468

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 356

Các vị đồng học, tiếp theo chúng ta lại xem chú giải của Hoàng lão cư sĩ. “Xả gia khí dục nhi tác Sa-môn”. Hai chữ “xả gia” này, phía trước đã nói qua với các vị rồi, “gia” có 4 loại, “xả” cũng có 4 loại, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của việc này.

Nhi tác Sa-môn”, “Sa-môn” là tiếng Phạn, dịch ra là “cần tức”, nghĩa là siêng tu Giới Định Huệ, đoạn trừ tham sân si. Sa-môn thông thường là chỉ người xuất gia tu hành, nhưng ý nghĩa quan trọng hơn thì bạn phải thể hội được, đó là “siêng tu Giới Định Huệ, đoạn trừ tham sân si”. Khi Phật còn tại thế thì cư sĩ Duy-ma đã làm được, tuy rằng Ngài không xuất gia, Ngài vẫn có vợ con, nhưng Ngài thật sự đã làm được siêng tu Giới Định Huệ, đoạn trừ tham sân si. Cho nên Ngài là tại gia xuất gia, chính là tâm xuất mà thân không xuất, là Phật tại gia. Quyển kinh này vừa mở đầu Thế Tôn đã nói cho chúng ta về 16 vị Bồ-tát, 16 vị chánh sĩ Hiền Hộ, 16 vị Bồ-tát này đều là Đẳng Giác Bồ-tát, các Ngài thị hiện cũng là tâm xuất mà thân không xuất, giống như cư sĩ Duy-ma đều là tại gia học Phật. Tâm không nhiễm dục trần, đã xả bỏ dục rồi, đã xả bỏ cái gia ở trong tâm rồi. Trên hình thức thì không xả, trong tâm thì đích thực đã xả rồi, tâm xuất thân không xuất, như vậy có phải là Sa-môn hay không? Là Sa-môn. Từ đây mà thấy, ở trên hình thức thì Sa-môn không nhất định phải là thân phận xuất gia, thân phận tại gia cũng có thể được gọi là Sa-môn, bạn phải hiểu được ý nghĩa này. Người có thể siêng học Tam Học, Lục Độ, Tứ Nhiếp, Lục Hòa thì được xưng là “Tăng”, cho nên chữ “Tăng” không phải là từ chuyên dùng cho người xuất gia, người tại gia có thể làm được thì cũng có thể được gọi là Tăng.

Năm xưa tôi học Phật với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi theo Ngài 10 năm, Ngài có rất nhiều trước tác bút danh là “Tuyết Tăng”, biệt hiệu của Ngài là Tuyết Lư, bút danh là Tuyết Tăng. Tăng là người xuất gia, tâm xuất thân không xuất, Ngài chân thật có thể làm được Tứ Nhiếp, Lục Hòa Kính. Lục Hòa Kính thật sự không dễ, phải chính mình làm, không nên cầu ở người khác, việc trong thiên hạ nếu cầu ở người khác thì sẽ làm không được. Học Phật nếu cầu người khác thì bạn sẽ không thành Phật được, niệm Phật nếu cầu ở người khác thì bạn không vãng sanh được. Người xưa dạy người rằng “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ” (việc làm không thành thì xét lại chính mình), như vậy thì đúng. Chỉ cần có thể phản tỉnh lại mình thì bất kỳ chướng ngại gì cũng được hóa giải.

Xã hội ngày nay có nhiều xung đột, trong gia đình thì vợ chồng xung đột, ly hôn chính là vợ chồng xung đột, cha con xung đột, anh em xung đột. Phát triển diễn tiến thêm nữa là vua tôi xung đột, là người lãnh đạo và người bị lãnh đạo xung đột, bạn bè xung đột, ngũ luân không còn nữa thì xã hội này làm sao mà không loạn cho được? Có ngũ luân thì xã hội hài hòa, không còn ngũ luân nữa thì thiên hạ đại loạn. Làm thế nào thì không loạn? Quay lại cầu chính mình thì sẽ không loạn, không cần hỏi người khác có làm đúng hay là không, quay lại hỏi chính mình, chính mình có làm đúng hay là không. Không cần hỏi người khác làm tốt hay là không, phải quay đầu hỏi lại chính mình có làm tốt hay không thì hết thảy vấn đề đều sẽ hóa giải hết. Chúng ta bình tĩnh mà quan sát các Thánh nhân của Đông Tây phương, giáo huấn của các Thánh triết cũng không có ngoại lệ, đều là dạy người phải phản tỉnh, phải sám hối. Phải nên biết, toàn bộ giáo huấn của Thánh Hiền là dạy một mình ta mà thôi, không phải là để dạy cho một ai khác. Ta phải làm cho được, ta việc gì phải yêu cầu người khác làm được, nếu yêu cầu người khác làm được thì sai rồi, người khác nhìn thấy ta làm được thì họ sẽ rất ngưỡng mộ mà học tập theo. Họ cũng làm được thì đây gọi là Phật độ người có duyên. Bản thân chúng ta phải có cách suy nghĩ này, có nguyện tâm nguyện lực làm tấm gương tốt cho người khác xem, hy vọng khi nhìn thấy hình tướng này họ sẽ giác ngộ, họ sẽ hồi đầu.

Không thể dùng bất kỳ hình thức nào để áp đặt người khác, vậy thì bạn sai rồi. Vì sao vậy? Vì bạn sẽ có phiền não. Ta dạy họ, vì sao họ lại không nghe? Họ có phiền não. Bạn dạy họ, nghe hay không thì tùy họ, vậy thì bạn sẽ rất vui, bạn sẽ không có phiền não. Họ nghe là họ có duyên, trong tâm chúng ta biết được họ đời này sẽ thành tựu. Nếu họ không nghe thì cũng đã trồng thiện căn cho họ, trong đời này họ không thể thành tựu, đời sau kiếp sau gặp duyên biết đâu họ sẽ thành tựu. Cho nên bạn sẽ rất an lạc, rất tự tại.