341

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 354

Các vị đồng học, xin mời xem đoạn đầu tiên của phần “Thượng Bối Vãng Sanh”. Chúng ta đọc lại kinh văn một lần:

 “Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”.

Trong chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, dẫn dụng lời nói của cổ Đức. Cổ Đại đức nói thượng thượng phẩm phải là Bồ-tát từ tứ địa đến thất địa, thượng trung phẩm phải là Bồ-tát từ sơ địa đến tứ địa; từ đó suy ra, trung phẩm trung sanh trở xuống mới là chỗ mà phàm phu có thể đạt được. “Nhược như thị giả tắc Di Đà đại nguyện chi vô thượng, Tây Phương liên quốc chi độc diệu trì danh pháp môn chi dị hành, vãng sanh diệu pháp chi thù thắng, giai thành hý luận” (Nếu là như thế thì đại nguyện vô thượng của đức Di Đà, sự dễ hành của pháp môn trì danh độc đáo diệu kỳ của cõi Tây Phương, sự thù thắng của diệu pháp vãng sanh đều thành trò hý luận sao). Hý luận nghĩa là lời nói đùa, cũng có nghĩa là hoàn toàn vô ích. Thực tế mà nói là không phù hợp với các kinh điển của Tịnh Tông.

Đoạn kế tiếp này trích lời của Thiện Đạo Đại sư, nói rất hay, “cổ thuyết chi phi, hạnh đắc Đường Thiện Đạo Đại sư, quảng dẫn kinh luận, lực phá cựu thuyết” (Sự sai lầm của thuyết cũ đó may được Đại sư Thiện Đạo thời nhà Đường dẫn rộng trong các kinh luận, để phá tan đi thuyết cũ ấy). Đại sư ở trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ đã nói rất hay, Ngài nói về định thiện và ý văn của phần Tam Bối Thượng Hạ. Xem định thiện ở trong Quán Kinh “đều là sau khi Phật đã nhập Niết-bàn”, Phật không còn tại thế gian. “Ngũ trược phàm phu”, các vị đều biết thế gian này là ngũ trược ác thế, “ngũ trược phàm phu” chính là nói những người chúng ta hiện nay, chỉ do gặp duyên sai biệt mà khiến cho có chín phẩm khác nhau. Sự sai biệt này nghĩa là gặp duyên không đồng, cho nên mới có sự sai biệt của ba bậc chín phẩm.

Phía sau nói còn rõ ràng hơn nữa: “Hà giả, thượng phẩm tam nhân, thị ngộ đại phàm phu, trung phẩm tam nhân, thị ngộ tiểu phàm phu, hạ phẩm tam nhân, thị ngộ ác phàm phu” (Vì sao vậy, người ở ba phẩm thượng hợp với đại phàm phu, người ở ba phẩm trung hợp với tiểu phàm phu, người ở ba phẩm hạ hợp với ác phàm phu). Ở đây đã nói rõ ràng. “Dĩ ác nghiệp cố, lâm chung tịch thiện, thừa Phật nguyện lực, nãi đắc vãng sanh, đáo bỉ hoa khai, phương thủy phát tâm, hà đắc ngôn thị, thủy học đại thừa nhân dã” (Vì do ác nghiệp, nhưng dựa vào cái thiện lúc lâm chung, nương nguyện lực của Phật mà được vãng sanh. Đến khi hoa kia nở mới bắt đầu phát tâm, chứ đâu nói là người mới học Đại Thừa). Ở đây đã nói rất rõ ràng rất minh bạch, chúng ta phải nên tin những lời mà Nhị Tổ đã nói.

Thiện Đạo Đại sư là Nhị Tổ của Tịnh Tông, Sơ Tổ là Đại sư Huệ Viễn. Trong truyền thuyết thì Thiện Đạo là A Di Đà Phật tái lai, Ngài là người thời nhà Đường, vào thời đó Nhật Bản và Hàn Quốc đã phái rất nhiều cao tăng đến Trung Quốc du học, người tu học Tịnh Độ dường như đều là học trò của Ngài Thiện Đạo. Ở Trung Quốc Đại sư Thiện Đạo dường như không được nhiều người biết đến nhưng ở Nhật Bản thì lại rất thịnh hành, khắp nơi đều thấy chùa Thiện Đạo. Nhìn thấy chùa Thiện Đạo thì bạn hiểu được đây là pháp môn Tịnh Tông, là chuyên tu Tịnh Tông. Tượng điêu khắc, tượng đắp nặn của Ngài Thiện Đạo trong các tự miếu của Nhật Bản rất nhiều, còn có tượng điêu khắc bằng đá được cúng dường ở ngoài trời, bên trong chùa thì dùng tượng gỗ, còn có cả tranh lụa. Chúng ta xem thấy bên trong Tổ đường của người Nhật đều cúng dường các loại tranh tượng của các vị tổ sư Trung Quốc, khiến cho chúng ta sau khi xem thấy thì vô cùng kính phục, sự cung phụng tôn trọng đối với Tổ sư của họ vượt hơn người Trung Quốc rất nhiều. Trong các tự miếu ở Trung Quốc việc cúng dường tượng Phật Bồ-tát rất phổ biến, cúng tượng của Tổ sư thì không nhiều.

Phải hiểu một đạo lý là con người nếu không hiếu thuận cha mẹ mà hiếu thuận với lão sư thì đó là giả không phải thật. Học Phật mà bất kính với tổ sư, sư trưởng của mình thì bạn kính Phật Bồ-tát cũng là giả. Vì sao vậy? Ở đây có sự sai biệt xa và gần, Phật Bồ-tát cách chúng ta xa, tổ sư lão sư thì cách chúng ta gần hơn. Lợi ích của việc học tập của chúng ta từ đâu mà có? Từ lão sư mà có, không phải từ Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát đời đời truyền nhau, truyền đến lão sư của chúng ta, lão sư dạy lại cho chúng ta, ít nhất lúc chúng ta mới nhập môn thì đều nhờ vào lão sư. Trung Quốc ngày xưa, sự tôn trọng đối với vị lão sư đầu tiên vượt hơn bất cứ một vị lão sư ở thời đại nào. Cho nên Trung Quốc ngày trước vào thời đại khoa cử, khi đỗ tiến sĩ và đỗ trạng nguyên thì trở về quê nhà, việc đầu tiên là đi bái tổ tiên, báo ân đức của tổ tông, báo cái ân của cha mẹ, việc thứ hai là đi bái lão sư. Bái vị lão sư nào vậy? Là vị lão sư đầu tiên, vẫn là không quên cái gốc. Vị lão sư đầu tiên có thể vẫn còn là một vị tú tài nghèo, tú tài nghèo đã dạy ra được một quan trạng nguyên, đây là sự vinh hiển vô thượng cả một đời của họ, vinh quang phải được quy về phần của họ. Bạn xem Trung Quốc ngày trước tâm địa con người phúc hậu đến nhường nào, nếp sống của xã hội thiện lương thuần phác là có đạo lý của nó, con người biết ơn báo ơn. Xã hội hiện tại rất phiền phức, không biết ân đức, vong ân bội nghĩa. Chúng ta thường nghe thấy, cũng thường nhìn thấy, hiện tại con cái không biết tôn kính cha mẹ, chưa nói đến hiếu thuận, đối với cha mẹ không hề biết cung kính, đối với cha mẹ đã không cung kính thì trong xã hội họ sẽ cung kính với người khác hay sao? Không thể nào, vì đó đã thành thói quen rồi. Giữa con người với nhau không có sự lễ kính thì xã hội này sẽ loạn.