/ 374
377

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 363

Kính chào chư vị đồng tu, hôm qua giảng đến ba thân Bồ-đề: pháp thân Bồ-đề, báo thân Bồ-đề, ứng hóa thân Bồ-đề.

Pháp thân vốn có là thuộc về tánh đức, báo thân chính là tu đức, trong Phật pháp thường nói “tu đức hữu công, tánh đức phương hiển” (tu đức có công phu thì tánh đức mới hiển lộ), ý nghĩa của câu nói này rất sâu. Chúng sanh trong sáu nẻo từ vô lượng kiếp đến nay đã mê mất tự tánh cho nên tánh đức không hiển lộ. Thực tại mà nói tánh đức không phải là không hiển lộ, nó đã biến chất rồi, biến thành cái gì? Biến thành phiền não, biến thành bất thiện nghiệp. Tánh đức đã biến chất, một cái đã biến chất thì tất cả đều biến chất, đến cả pháp giới cũng đều biến chất.

Thực tế mà nói pháp giới không có biến chất, giống như Thế Tôn đã nói trong Kinh Lăng Nghiêm, “mắt có màng”, cho nên toàn bộ chân tướng sự thật đều bị bóp méo, phải làm sao để hồi phục? Phải dựa vào việc tu lý, hỏng rồi thì phải tu, tu lý để hồi phục lại nguyên trạng, như vậy mới được. Tu điều gì? Là chỉnh sửa lại điều sai lầm, phàm hễ tương ưng với đức tánh thì là chính xác, trái ngược với đức tánh thì đó là điều sai lầm, đạo lý này không thể không biết.

Đại sư Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay, trong tánh “xưa nay vốn không có một vật”, điều này là gì? Là tâm thanh tịnh, là giác tánh, trong giác tánh không có một vật, trong tâm thanh tịnh không có một vật, trong tâm bình đẳng không có cao thấp, không có thị phi nhân ngã. Có nhân ngã thì không có bình đẳng, giống như trong Kinh Kim Cang đã nói, không những không có tứ tướng mà tứ kiến cũng không có, ‘kiến’ là ý niệm. Hiện nay chúng ta có ý niệm, có ý niệm chính là có vô minh; có phân biệt, có chấp trước chính là có tạo tác. Vậy thì hiện nay chúng ta phải như thế nào? Phải đem chấp trước, phân biệt, vô minh thảy đều buông bỏ. Sự buông bỏ này chính là tu, tu đức có công, cái công này chính là công phu, công phu là gì? Là thật sự buông bỏ.

Thế nhưng sự buông bỏ này có buông bỏ từng phần, không phải buông bỏ hoàn toàn. Cho nên trong quá trình tu học, Tiểu Thừa thì có tứ quả tứ hướng, Đại Thừa thì có 55 thứ bậc, 55 thứ bậc này là thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, tứ gia hạnh, thập địa, đẳng giác. Kinh Lăng Nghiêm nói đến vị thứ của Bồ-tát, tại sao lại có những vị thứ này? .Là do buông bỏ nhiều hay ít khác nhau, buông bỏ càng nhiều thì thứ bậc càng cao, buông bỏ ít thì thứ bậc càng thấp.

Chúng tôi xin nói vị thứ thấp nhất, Bồ-tát Viên Giáo Sơ Tín Vị thì phải buông bỏ bao nhiêu? Tám mươi tám phẩm kiến hoặc thuộc tam giới của kiến tư phiền não phải buông bỏ. Sơ quả Tiểu Thừa cũng phải buông bỏ như vậy. Sơ Tín cùng với Sơ quả Tiểu Thừa đều đoạn hoặc, chính là đoạn phiền não, buông bỏ phiền não đều bằng nhau, nhưng trí huệ đức tướng lại không như nhau. Tiểu Thừa có so sánh cũng không thể sánh bằng Đại Thừa, đây là do nguyên nhân gì? Một cái là tâm lượng nhỏ, một cái là tâm lượng lớn, nguyên nhân là ở chỗ này. Người Tiểu Thừa thì tâm lượng nhỏ, người Đại Thừa thì tâm lượng lớn, nên gọi là đại tâm phàm phu, đại tâm phàm phu thì đã buông bỏ kiến hoặc.

Kiến hoặc có 88 phẩm, Phật Bồ-tát quy nạp 88 phẩm này thành 5 loại lớn: thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến. Năm loại lớn này thảy đều buông bỏ, nếu tâm lượng lớn thì họ là Bồ-tát Đại Thừa Viên Giáo Sơ Tín Vị. Tâm lượng nhỏ thì họ trở thành Tiểu Thừa Tu-đà-hoàn. Đây cũng không phải là người phàm, vì sao vậy? Những người như vậy tuy là chưa ra khỏi lục đạo, nhưng chắc chắn là họ không bị đọa vào tam đồ, vì sao? Vì tuy là có nghiệp nhân của ba đường ác, nhưng duyên của tam đồ đã đoạn rồi, quí vị phải nên biết, có nhân nhưng không có duyên thì sẽ không kết thành quả, nhân phải hợp với duyên thì quả báo mới hiện tiền. Bởi vì những người này đã đoạn duyên của ba đường ác rồi, tu đức có công, cái công này là cái công nhỏ, nó vẫn có tác dụng. Người Tiểu Thừa lên trời xuống cõi người bảy lần thì chứng quả A-la-hán, 81 phẩm tư hoặc của cửu địa tam giới đã đoạn rồi, tham sân si mạn nghi không còn nữa. Bồ-tát Thất Tín trong Thập Tín vị của Đại Thừa cùng với A-la-hán của Tiểu Thừa là đoạn hoặc bằng nhau, nhưng trí huệ đức tướng thì A-la-hán không thể sánh bằng, cái lý và sự này đều phải thông suốt, đều phải hiểu rõ.

/ 374