/ 374
334

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 362

Trong đại kinh nói đến “phát Bồ-đề tâm”, câu nói này trong kinh luận Đại Thừa đã nói rất nhiều, nói rất tường tận. Tuy là nói nhiều, nói tường tận nhưng không nhất định ai xem cũng có thể hiểu được, cũng không thể khẳng định ai cũng có thể thể hội được, đây là nguyên nhân gì? Trong nhà Phật có thuật ngữ gọi là “nghiệp chướng”, hay nói cách khác, bản thân chúng ta có chướng ngại, sự chướng ngại này chung quy là không bỏ được vọng tưởng phân biệt chấp trước. Vọng tưởng phân biệt chấp trước là ba đề mục, trong mỗi một câu, lý sự cảnh giới cũng phức tạp vô cùng, mức độ phức tạp không có cách nào tưởng tượng được, có giác có mê. Thực tại mà nói, tâm thể của Bồ-đề tâm không có giác mê, thật hiếm có.

Bản chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã đem những cách nói của cổ Đại đức liên quan đến Bồ-đề tâm, có thể nói là những phần tinh hoa nhất, quan trọng nhất đã được Ngài đã trích lục ra, Ở đây chúng tôi không thể nói tường tận, câu này mà giảng giải tường tận thì có giảng hai tháng cũng giảng không xong, như vậy thì lãng phí thời gian, cũng e là các đồng tu mới học Phật nghe sẽ chán, cho nên chúng tôi chỉ có thể chọn điều quan trọng nhất, có thể giúp cho chúng ta thức tỉnh trong cuộc sống hằng ngày. Hy vọng chúng ta trước hết có sự nhận biết vô cùng quan trọng, nhận biết chính là “nhìn thấu” mà năm xưa Đại sư Chương Gia dạy cho tôi, có nhận biết thì sau đó bạn mới có thể thực hiện. Thực hiện chính là buông xuống.

Nói đến danh thể của Bồ-đề tâm, chúng ta biết được có pháp thân Bồ-đề, báo thân Bồ-đề, ứng hóa thân Bồ-đề. Phật có ba thân, lời nói này là phương tiện mà nói. Trong Phật pháp thường nói “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”, hễ có lời nói thì đều là phương tiện mà nói. Không những là lời nói, hễ có sự tướng cũng là phương tiện, nên gọi là “muốn dùng thân gì để độ thoát thì hiện thân đó”. Nói tóm lại chúng sanh có cảm thì ai có ứng? Thì Bồ-đề tâm khởi tác dụng, Bồ-đề tâm chính là Phật, cho nên chúng sanh có cảm thì Phật có ứng. Giống như thí nghiệm đối với nước của tiến sĩ Giang Bổn Thắng vậy, nước là khoáng vật, thể của nó là gì? Thể của nó là Bồ-đề tâm, nó chính là pháp thân, chúng sanh có cảm thì nó có ứng, chúng sanh dùng thiện ý để cảm thì kết tinh của nước để ứng vô cùng đẹp, chúng sanh dùng ác niệm để cảm thì hình dáng hiện ra của nước rất là xấu. Có cảm thì có ứng, có cảm là có tâm vọng tưởng phân biệt chấp trước, nhưng mà cái ứng của tâm tánh là không có tâm, nếu tâm tánh có tâm thì không thể ứng. Giữa người với người chúng ta, tôi có cảm tại sao bạn không có ứng? Vì tôi dùng vọng tâm, bạn cũng dùng vọng tâm nên không thể ứng, nếu tôi có vọng tâm, bạn không có vọng tâm, tôi có cảm thì bạn có thể ứng. Trong Bồ-đề tâm không có vọng tưởng phân biệt cháp trước, cho nên nó có thể cảm ứng tất cả chúng sanh tận hư không khắp pháp giới, cảnh giới này không thể nghĩ bàn.

Phàm phu đã mê mất Bồ-đề tâm, Bồ-đề tâm biến thành cái gì? Pháp tướng tông đã nói biến thành 8 thức, 51 tâm sở, sau khi mê thì biến thành những thứ này. A-lại-da thức là vọng tưởng, Mạt-na thức là chấp trước, sáu thức phía trước đều là phân biệt, phân biệt nặng nhất là ý thức thứ sáu. Nếu nói trên lý thì tám thức cả thảy đều có vọng tưởng phân biệt chấp trước, không những tám thức đều có mà trong 51 tâm sở cũng đều có đủ. Vì sao tổ sư Đại đức nói cái thức này là chủ phân biệt, cái thức kia là chủ chấp trước? Đó là nói thiên về một bên, chứ cả thảy đều có, có thức thì có nhiều hơn một chút. Hết thảy thức đều có phân biệt, nhưng thức thứ sáu thì phân biệt nhiều; tất cả thức đều có chấp trước, nhưng thức thứ bảy chấp trước nhiều một chút; tất cả thức đều có vọng tưởng, nhưng vọng tưởng của A-lại-da da thức thì nhiều một chút, ý nghĩa là như vậy, hoàn toàn là dễ hiểu.

Nơi thân của tất cả chúng sanh, chúng ta có ba thân hay không? Có, làm sao mà không có chứ? Không những chúng ta có, mà loài bò bay máy cựa, côn trùng kiến muỗi cũng có, đều bình đẳng, chúng sanh và Phật bình đẳng. Bạn thấy trong kinh không có nói Phật và chúng sanh bình đẳng, mà nói chúng sanh và Phật bình đẳng. Lời nói này chẳng qua là dạy cho chúng ta giác ngộ. Phật là bậc cao thượng nhưng chúng sanh còn cao hơn Phật, nói chúng sanh trước rồi mới nói Phật là biểu thị điều gì? Khiêm nhường hạ mình, không có một chút ngạo mạn. Nói “Phật và chúng sanh bình đẳng” thì điều này hiển thị Phật ở trên cao, chúng sanh ở dưới thấp. Đảo ngược lại nói “chúng sanh và Phật bình đẳng” thì hiển thị Phật khiêm nhường hạ mình, đây là sự thật. Người càng có trí huệ, người càng có đức hạnh, người càng cao thượng thì biểu hiện ra càng khiêm nhường, đây là sự lưu lộ của tánh đức. Trong lời dạy bảo của Phật là chỉ dạy cho chúng ta, nhắc nhở chúng ta.

/ 374