/ 374
628

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 353

Các vị đồng học, xin xem phẩm 24 “Tam Bối Vãng Sanh Đệ Nhị Thập Tứ”. Hôm nay chúng ta bắt đầu xem từ phần thượng bối, chúng ta đọc kinh văn qua một lần:

Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”.

Đoạn này là nói tu nhân, thứ nhất là “xả gia khí dục”, câu nói này vô cùng quan trọng. Các đồng học đều biết, chúng ta học tập Tịnh Độ đã nhiều năm như vậy, niệm niệm đều mong muốn vãng sanh Tịnh Độ, rốt cuộc có thể được như ý hay không? Trong việc này có vấn đề, phía trước Tổ sư Đại đức đã nói, tuy lời nói đều có đạo lý nhưng chúng ta phải tỉ mỉ thể hội, thông hiểu thấu suốt. Cổ Đại đức nói Tam Bối vãng sanh, Thượng Bối là Bồ-tát, Trung Bối là Thanh Văn, phàm phu vãng sanh thì chỉ có thể ở ba phẩm hạ. Cho đến Thiện Đạo Đại sư, tương truyền Ngài là A Di Đà Phật tái lai, vậy lời của Thiện Đạo chính là A Di Đà Phật tự mình nói ra. Ngài nói rất hay, bốn cõi ba bậc chính phẩm đều là do gặp duyên không đồng. Phàm phu chúng ta nếu gặp được duyên thù thắng thì trong một đời này cũng có thể vãng sanh Thật Báo Độ thượng thượng phẩm, là do gặp duyên không đồng. Những lời này chúng ta sau khi nghe xong tỉ mỉ suy nghĩ thì thấy hợp tình hợp lý.

Chúng sanh tạo tác ác nghiệp quá nặng, đặc biệt là tạo tác ngũ nghịch thập ác, như vua A-xà-thế ở trong Quán Kinh. Chúng ta từ trong Kinh A-xà-thế Vương biết được một thông tin, tuy rằng cả đời ông tạo tác ngũ nghịch thập ác, giết cha hại mẹ, phá hòa hợp tăng, nhưng dẫu sao ông vẫn còn có thiện căn ở đời trước, là thiện căn trong đời quá khứ, trong đời này đã bị tham dục che lấp mất. Tuy có thiện căn nhưng không thể hiện tiền, nghe theo lời xúi giục của Đề-bà-đạt-đa đã làm ra rất nhiều việc xấu, đến lúc lâm chung ông sám hối. Công đức của một niệm sám hối này không thể nghĩ bàn, nếu y theo cách thông thường mà chư Đại đức hay nói thì những người tạo nghiệp tội lâm chung sám hối sẽ vãng sanh ba phẩm hạ. Cho nên vua A-xà-thế nếu vãng sanh ba phẩm hạ thì chúng ta không có gì để nói, chúng ta sẽ cảm thấy rất đúng, nhưng Thế Tôn nói với chúng ta vua A-xà-thế vãng sanh là thượng phẩm trung sanh. Năm xưa khi tôi xem đến đoạn kinh văn này đã vô cùng kinh ngạc, mới hiểu được việc vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là có hai hạng người. Một hạng là bình thường y giáo phụng hành, tích công lũy đức, đây là rất bình thường; loại kia thì vô cùng phương tiện, là lâm chung sám hối quay đầu phát nguyện vãng sanh. Việc sám hối quay đầu phát nguyện vãng sanh này trong sự suy nghĩ của chúng ta cũng có tầng bậc khác nhau. Tâm sám hối đó có sâu cạn khác nhau, nguyện cầu sanh có lớn nhỏ khác nhau, tâm thành kính có mạnh yếu khác nhau, cho nên họ cũng có sai khác, cũng là có ba bậc chín phẩm. Vua A-xà-thế có thể được thượng phẩm trung sanh, đây chính là cổ Đức đã nói “ác xưa không chướng ngại điều lành sau cùng”, quá khứ đã tạo tội nghiệp nhưng sau cùng sám hối, sửa lỗi đổi mới, đây là người thiện, không phải là người ác. Ngạn ngữ cũng có câu “lãng tử hồi đầu quý hơn vàng”, khi còn trẻ làm ác, làm xằng làm bậy, vừa quay đầu thì thành người cực tốt, người tốt trong những người tốt, vì vậy họ vãng sanh thượng bối là lẽ đương nhiên.

Từ chỗ này khiến chúng ta nghĩ đến trong Kinh Bát Đại Nhân Giác Phật có dạy chúng ta, “không nhớ ác cũ, không ghét người ác”. Hai câu nói này rất quan trọng, việc ác đã tạo trong quá khứ bạn không nên để nó ở trong lòng nữa. Bởi vì sao? Họ hiện tại đã thay đổi, đã quay đầu rồi, nếu bạn còn nghĩ đến điều ác của họ trong quá khứ thì sai rồi, phải không nhớ ác cũ. Việc ác đã tạo ngày hôm qua hôm kia thì đều không nên để ở trong lòng, một niệm hối cải thì chính là “thiện nam tử, thiện nữ nhân” chân thật. “Không ghét người ác”, người tạo ác nghiệp đa đoan, bạn đối với họ không nên có tâm sân hận, đối với họ mà có tâm sân hận thì họ không sai mà chính chúng ta đã sai. Vì sao vậy? Phiền não tập khí từ vô thỉ kiếp đã bị họ khơi dậy, đây là sai lầm của chúng ta. Vì sao Phật có thể làm được, Bồ-tát có thể làm được, A-la-hán có thể làm được, người chân thật tu hành cũng có thể làm được, mà chúng ta không làm được?

Lục Tổ đại sư đã nói, đây là kinh nghiệm tu học của bản thân Lục Tổ, Ngài nói Ngài chỉ thấy lỗi của chính mình, không nhìn thấy lỗi của người khác, những lời này là thật không phải là giả. Ngài 24 tuổi thì tiếp nhận y bát của Ngũ Tổ, trở thành vị tổ đời thứ sáu khi chỉ mới 24 tuổi. Đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, Ngài thành tựu như thế nào vậy? Chính là câu nói này “chỉ nhìn thấy lỗi của mình, không nhìn thấy lỗi của người”, điều này khiến chúng ý thức được đây chính là nguyên nhân khiến một người trẻ tuổi như Ngài thành tựu, được đại triệt đại ngộ, chúng ta phải nên học tập. Người ở trong cảnh giới này thì như Ngài đã nói với Ngũ Tổ “trong tâm đệ tử thường sanh trí huệ”. Chúng ta hiện tại nếu gặp được Ngũ Tổ thì chúng ta nhất định sẽ nói “trong tâm đệ tử thường sanh phiền não”. Lục Tổ thường sanh trí huệ, không sanh phiền não.

/ 374