/ 374
522

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 357

Xin chào chư vị đồng tu, xin mời xem kinh văn đoạn thứ nhất của phần “Tam Bối Vãng Sanh”.

Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc.

Từ xưa đến nay chư vị Tổ sư Đại đức đối với phẩm “Tam Bối Vãng Sanh”, cùng với phẩm “Chánh Nhân Vãng Sanh” giảng giải rất tường tận, chú giải vô cùng phong phú. Nguyên nhân trong đó chúng ta không cần nói cũng biết là vì nó liên quan đến việc đời này chúng ta niệm Phật có thể được vãng sanh hay không, mấu chốt là ở chỗ này. Trước tiên phải đoạn nghi sanh tín, điều này quan trọng chẳng gì bằng. Nghi tình phải đoạn sạch, niềm tin phải vững chắc, niềm tin mới thanh tịnh, tín tâm vững chắc thì liền khởi tác dụng cảm ứng đạo giao với A Di Đà Phật, Thế giới Cực Lạc. Kinh Kim Cang nói “tín tâm thanh tịnh ắt sanh thật tướng”, thực tướng là Bát-nhã, thật tướng chính là pháp tánh, chính là Phật tánh, cho nên tín tâm thanh tịnh thì chân tâm bổn tánh liền hiện tiền. “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ” thì có đạo lí nào mà không hiện tiền chứ? Cho nên trong Di Đà Yếu Giải, Đại sư Ngẫu Ích nói với chúng ta về tín nguyện hạnh, Ngài nói rất là thấu đáo. Ở trong phần tựa có tín nguyện hạnh, phần chánh tông cũng có tín nguyện hạnh, phần lưu thông cũng có tín nguyện hạnh, thế nên tín tâm rất là quan trọng.

Thực tại mà nói, những người học Phật thông thường hiện nay chưa đủ tín tâm, giống như bèo trên mặt nước, trôi theo sóng nước không nơi cố định. Cảnh tượng xã hội ngày nay thật sự mà nói là khắp nơi động loạn. Thuận theo dục vọng của xã hội, hiện nay người ta gọi là chạy theo danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, khởi tham sân si mạn một cách rất tự nhiên. Đối với lời dạy của Thánh Hiền thì luôn hoài nghi, khoa học đưa ra chứng cứ, còn lời dạy của Thánh Hiền thì không có đưa ra chứng cứ. Tuy chư cổ đức đã để lại rất nhiều sách vở nhưng hiện nay người ta nhìn thấy những thứ này thì luôn cho rằng đây là khuyến thiện, chưa hẳn là có thật, đã có sự hoài nghi thì tín tâm liền bị phá hỏng, niềm tin không có thì làm gì có nguyện, làm gì có hạnh? Cho nên tuy cả đời tu Tịnh Độ nhưng cuối cùng thì không thể vãng sanh, ở đâu cũng đều như vậy.

Ngày trước lão sư Lý nói với chúng tôi, một vạn người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thật sự chỉ có 2-3 người có thể vãng sanh mà thôi. Vì sao vậy? Do không đủ tín nguyện. Chỗ này lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã nêu lên một câu chuyện trong Báo Ân Luận mà trong nhà Phật gọi là công án, chúng tôi gọi là câu chuyện để mọi người dễ hiểu, đây là câu chuyện có thật trong quá khứ. Ông Lưu Di Dân ba lần thấy Phật, là ba lần thấy chiếc y của Phật trùm lên thân của ông, Phật sờ lên đầu ông ba lần. “Tự đương thượng phẩm”, nếu không phải là công phu thượng phẩm thì làm gì có những điềm lành này? “Phi xuất gia dã”, cư sĩ Lưu Di Dân không xuất gia, nhưng ông có tham gia Liên Xã của Đại sư Huệ Viễn. Đệ nhất Liên Xã của Trung Quốc chính là Niệm Phật Đường Đông Lâm chuyên tu Tịnh Độ. Quí vị nên biết, vào thời đó kinh điển mà các vị ấy nương theo chính là Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ và Kinh Di Đà vẫn chưa được dịch, cho nên Vô Lượng Thọ là bộ kinh được dịch sớm nhất ở Trung Quốc. Đại sư Huệ Viễn y theo bộ kinh này, thật sự là “thâm nhập một môn, huân tu lâu dài”, cùng chung chí hướng, 123 người, ai ai cũng đều thành tựu. Lúc đó cả người xuất gia và tại gia đều chuyên tu Tịnh Độ, chuyên cầu vãng sanh.

Câu tiếp theo nói “Nhi phàm Liên Tông chư tổ”, chúng ta thấy 13 đời Tổ sư của Tịnh Độ tông, cư sĩ Duy-ma, cùng với 16 vị Hiền Hộ chánh sĩ ở trong kinh đều là những vị “truy tố danh đức”. “Truy” là người xuất gia, là Đại sư Huệ Viễn; “tố” chính là Ngài Lưu Di Dân, là cư sĩ tại gia; “danh” là các vị Đại đức nổi tiếng, các Ngài niệm Phật vãng sanh là thật không phải giả. “Khả liệt tri hỹ”, chữ “liệt” này chính là thí dụ, nhiều thí dụ hay như thế. Từ chỗ này bạn liền biết những chuyện vãng sanh là thật chứ không phải giả.

Tiếp theo là giới thiệu cư sĩ Lưu Di Dân đời Tấn cùng với Đại sư Huệ Viễn ở Lô Sơn niệm Phật, Ngài vãng sanh trước Đại sư Huệ Viễn, Ngài ra đi rất sớm. “Viễn Công lâm chung, phương tùng định khởi, kiến A Di Đà Phật, thân mãn hư không” (lúc Ngài Huệ Viễn lâm chung vừa xuất định thì thấy được thân của A Di Đà Phật trùm khắp hư không), khắp cả bầu trời là hình ảnh của đức Phật. Tướng này rất nhiều người thấy, tôi cũng đã nhìn thấy một lần. “Thân mãn hư không, viên quang chi trung, hữu chư hóa Phật, Quan Âm Thế Chí, tả hữu thị lập” (thân trùm khắp hư không, trong ánh sáng viên mãn ấy có các hóa Phật, Quán Âm, Thế Chí đứng hai bên trái phải) tướng này thật sự là thù thắng chẳng gì bằng, đây là đã thấy Phật, Tây Phương Tam Thánh, lúc Đại sư Huệ Viễn sắp lâm chung thì cái tướng này hiện ra.

/ 374