/ 374
348

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 355

Chư vị đồng học, xin mời mở Kinh Vô Lượng Thọ, chương “Tam Bối Vãng Sanh Đệ Nhị Thập Tứ”. Chúng ta bắt đầu xem kinh văn từ phần thượng bối:

Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”.

Trong đoạn này có ba đoạn nhỏ, lần trước chúng tôi đã giảng đến chú giải của Hoàng Lão cư sĩ, dẫn dụng phẩm thứ bảy của kinh này, chính là phần kệ tụng của phẩm “Tất Thành Chánh Giác”. Kệ tụng này rất quan trọng, thường là phần quan trọng thì chúng ta đọc thêm vài lần, giảng thêm vài lần nhất định là có lợi ích.

Phải nên biết chúng ta ngày nay là học Phật, không phải làm Phật học. Phải nên ghi nhớ, Phật học và học Phật là hai sự việc hoàn toàn khác nhau. Học Phật thì phải giống như một vị Phật. Phật là gì vậy? Phật là người giác ngộ, học Phật chính là học một người giác ngộ, một người thấu suốt, phải nên biết ý nghĩa này. Nhất định không bị mê hoặc. Mê tín thì không phải là học Phật. Vì sao vậy? Họ không giác, giác thì không mê, mê rồi thì liền không giác. Chúng ta là người mê hoặc điên đảo, hiện nay chúng ta muốn học một người giác ngộ, người giác ngộ thì gọi là Phật, chữ Phật này là tiếng Ấn Độ, người Ấn Độ gọi là “Phật-đà”, nghĩa là người giác ngộ, phải nên biết những đạo lý này.

Bài kệ này, phía trước chúng tôi đã nói qua, nhưng chưa nói xong. “Linh bỉ chư quần sanh” (khiến các quần sanh kia), “quần sanh” chính là hết thảy chúng sanh. “Trường dạ vô ưu não, xuất sanh chúng thiện căn thành tựu Bồ-đề quả. Ngã nhược thành Chánh Giác, lập danh Vô Lượng Thọ, chúng sanh văn thử hiệu, câu lai ngã sát trung, như Phật kim sắc thân, diệu tướng tất viên mãn” (Khiến các quần sanh kia, đêm dài không ưu não, phát sanh các căn lành, thành tựu quả Bồ-đề. Con nếu thành Chánh Giác, lấy tên Vô Lượng Thọ. Chúng sanh nghe danh này, đều sanh về nước con, thân kim sắc như Phật, tướng tốt thảy viên mãn). Những câu kệ này phía trước chúng tôi đã nói qua, phương pháp của Ngài như thế nào? Bạn xem phương pháp của Ngài vô cùng thiện xảo, Ngài nói: “Ta lấy một tên gọi, tên của ta gọi là Vô Lượng Thọ. “Vô Lượng Thọ” là phiên dịch thành tiếng Trung Quốc, tiếng Ấn Độ chính là A Di Đà Phật. Ngài lấy danh hiệu này và bảo mọi người thường xuyên niệm danh hiệu này, danh hiệu này là gì? Danh hiệu này là tánh đức của chính chúng ta, danh hiệu này là chân tâm của chúng ta. Trong tiếng Phạn, “A” dịch là “Vô”, “Di Đà” dịch là “Lượng”, “Phật” là Giác, cho nên ý nghĩa của từ này là “Vô Lượng Giác”. Hết thảy pháp thế xuất thế gian, quá khứ hiện tại vị lai, thế giớ này thế giới khác, bạn đều có thể giác mà không mê thì đây gọi là “A Di Đà”. Ý nghĩa này là “không gì không biết, không gì không thể” mà tất cả các tôn giáo trên thế giới dùng để tán thán thần linh. Trên thực tế bên trong chữ “A Di Đà Phật” đã hàm chứa ý nghĩa này. Bạn giác rồi thì bạn có thể, bạn không giác thì mới không thể. Vô Lượng Giác là “không gì không biết”, không gì không biết thì tự nhiên sẽ “không gì không thể”. Trong tôn giáo thì dùng để ca ngợi các vị thần linh, trong Phật pháp thì là sự hiển thị của tự tánh chúng ta.

A Di Đà Phật là ai? A Di Đà Phật là bản thân mình, không phải người nào khác, không phải từ bên ngoài. Cho nên danh hiệu này rất hay, bảo bạn ngày ngày đều niệm, đem tự tánh A Di Đà Phật của bạn mà niệm ra. Tự tánh A Di Đà Phật ở đâu vậy? Vốn dĩ sẵn có rồi, hiện tại cũng không có thay đổi. Vấn đề là ở chỗ nào? Là bạn mê mất chính mình, bạn không thừa nhận chính mình, vậy thì cũng hết cách. Cho nên chư Phật Bồ-tát đại từ đại bi, giúp chúng ta nhận thức được chính mình, chỉ môt câu như vậy thôi. Chúng ta hiện tại đáng thương vì không nhận thức được chính mình.

Tương lai nếu tôi còn nhiều thời gian, tôi dự định giảng lại Kinh Hoa Nghiêm trong 5 năm, nhiều nhất là 7 năm, không quá 7 năm thì viên mãn Kinh Hoa Nghiêm. Sau khi viên mãn rồi thì tôi muốn đem năm kinh một luận của Tịnh Độ giảng một lần nữa. Nếu lại còn thời gian thì tôi lại đem Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm giảng cho mọi người một lần nữa, kinh đó rất hay, nói ra chân tướng sự thật rõ ràng minh bạch. Nếu chúng ta có được nền tảng tu học nhiều năm như vậy để tiếp nhận Kinh Thủ Lăng Nghiêm thì tôi tin rằng cho dù không thể “đại triệt đại ngộ” thì có lẽ có một số người sẽ đại ngộ. Sau khi nghe thì tích tiểu ngộ dần thành đại ngộ, nói một cách khác, bạn có thể khẳng định chính mình, nhận thức được chính mình, nhưng bạn vẫn chưa thể nào hoàn toàn đem cảnh giới chuyển trở lại, chuyển trở lại thì bạn chính là Phật, bạn đã thành Phật rồi. Sau khi bạn chuyển trở lại thì bạn có thể nhận biết, có thể khẳng định, việc này tương đối khả quan, gần với bờ mé của “minh tâm kiến tánh”, đó là “đại triệt đại ngộ”.

/ 374