/ 374
515

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 359

Xin chào chư vị đồng tu, hôm nay chúng ta tiếp tục xem kinh văn phần “Thượng Bối Vãng Sanh”:

Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc.

Đoạn kinh văn này, vì chúng ta mà nói rất rõ ràng, rất minh bạch, từ xưa đến nay, chư vị Đại đức, đối với đoạn kinh này vô cùng xem trọng, giảng cũng rất nhiều. Phần trước chúng tôi giảng “Phát Bồ-đề tâm”, khiến cho chúng ta nghĩ đến Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng. Trong Đàn Kinh Ngài đã nói, lời nói này là do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại Sư nói, “Đời người sanh tử là việc lớn”. Lời nói này là chân tướng sự thật trong sáu cõi luân hồi, người giác ngộ thì biết rõ nên ngay trong đời này họ nỗ lực làm sao để có thể thoát khỏi sanh tử luân hồi. Đây là đại sự nhân duyên, là sự nghiệp của anh hùng. Như thế nào mới là anh hùng? Việc mà người thông thường làm không được mà họ làm được, đây là anh hùng. Cho nên chánh điện chúng ta thờ Bổn Sư Thích-ca, ở trong các ngôi tự viện được gọi là Đại Hùng Bảo Điện, đại hùng chính là đại anh hùng. Phật có thể đoạn phiền não, Phật có thể đoạn sanh tử, Phật có thể vượt khỏi mười pháp giới, điều này người thông thường không làm được, Phật đã làm được nên gọi là “đại anh hùng”. Ngài dặn dò đại chúng đi theo Ngài, trong Đàn Kinh, Ngài nói với hơn 500 vị theo Ngài học đạo, những người thường xuyên làm công quả trong đạo tràng, còn những người tu học thời gian ngắn thì không tính. Ngài nói với hơn 500 vị thường xuyên ở bên cạnh Ngài là “Chỉ biết cầu phước báo, không cầu thoát khỏi biển khổ sanh tử, tự tánh nếu đã mê thì phước cũng không thể cứu”. Đây là sự thật, phước báo có lớn hơn đi nữa cũng cứu không được. Cổ Đại đức đã nêu cho chúng ta thí dụ, phước báo của trời Đại Phạm, phước báo của trời Ma-hê-thủ-la, phước báo của vua chúa ở thế gian không cứu được sanh tử luân hồi. Thực sự mà nói cõi trời, cõi người, phước báo tu được từ vô lượng kiếp, lúc hưởng phước thì trong một đời là hưởng hết, hưởng hết phước thì nghiệp chướng liền hiện tiền, làm sao mà không bị đọa lạc được? Những sự việc này hiện bày trước mắt chúng ta, cho nên không thể không giác ngộ.

Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh Độ, những người này thuộc về thượng thượng căn. Người hạ hạ căn phát Bồ-đề tâm thì lập tức chuyển thành người thượng thượng căn. Căn tánh của mỗi người không nhất định, nó không phải là định pháp, phàm phu một niệm giác ngộ thì viên thành Phật đạo. Vì sao như vậy? Vì tánh giác là thứ mà ta vốn đã có, ở trong Đại kinh Phật nói rất hay, “Tất cả chúng sanh vốn là Phật”, bạn vốn là Phật, nhưng tại sao hiện tại bạn lại trở thành như thế này? Nguyên nhân chính là mê mất tự tánh, nên mới sanh ra vọng tưởng phân biệt chấp trước, những thứ này đã khởi lên thì Nhất Chân pháp giới bị bẻ cong, thật sự gọi là vô trung sanh hữu (từ trong không mà sanh ra có), biến thành mười pháp giới, biến thành sáu cõi, biến thành tam đồ. Điều này cổ Đại đức thường nói là “tự làm tự chịu”, không phải do người khác gây cho bạn, bản thân bạn phải chịu trách nhiệm.

Lần này chúng tôi giảng đến đoạn kinh “Xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn”, đây là người xuất gia, trong kinh nói thượng phẩm thượng sanh, điều kiện thứ nhất là xuất gia, xả dục xuất gia. Có đồng tu đưa cho tôi xem một tài liệu, tài liệu này thực tế là nói về một vị lão Pháp sư trong một ngôi chùa ở Lô Giang. Khi chưa xuất gia, Ngài là giáo sư của một trường đại học, sau này thấu rõ hồng trần nên Ngài xuất gia, Ngài chỉ tu duy nhất pháp môn niệm Phật. Từ trong Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, Ngài trích ra mấy đoạn mà Ấn Tổ thường nói về việc xuất gia, rất đáng để cho chúng ta đề cao cảnh giác. Ở phần đầu có một đoạn trong “Ấn Quang Đại Sư Giáo Huấn Trích Lục”, người trích lục nói trích lục pháp ngữ của Đại Sư mục đích là để nhắc nhở chúng xuất gia chúng ta đề cao cảnh giác, tự mình phản tỉnh, nỗ lực tu trì, nâng cao cảnh giới. Trong Đệ Tử Quy có câu “Chỉ đức học, chỉ tài nghệ, không bằng người, phải tự gắng”.

Trích lục của Ngài có sáu đoạn, đoạn thứ nhất Ấn Tổ nói, “chí ư xuất gia vi tăng, nãi Như Lai vi trụ trì pháp đạo, dữ lưu thông pháp đạo nhi thiết”. (Xuất gia làm tăng là giữ gìn và lưu thông đạo pháp của Như Lai). Đây là mục đích và dụng ý của chư Phật Như Lai độ chúng xuất gia. Những người xuất gia chúng ta, mục đích dụng ý của chúng ta có tương đồng với Phật hay không? Điều này bản thân mình phải nghiêm túc phản tỉnh.

/ 374