PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 351
Kính thưa chư vị đồng tu, xin mời xem Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, phần Tam Bối Vãng Sanh, phẩm thứ 24.
Kinh Vô Lượng Thọ từ lúc bắt đầu giảng đến hiện giờ thời gian cũng rất dài, có lúc ngừng có lúc giảng, cũng giảng được rất tường tận, chúng tôi đã tốn không ít thời gian. Lần này ở học viện Towoomba chúng tôi tiếp tục giảng bộ kinh này, cho nên lần này chúng tôi bắt đầu giảng phẩm thứ 24 Tam Bối Vãng Sanh. Phẩm kinh này vô cùng quan trọng.
Chúng ta đều biết đại kinh của Tịnh Tông chính là Kinh Vô Lượng Thọ, cổ Đại đức thường nói phẩm thứ sáu về 48 lời nguyện của A Di Đà Phật là quan trọng nhất, Tịnh Tông xác thực là lấy 48 lời nguyện làm trung tâm. Ngoài đoạn kinh này ra, những đoạn kinh khác cũng rất quan trọng, đó là phẩm 24 và phẩm 25. Phẩm 24 là Tam Bối Vãng Sanh, phẩm 25 là Vãng Sanh Chánh Nhân. Nói cách khác, chúng ta phải làm thế nào để trong một đời này thật sự vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, thân cận A Di Đà Phật. Phương pháp nằm ở trong hai đoạn kinh này, cho nên cổ Đại đức đã chú giải hai đoạn kinh này đặc biệt nhiều, đặc biệt tỉ mỉ. Hiếm có là lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã sưu tập những chú giải của cổ Đại đức, hội tập vào trong chú giải Kinh Vô Lượng Thọ, đối với hậu học chúng ta mà nói thì tiện lợi vô cùng. Bây giờ chúng ta xem đoạn kinh văn này, đoạn kinh văn thứ nhất “Tổng tiêu tam bối” ở trong Khoa Phán trang thứ 49.
“Phật cáo A-nan, thập phương thế giới, chư thiên nhân dân, kỳ hữu chí tâm, nguyện sanh bỉ quốc, phàm hữu tam bối.”
Trong chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ vừa mở đầu đã nói, phẩm kinh phía trước tên là “Thập Phương Tán Thán” (mười phương tán thán), Kinh A Di Đà thì nói sáu phương. Quí vị phải biết bản dịch Kinh A Di Đà của Đại sư La-thập là ý dịch, không phải là trực dịch, nên rất thích hợp với người Hoa, còn bản dịch Kinh A Di Đà của Đại sư Huyền Trang là trực dịch, cho nên bản dịch của Đại sư Huyền Trang là mười phương Phật. Đại sư La-thập dịch là sáu phương đã lược bỏ tứ duy. Tứ duy, tứ phương và trên dưới là mười phương. Cổ Đại đức dịch kinh thể lệ không giống nhau, tuy 10 phương và 6 phương dường như có khác biệt trên hình thức, nhưng trên thực tế thì không có khác biệt. Trên thực tế 10 phương chính là 6 phương, 6 phương chính là 10 phương, hoàn toàn không khác biệt.
Mục đích chính là mười phương chư Phật khuyên dạy, Phật đã chứng được quả vị viên mãn, Ngài chỉ có một nguyện vọng là mong muốn tất cả chúng sanh chứng được cứu cánh viên mãn giống như Ngài, đây là tâm Phật. Vì sao vậy? Vì tất cả chúng sanh vốn là Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng, vì sao chúng ta hiện nay lại trở thành chúng sanh, trở nên đáng thương như vậy? Nguyên nhân này được Thế Tôn nói rất rõ ràng trong Kinh Hoa Nghiêm, nguyên nhân xác thực là chính mình đã mê mất đi tự tánh, không thể trách người khác. Trong phẩm “Xuất Hiện”, Phật nói rất rõ ràng, “tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai”. Trí huệ là thứ quan trọng nhất, chúng ta biết Như Lai có trí huệ cứu cánh viên mãn, Phật nói tất cả chúng sanh ai ai cũng có, so với Phật chẳng kém chút nào. Vì sao hiện nay bạn lại không có trí huệ? Bạn đã mê mất tự tánh nên trí huệ biến thành phiền não. Kinh Vô Lượng Thọ thường nói “phiền não tức Bồ-đề”, ý nghĩa của lời nói này rất sâu. Đã giác ngộ rồi thì vô lượng vô biên phiền não biến thành trí huệ, cho nên phiền não và trí huệ là một thể mà hai mặt, bạn có thể chuyển trở lại, chuyển phàm thành Thánh, chuyển mê thành ngộ.
Phật pháp chú trọng ở khai ngộ, những lời giáo huấn của Thánh nhân phương Đông đều xem trọng ngộ tánh, kể cả nhà Nho cũng không ngoại lệ. Lúc chúng tôi còn nhỏ đi học thường nghe giáo viên thảo luận, giáo viên đang nói chuyện chúng tôi ở bên ngoài nghe được, học sinh nào có ngộ tánh, học sinh nào học còn kém một chút. Do vậy mới biết, giáo viên ở trong trường quan sát học sinh cũng xem trọng ngộ tánh, vì vậy khai ngộ rất quan trọng. Phải làm như thế nào mới có thể khai ngộ? Vậy thì bạn phải hiểu được tam học Giới Định Huệ “nhân giới được định, nhân định khai huệ”.
Nền giáo dục phương Đông vô cùng xem trọng sự định tĩnh, nhà Nho có nói “tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự”. Lự chính là trí huệ dần dần hiện tiền, tĩnh sau đó có thể an, chúng ta gọi là tâm an, không khai ngộ thì tâm làm sao an được. Lự thì sau đó có thể đắc, đắc này chính là chứng quả, đắc đạo, chúng ta phải biết đạo lý này. “Tri chỉ” là giới luật, bạn xem trong giới luật của nhà Phật có chỉ trì, có tác trì. Trước tiên tu chỉ trì, ngũ giới, thập thiện đều thuộc về chỉ trì. Không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, chữ “không” này chính là chỉ trì. Tri chỉ thì sau đó có định, tâm của bạn mới có thể định lại được, có định thì mới có huệ. Chữ “Thiền” phiên dịch sang Trung Văn thì gọi là tĩnh lự, tĩnh chính là định. Cái định này của lự không phải là cái định chết mà là định sống. Vì sao vậy? Vì trong định có quán, có chiếu. Trong Phật môn gọi là “quán chiếu”, nhà Nho gọi là “lự”. Chữ “lự” này là chánh tri chánh kiến, không phải tà tri tà kiến. Vì vậy trong sách Đại Học của nhà Nho vẫn có tam học Giới Định Huệ. Do vậy mới biết, bạn không trì giới thì bạn không thể được định, bạn không được định thì trí huệ của bạn không hiện tiền, bạn có học nhiều hơn nữa, có học giỏi hơn nữa, cũng chẳng qua là “kí vấn chi học” (học kiểu ghi nhớ kiến thức). Cho dù bạn có nhớ được nhiều, học được nhiều cũng không khai trí huệ. Nhà Nho nói rất hay “kí vấn chi học bất túc dĩ vi nhân sư dã” (lối học ghi nhớ kiến thức không đủ để làm thầy của người khác). “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, điều này bạn không làm được. Vì sao vậy? Vì bạn không sửa được khuyết điểm tập khí, thế nên trì giới là quan trọng hơn tất cả.