/ 374
342

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 364

Cổ đức thường nói với chúng ta, phát tâm phải có đủ ba sự việc thì mới là chân thật phát khởi Bồ-đề tâm. Bồ-đề tâm quả nhiên thật sự phát khởi thì quả đức rất thù thắng. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Viên Giáo Sơ Trụ Bồ-tát gọi là phát tâm trụ, do vậy mới biết, Bồ-tát Thập Tín Vị là chưa phát Bồ-đề tâm. Tuy là có trí huệ, rất thông minh, có thể nói là họ đang trong giai đoạn nhập môn đại Bồ-đề tâm, vẫn chưa phát Bồ-đề tâm, nếu phát thì liền ra khỏi mười pháp giới, liền đến Nhất Chân pháp giới, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, đạo lý này chúng ta phải biết.

Khi tôi giảng Kinh Hoa Nghiêm, thể hội được một sự việc, cổ đức nói Bồ-tát Thất Tín Vị, số lượng đoạn chứng phiền não ngang bằng với A-la-hán. Hướng lên phía trên là Bát Tín, Bồ-tát Bát Tín thì kiến tư phiền não đã đoạn rồi, kiến tư tập khí thì vẫn chưa đoạn, ngang bằng với Bích-chi Phật. Bồ-tát Cửu Tín Vị thì ngang bằng với Bồ-tát. Bồ-tát trong Tứ Thánh pháp giới thì kiến tư phiền não không con nữa, các Ngài đang đoạn trần sa phiền não. Cao nhất là địa vị thứ mười, trong Thập Tín thì tín tâm đã viên mãn rồi, trần sa phiền não đã đoạn hết rồi, lúc này thì phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân, các Ngài vượt ra khỏi mười pháp giới, khế nhập vào Nhất Chân pháp giới. Bồ-tát Viên Giáo Sơ Trụ phát tâm trụ, điều này chúng ta đã thấy trong Kinh Hoa Nghiêm.

Do vậy mới biết Bồ-tát Thập Tín Vị đối với việc tu học phát Bồ-đề tâm nhất định có đủ ba điều kiện. Thứ nhất là “yếu tu thức đạt hữu vô tùng bổn dĩ lai tự tánh thanh tịnh” (Phải nhận thức rằng có và không từ xưa đến nay tự tánh thanh tịnh), điều nay là nhìn thấu. Thức là nhận thức, đạt là thông đạt, bạn có sự nhận thức, thông đạt, hiểu biết này. ‘Tự tánh thanh tịnh’, bạn phải khẳng định tự tánh bình đẳng, tự tánh vốn là giác. Vậy thì tại sao hiện giờ không tịnh, tại sao không bình, tại sao không giác? Đây gọi là mê, trong Phật pháp gọi là gì? Là vô minh che đậy mất mất chân tâm cho nên tánh đức không lưu lộ ra được, nhưng mà bạn phải khẳng định tánh đức vốn có, chỉ là bị những điều này chướng ngại mà thôi. Trong chốc lát thì bạn tìm thấy được công phu tu hành, phương pháp, cách thức, mục tiêu tất cả bạn đều hiểu rõ, bạn liền biết được dụng công ở chỗ nào, đều không ngoài việc diệt trừ tập khí phiền não mà thôi.

Về phương diện này, ở trong các buổi giảng, chúng tôi thường khuyên các vị đồng tu phải từ sâu nơi nội tâm của chính mình mà đem cái ý niệm từ trước đến nay là ưa thích khống chế tất cả người việc vật bỏ đi, không nên có, đây là phiền não tập khí. Không nên có cái ý niệm khống chế tất cả người việc vật, càng không nên có ý niệm chiếm hữu tất cả người việc vật, cũng không nên có ý niệm đối lập với tất cả người việc vật. Có người hỏi tôi cái gì là gốc rễ của vô minh? Tôi liền dùng mấy câu này trả lời họ, chính là tập khí từ sâu nơi nội tâm của chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay đều là muốn khống chế, đều là muốn chiếm hữu, đều là muốn đối lập với người. Chỉ cần có những ý niệm này, những ý niệm này ẩn náu trong ý thức, đây không những là vọng tâm, xin thưa với quý vị, đây chính là tâm của lục đạo luân hồi. Cái ý niệm này bạn không trừ bỏ đi thì làm sao bạn có thể ra khỏi lục đạo, làm sao bạn có thể khai ngộ, làm sao bạn có thể hiểu được chân tướng của vũ trụ nhân sinh? Tuy là Phật đã buốt lòng rát miệng nói thiên kinh vạn luận, nhưng bạn vẫn không giác ngộ, nguyên nhân là vì sao vậy? Chính là ba câu đã nói ở phía trước, đó chính là nguyên nhân chân thật, nếu trừ bỏ ba câu này đi thì quí vị sẽ được đại tự tại, sẽ thật sự được giải thoát. Trong Tam Đức Mật Tạng đã nói pháp thân Bát-nhã giải thoát, ba điều này không thể xem thường, chúng là chướng ngại rất nghiêm trọng. Cổ đức nói phải nhận thức được có và không, đây là trí huệ, trí huệ chân thật. Những thứ nào mới có? Tự tánh thanh tịnh là cái vốn có; nhiễm ô, mê hoặc, bất bình vốn là không có, cho nên tất cả phiền não tập khí vốn là không có.

Cái gốc của phiền não tập khí, gốc rễ của gốc rễ chính là cái ngã, cái ngã có hay không? Không có. Trong Kinh Kim Cang nói “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, không những không có hình tướng, mà cả ý niệm cũng không có. “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, trước tiên bạn phải hiểu rõ ràng thông suốt thì bạn sẽ không bị ngoại cảnh xoay chuyển. Bổn giác là vốn có, nên chúng ta khẳng định là chúng ta có thể khôi phục lại bổn giác. Bất giác vốn không có, phiền não tập khí vốn không có thì chúng ta có niềm tin là có thể đoạn phiền não, có thể đoạn được tập khí. Tuy là nói như vậy, nhưng trên thực tế thật sự là không đơn giản, do nguyên nhân gì vậy? Đã nhiễm tập khí trong thời gian quá lâu quá dài rồi, vô lượng kiếp đến nay đã nuôi dưỡng thành tập khí. Nói trên lý là có thể đoạn, một niệm giác ngộ thì lập tức đã đoạn rồi, trên lý là như vậy, tại sao trên sự thì lại khó như thế? Khó là do tập khí khó đoạn, còn vấn vương không đoạn được, giống như ngó sen tuy đã đứt đoạn rồi nhưng tơ của nó vẫn còn. Cho nên chỉ cần một niệm bất giác, phiền não tập khí lập tức khởi hiện hành, sự việc này khó, công phu tu hành chính là ở chỗ này, niệm niệm phải giác.

/ 374