/ 374
484

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 361

Xin chào chư vị đồng tu, chúng ta tiếp tục xem kinh văn phẩm thứ hai mươi bốn “Tam Bối Vãng Sanh”, đoạn thứ nhất, thượng phẩm thượng sanh:

 “Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”.

Từ đây mà biết, thật sự mong muốn ngay trong đời này, đạt được thành tựu cứu cánh viên mãn thì gia phải xả, phải buông bỏ mọi ham muốn. Chúng ta nhìn xem Thích-ca Mâu-ni Phật đã thị hiện cho chúng ta, Ngài làm tấm gương cho chúng ta, 19 tuổi thì Ngài “xả gia khí dục” để tu đạo, sau khi thành đạo thì hoằng pháp lợi sanh, không trở về nhà nữa. Chúng ta phải từ chỗ này mà suy nghĩ, lại xem Đại Sư Huệ Năng trong Thiền tông, Ngài tiếp xúc với Phật pháp là năm 24 tuổi, là người lợi căn, thật sự là người thượng thượng thừa, tuy là không biết chữ, cũng không có đi học. Năm 24 tuổi thì Ngài rời xa mẹ, cha của Ngài sớm đã lìa đời, hai mẹ con trải qua cuộc sống khó khăn nghèo khổ, nương nhau mà sống. Sau khi nghe được Phật pháp, may mắn gặp được một vị cư sĩ tốt bụng phát tâm thay Ngài chăm sóc mẹ già, để Ngài không còn lo lắng mà đến Hoàng Mai học đạo. Trong Đàn Kinh, chúng ta nhìn thấy, Ngài ở Hoàng Mai được tám tháng, sau khi Ngài được Ngũ Tổ truyền y bát liền trốn về phương Nam ẩn cư trong đám thợ săn hết 16 năm, không trở về nhà.

Điều khó xả nhất của người thế gian là tình thân, nếu bạn không xả được thì bạn sẽ không ra khỏi sáu cõi luân hồi, bạn không thể có được sự thành tựu. Cho nên nhà Phật nói hiếu dưỡng cha mẹ, không giống với pháp của thế gian. Có nhiều vị đồng tu, tôi tin là đã nghe qua câu “Nhất tử thành Phật, cửu tổ thăng thiên”, bạn nói xem đây có phải là hiếu thuận hay không? Hiếu dưỡng của thế gian làm sao có thể sánh được chứ? Một người tu hành được thành tựu rồi thì cửu huyền thất tổ đều được sanh lên trời hưởng phước, đây là nói hiếu dưỡng cha mẹ đến chỗ cùng cực. Bạn rời xa gia đình để đi học đạo, cha mẹ bạn có ai chăm sóc hay không? Bạn thử nghĩ xem, chư Phật Bồ-tát, hộ pháp thiện thần nếu họ không chăm sóc, vậy thì còn gọi là Phật pháp hay sao, còn gọi là học Phật hay sao? Ngay cả phàm phu chúng ta cũng đều nghĩ đến việc này thì Phật Bồ-tát đâu có đạo lí nào không chăm sóc chứ?

Ở Lô Giang chúng tôi đã xây một trung tâm, hy vọng đào tạo vài giáo viên giỏi, điều kiện đầu tiên chúng tôi thu nhận học viên là 10 năm không được rời khỏi trung tâm. Trong những ngày lễ của 10 năm này hoặc gia đình có việc gì quan trọng đều cũng không được về, đây là điều kiện đầu tiên. Thật sự là giống như một tu viện vậy, tuy là bạn không thể về nhà nhưng chúng tôi cũng đã nghĩ đến, cha mẹ thân nhân quyến thuộc của bạn có thể đến trung tâm để thăm bạn, chúng tôi tiếp đãi. Cho nên trung tâm chúng tôi đã mua hai tòa chung cư, hai tòa chung cư hợp lại cũng được ba mươi mấy căn hộ, mỗi căn hộ có ba phòng ngủ và một phòng khách, nhà theo kiểu chung cư dùng để làm gì? Chuyên dùng để tiếp thân nhân của học viên. Điều này phàm phu chúng ta còn biết nghĩ đến thì Phật Bồ-tát đâu có lí nào mà không nghĩ đến đạo lý này? Con cái của bạn xuất gia tu hành thật sự được thành tựu, cha mẹ của họ nếu chịu đói, chịu lạnh thì sau này ai dám xuất gia nữa chứ? Như vậy thì ngay đến Phật Bồ-tát cũng không sánh bằng phàm phu chúng ta, đâu có đạo lý này! Xả gia li dục là điều kiện đầu tiên để tu hành chứng quả. Người thế gian gọi là gánh nặng gia đình, đây là sự phiền toái, sự phiền toái này sẽ khiến cho bạn đời đời kiếp kiếp không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi.

Bạn xem câu thứ nhất trong Tam Bối Vãng Sanh, Phật vì chúng ta mà nói ra điều căn bản này, phần trước chúng ta cũng đã nhiều lần thảo luận khá tường tận. Sau khi xả gia lìa dục thì then chốt của sự thành bại là ở việc “phát Bồ-đề tâm”. Bồ-đề tâm chính là chân tâm của chính mình, là bản tánh của chính mình, vì sao phải thêm chữ “phát” vậy? Bởi vì chúng ta đã mê mất chân tâm, mê mất bản tánh rồi. Bồ-đề là tiếng Phạn, là ngôn ngữ của Ấn Độ xưa, dịch ra có nghĩa là giác ngộ. Cho nên Bồ-đề tâm nếu dùng tiếng Hoa mà nói thì đó là giác tâm, là giác tri, cổ Đại đức lại thêm hai chữ cho giác tri là “linh minh giác tri”. Linh minh giác tri là chân tâm, chính là Bồ-đề tâm, tất cả chúng sanh cùng với chư Phật Như Lai đều có cái tâm này, không ai mà không có.

/ 374