/ 374
459

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 352

Chúng ta tiếp tục xem đoạn thứ nhất của “Tam Bối Vãng Sanh”: “Phật cáo A-nan, thập phương thế giới, chư thiên nhân dân, kỳ hữu chí tâm, nguyện sanh bỉ quốc, phàm hữu tam bối.

“Tam Bối” là nói sơ lược, cũng có nghĩa là biểu pháp, bởi vì trong cảnh giới phàm phu có chín pháp giới, thậm chí đến cả mười pháp giới. Nội phàm và ngoại phàm được nói trong giáo lý Đại Thừa, sự giới hạn của nội và ngoại chính là sáu cõi. Sáu cõi là nội phàm. Người ngoài sáu cõi chưa minh tâm kiến tánh, vẫn còn là phàm phu, được gọi là ngoại phàm. Họ là phàm phu ở ngoài tam giới, là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật. Phật ở trong mười pháp giới vẫn chưa minh tâm kiến tánh, điều này quý vị nhất định phải biết. Nếu đã minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật thì Phật này không ở trong mười pháp giới, mà đã siêu vượt rồi, vào Nhất Chân pháp giới, điều này trong các buổi giảng chúng tôi đã nói rất rõ ràng.

Phật nói vói chúng ta pháp giới vốn là Nhất Chân, cho nên nhất (một) là chân, còn thập (mười) thì không phải là chân. Nhất Chân pháp giới vì sao lại biến thành mười pháp giới? Đạo lý chân tướng sự thật này, trong giáo lý Đại Thừa nói rất nhiều, “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Tất cả pháp này là chỉ cho mười pháp giới, không phải là Nhất Chân pháp giới, bởi vì trong Nhất Chân pháp giới không có tâm tưởng, trong mười pháp giới thì có tâm tưởng. Tâm vọng tưởng càng phức tạp, càng nhiều thì đọa xuống thấp, tâm tưởng càng đơn thuần, càng đơn giản thì họ càng hướng lên cao. Cho nên trong mười pháp giới thì pháp giới Phật giới gần sát với Nhất Chân pháp giới nhất, nó chưa phải là Nhất Chân pháp giới, chỉ ở gần sát thôi. Pháp giới Bồ-tát thì cũng rất gần, nhưng vẫn không gần bằng pháp giới Phật. Phật thật sự từ bi đã nói cho chúng ta kết quả này là do duyên cớ gì, là do phiền não tập khí của phàm phu sâu nặng. Nói tóm lại, Phật quy nạp chúng lại thành ba mục, chính là ba loại lớn của phiền não.

Kiến tư phiền não, kiến là kiến giải, tư là tư tưởng, kiến giải và tư tưởng nếu đã sai, hoàn toàn trái với chân tướng sự thật thì gọi là kiến tư phiền não. Thí dụ như trong kiến tư phiền não, điều sai lầm đầu tiên thô thiển nhất là xem cái thân thể này là ta. Quý vị hãy nghĩ xem, chúng sanh trong lục đạo ai mà không xem cái thân này là ta, thân thể không phải ta, vậy ta ở chỗ nào? Phật nói đây là kiến giải sai lầm đầu tiên, bạn đã nhìn sai. Thân không phải là ta, vậy thân là cái gì? Phật nói thân là cái ta sở hữu, gọi là “ngã sở”, nó không phải là ta. Nếu chúng ta xem cái thân này là ta, chúng ta mặc bộ đồ này, bộ đồ này không phải là ta, bộ đồ này là cái ta sở hữu, điều này thì mọi người hiểu. Nếu nói cái thân này là cái ta sở hữu thì mọi người sẽ không hiểu.

Hôm trước tôi ở Brisbane, tối hôm đó các đồng tu Việt Nam đến thăm tôi, có khoảng 50 người, có đưa ra một số câu hỏi, tôi đã trả lời cho họ. Cuối cùng có một đồng tu nam, ông ấy kể cho tôi một câu chuyện, có một lần ông bị đột quỵ ngã xuống, nằm dưới đất, linh hồn xuất ra. Chúng ta thường nói là linh hồn đã rời khỏi thân thể, ông nói là ông nhìn thấy rất rõ ràng, nhìn thấy thân thể của ông nằm ở dưới đất, ông rất muốn đỡ thân thể của ông dậy nhưng đỡ không được. Sau đó ông nhìn thấy những người đi qua đi lại, tình huống lúc đó ông nhìn thấy rất rõ ràng, vì ông ở trên cao nhìn xuống nên không có gì cản trở, ông nhìn thấy y tá khiêng ông vào phòng cấp cứu, y tá gọi ông hãy tỉnh dậy, “hãy tỉnh lại”, ông liền trở lại nhập vào thân thể và ông tỉnh lại. Ông hỏi tôi, chuyện này có tốt hay không? Tôi trả lời ông ấy, chuyện này không có gì tốt hay không tốt, nhưng nó đã chứng minh một sự việc, là sự việc gì vậy? Thân thể không phải là ta, nếu lúc y tá gọi bạn, bạn không để ý đến, bạn không quay lại thì họ tuyên bố bạn đã chết rồi, nếu bạn trở về, trở về thì bạn liền sống lại. Ở Trung Quốc từ xưa đến nay có ghi chép lại những chuyện này rất nhiều, ở nước ngoài cũng có, người ngoại quốc gọi tình trạng này là chết lâm sang. Điều này trong kinh Phật cũng có chứng minh thân thể không phải là ta, thân thể là cái ta sở hữu.

Vậy cái gì mới là ta? Cái mà rời khỏi thân thể, Phật pháp gọi là thần thức, người thông thường gọi là linh hồn, chúng ta thường nói là linh tánh. Linh tánh thì bất sanh bất diệt, cái đó mới là ta. Xem cái thân thể này là ta là sai lầm rồi. Bạn hiểu rõ đạo lý này thì bạn phải nên biết, con người khi còn sống, những người thông minh mới biết nâng cao linh tánh của mình. Tu dưỡng đạo đức, đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ là nâng cao linh tánh của chính mình. Điều này là gì? Là thứ mà bạn có thể mang theo được. Danh vọng lợi dưỡng của thế gian này đều là giả, thân thể là giả thì danh vọng lợi dưỡng càng là giả, bạn phải mất nhiều thời gian cho những việc này, dùng rất nhiều tâm huyết thì đây là lãng phí. Trong Phật pháp thường nói “Vạn thứ mang không được, chỉ có nghiệp theo thân”, những thứ bạn có thể mang theo được là thiện nghiệp và ác nghiệp, nghiệp thiện thì nâng linh tánh của bạn lên, nghiệp ác thì khiến cho linh tánh của bạn đọa lạc, bạn phải hiểu cái đạo lý này, chân tướng sự thật này bạn phải nên biết.

/ 374