319

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 360

Chúng ta tiếp tục xem lời giáo huấn của Đại sư Ấn Quang, tuyển chọn ghi chép đoạn thứ ba. “Đãi chí Cao Miếu dĩ hậu” (Đến sau thời vua Càn Long), chữ “cao” này chính là Thanh Cao Tông - Càn Long Hoàng Đế, là sau đời Càn Long. “Triết nhân nhật hy, ngu phu nhật đa” (người sáng suốt càng ít, ngu phu càng nhiều), thật sự người thượng căn càng lúc càng ít, người trung hạ căn càng ngày càng nhiều. Cho nên thời hưng thịnh của triều Thanh là trước đời vua Càn Long, sau đời Càn Long thế lực của quốc gia dần suy yếu, trong nước xảy ra chiến tranh, như là Thái Bình Thiên Quốc trải qua mười mấy năm, Niệp Phỉ là sự phản loạn ở trong nước của triều Thanh, nhân dân và đạo Phật thảy đều bị ảnh hưởng. “Tắc bỉ bại vô lại chi đồ, đa giai hỗn nhập pháp môn” (những kẻ bại hoại vô lại đa phần trà trộn vào cửa Phật), bởi vì người xuất gia không bị hạn chế. “Tự ký bất tri Phật pháp, hà năng giáo đồ tu hành” (bản thân đã không biết Phật pháp thì sao có thể dạy tín đồ tu hành?) Lý do vì sao xuất gia thì họ không biết, xuất gia phải làm điều gì cũng không biết.

Sau thời Gia Khánh là Đạo Quang, sau Đạo Quang là Hàm Phong, phi tử của Hàm Phong là Từ Hy Thái Hậu, quý vị đều biết bà vốn là phi tử là của Hàm Phong. Sau đó bà sanh con kế thừa ngôi vua là Đồng Trị, nhưng bà giữ vai trò chuyên chánh do hoàng đế còn quá nhỏ, cuối cùng thì Mãn Thanh sụp đổ. “Tùng tư nhựt xu nhựt hạ” (từ đó ngày một suy vi), “tư” là khi đó, mỗi ngày mỗi kém hơn, mỗi đời mỗi kém hơn. “Chí kim Tăng tuy bất thiểu” (Đến ngày nay, tuy Tăng chúng không ít), đến hiện nay người xuất gia không ít, chính là thời đại của Ấn Quang Đại sư, hiện nay người xuất gia ít hơn so với thời đại đó. “Thức tự giả thập bất đắc nhất” (trong mười người không đến được một người biết chữ), hay nói cách khác, trong số mười người xuất gia thì có đến chín người không biết chữ, không có đi học thì bạn làm sao hy vọng họ có thể hoằng dương Phật pháp, lợi ích chúng sanh? Bản thân họ không thể tự độ họ được thì làm sao độ người? Làm sao có thể nối tiếp huệ mạng của Phật? Làm sao có thể gánh vác gia nghiệp của Như Lai? Cho nên “Phật pháp chi suy kỳ lai hữu tự” (Phật pháp suy vong là từ đây). Vì vậy Đại sư Ấn Quang trong Văn Sao nói rất nhiều lần về sự bãi bỏ chế độ thi cử của hoàng đế Thuận Trị, việc làm này thật sự là sai lầm. Vào lúc đó trong khoảng thời gian ngắn thì nhìn thấy đó là việc làm tốt, rất nhiều người xuất gia đều có thành tựu, hai trăm năm sau thì bạn nhìn thấy có vấn đề xảy ra, tệ nạn xảy ra rồi, cái tệ nạn này làm cho Phật giáo suy yếu đến mức độ rất lớn, chẳng có cách nào để phục hưng.

Năm xưa tôi đọc Văn Sao của Đại sư, đặc biệt chú ý đến việc Đại sư khai thị đối với vấn đề này, dùng cách gì để cứu vãn? Tôi có nghĩ ra một cách, đến giờ vẫn chưa thể thực hiện, cái cách này vẫn phải cần sự phụ trách của quốc gia, bởi vì đây là sứ mệnh giáo hóa. Giáo hóa thì quốc gia phải gánh vác, quốc gia phải phụ trách thì bạn mới có thể chân thật làm được xã hội hài hòa, ổn định hòa bình, quyền giáo dục làm sao có thể giao người khác được? Sự quyết định là quyền của quốc gia, cho nên vẫn phải cần quốc gia gánh vác công việc này, làm như thế nào? Tôi liền nghĩ ra một ý là quốc gia lập ra một Đại Học Tôn Giáo, mỗi một tôn giáo lập ra một học viện, tương lai nếu xuất gia thì nhất định phải cần Đại Học Tôn Giáo, giống như tốt nghiệp ở Phật Học Viện ra thì mới có đủ tư cách xuất gia. Như vậy tôi nghĩ cách này vẫn tốt như chế độ thi cử cấp độ điệp lúc trước, nếu bạn không tốt nghiệp Phật Học Viện, Đại Học Phật Giáo thì bạn không có tư cách xuất gia. Mỗi một tôn giáo, Ki-tô giáo thì có chuyên giáo sư, có mục sư, Thiên Chúa giáo thì có cha xứ, Hồi giáo thì có A-hồng, họ vốn là tốt nghiệp từ viện khoa học ra, tốt nghiệp từ học viện Hồi giáo ra, tốt nghiệp từ học viện Ki-tô ra, như vậy mới có thể gánh vác được sự nghiệp giáo hóa của thiên thần. Trong Phật giáo, việc nối tiếp huệ mạng của Phật thì tôi đã nghĩ ra cái ý như thế này, vẫn chưa có cơ hội trình cái ý này lên những vị lãnh đạo của quốc gia. Đây là một việc lớn, không phải là việc nhỏ, hy vọng là mỗi một quốc gia đều có thể lập ra một Đại Học Tôn Giáo để thúc đẩy việc giáo dục tôn giáo, chắc chắn việc giáo dục tôn giáo đối với việc nâng cao nhân phẩm tố chất, xã hội ổn định hòa bình, có sự quyết định mang tính cống hiến. Điều này trong lịch sử hai ngàn năm của Trung Quốc có thể nhìn thấy rất rõ ràng.