/ 374
345

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 358

Chúng ta tiếp tục xem, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ giải thích trong kinh Vô Lượng Thọ về phát Bồ-đề tâm. Ngài nói “Thô thích, thủ dẫn đại kinh, dĩ minh công dụng”. Đại kinh chính là chỉ bộ Kinh Vô Lượng Thọ, Ngài Tịnh Ảnh, Đạo Xước, Thiện Đạo, những vị Tổ sư Đại đức này đều gọi Kinh Vô Lượng Thọ là Đại kinh, đây là Đại kinh của Tịnh Độ tông. Tuy Đại sư Thiên Thai không gọi là Đại kinh nhưng Ngài gọi là Đại bổn, gọi kinh Di Đà là tiểu bổn. Những vị Tổ sư Đại đức này thường nói, Bồ-đề tâm thật sự là cái gốc của việc vãng sanh Tịnh Độ, là điểm khởi nguồn, chính là nguồn gốc.

Nguyên giả bổn dã, cố tri nhược bất phát thử tâm, túng nhiên cần tu, diệc tự vô nguyên chi thủy, vô bổn chi bổn, chung bất năng vãng sanh dã” (Bồ-đề tâm ấy chính là nguồn, là cội gốc của vãng sanh Tịnh-độ. Nên biết, nếu chẳng phát tâm như vậy, thì dẫu siêng tu, nhưng cũng như nước chẳng có nguồn, cây không có gốc, cuối cùng chẳng được vãng sanh). Lời nói này vô cùng quan trọng, xác thực là không những đối với việc vãng sanh, mà hễ là học Phật, trong 84.000 pháp môn thì cái gốc của pháp Đại Thừa chính là Bồ-đề tâm. Pháp Tiểu Thừa, người Tiểu Thừa không có phát Bồ-đề tâm, cho nên cảnh giới cao nhất của họ chỉ có thể chứng A-la-hán, nhất định không thể minh tâm kiến tánh. Chúng ta gọi pháp giới tứ thánh là Thanh Văn, Duyên Giác, A-la-hán, Bích-chi Phật, lên cao hơn nhất định là “hồi tiểu hướng đại”, chính là phát Bồ-đề tâm, vừa phát Bồ-đề tâm thì liền hồi tiểu hướng đại, chúng ta phải biết đạo lí này.

Pháp Đại Thừa được xây dựng trên nền tảng của Bồ-đề tâm, Tịnh Tông là Đại Thừa, không phát Bồ-đề tâm thì làm sao có thể thành tựu được? Trong 84.000 pháp môn của Đại Thừa vì sao hiện nay người học pháp Đại Thừa rất nhiều mà người thành tựu lại rất ít? Đọc xong đoạn khai thị này, chúng ta phải biết, chúng ta phải giác ngộ, tại sao không thể thành tựu? Do không phát Bồ-đề tâm. Hay nói cách khác, Bồ-đề tâm là chân tâm, tâm ý thức mà phàm phu dùng là tâm phân biệt, tâm chấp trước, vọng tưởng là vọng tâm không phải là chân tâm. Dùng vọng tâm thì làm sao có thể có được sự thành tựu chân thật?

Trong kinh luận nói rất nhiều về Bồ-đề tâm, trong Quán Kinh gọi là chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm; trong Khởi Tín Luận gọi là trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm. Thế là có người hoài nghi, từ xưa đến nay có không ít người niệm Phật không biết chữ, họ cái gì cũng chẳng biết, chỉ biết niệm một câu A Di Đà Phật. Cái gì gọi là thâm tâm, đại bi tâm thảy đều chẳng biết, tại sao những người này cũng có thể vãng sanh? Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục có, trong Vãng Sanh Truyện cũng có, thực tại chúng tôi cũng gặp một số người niệm Phật, các ông cụ bà lão ở miền quê niệm Phật vãng sanh, tướng lành hiếm có, đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh, biết trước giờ ra đi, không hề bị bệnh, họ cũng không nghe kinh, họ cũng chưa đọc kinh. Người ta dạy các cụ niệm một câu A Di Đà Phật, các cụ thật thà niệm Phật.

Giống như Pháp sư Đế Nhàn thời cận đại, ông thợ vá nồi niệm Phật, câu chuyện này có rất nhiều người biết. Lão Pháp sư Đàm Hư năm xưa ở Hồng Kông thường xuyên nhắc đến, khuyến khích mọi người. Ông thợ vá nồi không biết chữ, chưa từng học kinh điển, theo lão Hòa thượng Đế Nhàn xuất gia, ông là người đồng hương với lão Hòa thượng Đế Nhàn, thuở nhỏ là bạn chơi chung với nhau. Do gia đình nghèo khó nên ông không đi học, không biết chữ, ông theo lão Hòa thựơng Đế Nhàn xuất gia, lão Hòa thượng cũng không có cách nào, bèn dạy ông niệm một câu A Di Đà Phật, niệm mệt thì nghỉ, nghỉ khỏe rồi thì tiếp tục niệm, tương lai sẽ có được lợi ích. Ông nghe lời, chỉ niệm một câu A Di Đà Phật này đến cùng, niệm được ba năm, ông đứng mà vãng sanh. Những người dân địa phương nhanh chóng đi báo cho Pháp sư Đế Nhàn biết: “Thưa Pháp sư, đồ đệ của Ngài đã vãng sanh rồi, đứng mà ra đi”. Lão Hòa thượng Đế Nhàn nhanh chóng trở về quê, một chuyến đi về mất ba ngày, ông ấy đã đứng ba ngày, sau khi chết vẫn còn đứng ba ngày đợi Pháp sư Đế Nhàn về lo hậu sự cho ông. Người này đâu có phát Bồ-đề tâm, vì sao ông ấy có thể vãng sanh? Bạn vừa xem thấy “thâm tâm” nói trong Tứ Thiếp Sớ, thâm tâm chính là thâm tín tâm (tâm tin sâu) thì bạn sẽ hiểu được điều này. Nếu chúng ta hỏi ông thợ vá nồi có tin là nghiệp chướng của bản thân quá sâu dày hay không? Điều này chắc chắn là có tin. Đối với sự tiếp dẫn vãng sanh của A Di Đà Phật, ông có nghi ngờ không? Không có nghi ngờ. Chỉ cần có hai sự việc này thì ông đã có thâm tín tâm (tâm tin sâu). Biết bản thân mình tội chướng sâu dày, ngoài việc niệm Phật cầu vãng sanh ra thì không còn cách nào khác có thể thoát ly biển khổ, tin sâu vào sự tiếp dẫn của A Di Đà Phật, tuyệt đối không hoài nghi, đây chính là đại Bồ-đề tâm. Ông thành tâm thành ý mà niệm thì đã có đủ chí thành tâm, có được niềm tin này vậy là có đủ thâm tâm. Kết quả ba năm niệm Phật, ông đứng an nhiên tự tại mà vãng sanh, đây chính là hồi hướng phát nguyện tâm, ông làm cho mọi người xem, để cho những người không tin bắt đầu tin, những người đã tin thì càng tin sâu hơn. Quí vị nghĩ xem, có phải là ông ấy có đủ Bồ-đề tâm hay không? Thật sự là đủ.

/ 374