, đó thật là cửa mầu để ngộ tâm), điều này nói lên Phật pháp xem trọng việc khai ngộ. Từ xưa đến nay việc giáo dục cũng xem trọng ở việc khai ngộ, trước đây giáo viên trường tư thục quan sát học trò, em nào có ngộ tánh cao thì vừa nói các em liền hiểu rõ, có những em chưa có ngộ tánh, bạn nói với họ thì họ cũng không hiểu, họ chẳng biết ý nghĩa của đạo lý, cũng chẳng biết cách áp dụng vào trong cuộc sống, hay nói cách khác họ không có được sự thọ dụng.

/ 374